Mách bạn cách làm chè lam thơm ngon, chuẩn vị Bắc Giang

Còn gì tuyệt vời hơn khi vào những ngày gió lạnh vừa nhâm nhi tách trà, vừa thưởng thức miếng chè lam dẻo ngọt, thơm ngon. Cách làm chè lam dân dã đặc trưng của vùng thôn quê Bắc Bộ này cũng không hề khó. Mời bạn tìm hiểu cùng VinID qua những thông tin bài viết!

1. Chè lam là gì? Nguồn gốc của chè lam

Nguồn gốc

Chè lam từ lâu đã trở thành một món ăn văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, đặc biệt vùng thôn quê Bắc Bộ. Trước đây, chè lam thường được làm và ăn vào dịp lễ tết, ngày nay chè lam được xem như món quà vặt, ăn quanh năm.

Chè lam
Hình ảnh món chè lam

Chè lam mới nghe tên khiến nhiều người nhầm tưởng là món chè nhưng thực chất là món bánh được làm từ bột, mật mía kết hợp cùng lạc (đậu phộng). Đây là món bánh có vị ngọt thanh, bùi bùi, dẻo thơm khiến không ít người “mê mẩn” ngay từ lần ăn đầu.

Chè lam có nhiều nguồn gốc khác nhau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là món chè lam của Thạch Xá – Hà Nội, chè lam Thanh Hóa và chè lam Bắc Giang.

Mỗi vùng quê làm món ăn này lại có những thay đổi nhỏ về nguyên liệu và công thức làm chè lam. Tiêu biểu như ở Bắc Giang và Thanh Hóa thường dùng mật mía để nấu bánh, còn với Thạch Thất thường sử dụng đường tinh luyện.

Chè lam
Chè lam Bắc Giang dẻo ngon hương vị truyền thống

Ý nghĩa tên gọi chè lam

Tên gọi chè lam xuất hiện từ rất lâu và được lưu truyền tới bây giờ nên ít người biết đến ý nghĩa ban đầu của nó. Chỉ biết tên gọi này đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ.

Chính vì vậy, khi nhắc đến chè lam, người ta hình dung ngay ra hương vị, sự thơm ngon của món bánh dân dã nổi tiếng vùng Bắc Bộ này.

2. Cách làm bánh chè lam

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 300g bột bỏng gạo nếp rang
  • 150g bột bỏng gạo tẻ rang
  • 150g mật mía
  • 50g mạch nha
  • 30g gừng tươi
  • 50g lạc (đậu phộng) rang

2.2. Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Gạo nếp và gạo tẻ chọn loại ngon, sàng sảy sạch và rang thơm. Sau đó, cho các loại gạo này nổ bỏng và xay thành bột mịn.
  • Gừng tươi rửa sạch, giã hoặc xay nhỏ và vắt lấy nước cốt gừng.
  • Đậu phộng rang vàng, bỏ vỏ và tán dập.

Bước 2: Đun nước đường làm chè lam

  • Cho nồi lên bếp, đổ mật mía và mạch nha vào. Đun với lửa nhỏ, khuấy nhẹ nhàng và đều tay.
  • Khi mật mía bắt đầu sôi lăn tăn, bạn cho thêm nước cốt gừng và một lượng muối nhỏ.
Nấu nước đường chè lam
Nấu nước đường chè lam

Bước 3: Trộn bột vào nước đường

  • Chia phần bột làm 2 phần: 3/4 bột để trộn vào nồi nước đường, 1/4 dùng để làm bột áo lăn lên chè lam.
  • Khi trộn bột vào nước đường cần cho từ từ, đảo thật nhanh để chè lam đạt độ mềm dẻo ngon nhất, không vón cục. Lưu ý, không nên đổ tất cả bột cùng lúc sẽ làm chè không chín được.
  • Đổ bột vào nước đường đến khi hỗn hợp đặc dẻo, vừa ăn. Cuối cùng, cho thêm lạc rang giã dập vào trộn đều.

Bước 4: Đổ khuôn chè lam

  • Rải đều 1/4 phần bột còn lại lên một mặt phẳng như mâm hoặc bàn sạch.
  • Cho hỗn hợp chè lam đã nấu nước đường lên mặt phẳng và nhào hỗn hợp này nhanh, mạnh tay đến khi hỗn hợp tạo thành khối dẻo thì cho vào khuôn.

Bước 5: Cắt miếng

  • Đợi bánh chè lam trong khuôn nguội, bạn dùng dao cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
  • Sau đó, lăn những miếng chè lam này qua phần bột rang để bột phủ kín bề mặt miếng bánh.
Lăn bánh chè lam qua bột
Lăn bánh chè lam qua bột

2.3. Yêu cầu thành phẩm món chè lam

Chè lam thành phẩm đạt chuẩn phải có sự kết hợp hài hòa giữa vị dẻo thơm của bột nếp, vị ngọt đượm của mật mía nấu chín tới, vị cay ấm và thơm nồng của gừng, vị bùi béo của lạc rang.

Chè lam
Thành phẩm món chè lam dẻo mềm, thơm dịu

Món chè lam hợp nhất với uống cùng trà xanh. Thưởng thức miếng bánh chè lam dẻo dẻo, thơm cay, nhâm nhi cùng trà nóng, rất phù hợp với không khí những ngày heo may se lạnh, đậm chất dân quê Bắc Bộ.

3. Cách bảo quản chè lam vẫn giữ được vị ngon

  • Nếu làm nhiều, bạn nên để chè lam thành khối nguyên, ăn đến đâu cắt lượng vừa phải đến đó. Phần còn lại bạn nên bọc kín và để chỗ thoáng mát ăn dần. Chè lam có thể bảo quản ở nhiệt độ thường khoảng 3 – 5 ngày.
  • Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể cho vào hộp sạch, đậy nắp kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Chè lam
Chè lam để thành từng khối, bảo quản được 3 – 5 ngày

Món chè lam vừa ngon vừa an toàn rất phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình. Sự kết hợp đơn giản giữa mật mía, bột gạo nếp, gừng, lạc rang với các bước thực hiện nhanh đã giúp bạn có ngay món ăn độc đáo, hương vị tuổi thơ.

Giờ thì hãy trổ tài với cách làm chè lam mà VinID đã chia sẻ để cả gia đình cùng thưởng thức món quà vặt này nào. Đừng quên đi chợ mua nguyên liệu chất lượng online qua app VinID nhé!

Banner CTA Đi chợ online 750

>>> Cách làm chè khoai dẻo ngọt bùi <<<