Chiều cao và cân nặng của trẻ 7 tháng tuổi | Vinmec

Dinh dưỡng và môi trường sống là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ, trong đó có chiều cao và cân nặng. Sự suy dinh dưỡng có thể làm chậm quá trình phát triển thể chất. Nó không chỉ tác động nhiều đến mật độ xương và độ chắc khỏe của răng, kích thước các cơ quan trong cơ thể mà còn làm trì hoãn khả năng phát triển của trẻ. Thế nhưng, nếu được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng lại, bé có thể bắt kịp sự phát triển mà đáng lẽ bé phải đạt được trước đó. Do đó, bạn cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong mỗi giai đoạn.

Đối với trẻ 7 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn chính cung cấp năng lượng để trẻ phát triển tốt, giai đoạn này việc ăn đối với trẻ vẫn chỉ là tập ăn, học hỏi về việc ăn uống.

Mẹ vẫn duy trì việc cho bé bú khoảng 600-700ml/ ngày và xen kẽ các cữ bú là 2 bữa ăn dặm. Bé có thể ăn dặm loại bột ngọt, rồi chuyển sang ăn thêm các loại bột mặn. Ngoài ra, mẹ có thể chế biến bột mặn và thêm thịt heo, cá đồng,… vào thực đơn cho trẻ ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các yếu tố môi trường khác như: khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng có thể là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển thể chất ở trẻ.

Các bệnh lý mạn tính

Nếu trẻ không may sinh non, mắc các bệnh lý bẩm sinh hay bệnh lý mạn tính, thì cân nặng và chiều cao của trẻ có thể bị ảnh hưởng nhiều, thường là theo hướng tiêu cực.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa Hoa Kỳ nổi tiếng mang tên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Quốc gia vào tháng 1/2000, trẻ em có tiền sử mắc bệnh lý nghiêm trọng như thiếu máu hồng cầu hình liềm từ 8 – 19 tuổi thường thấp bé, nhẹ cân hơn rất nhiều so với trẻ khỏe mạnh. Đồng thời, sự phát triển về sinh lý hay sức khỏe sinh sản của trẻ giai đoạn dậy thì, vị thành niên cũng bị rối loạn và trì hoãn.

Chăm sóc, gần gũi của bố mẹ

Nghiên cứu tại Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Sự phát triển con người (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng, sự chăm sóc của bố mẹ lẫn những người không cùng huyết thống (người giữ trẻ) là một yếu tố tác động lớn đến việc phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, hành vi và cảm xúc của một đứa trẻ từ lúc sinh ra đến tuổi dậy thì.

Sức khỏe của mẹ mang thai và cho con bú

Sức khỏe của mẹ trong thời gian mang thai liên quan trực tiếp đến sức khỏe cũng như phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu thường xuyên bị căng thẳng tinh thần, hoặc ốm yếu, chế độ dinh dưỡng kém thì có thể làm chậm sự phát triển của trẻ.

Đối với mẹ đang cho con bú, thì trong giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là bữa ăn chính của trẻ. Mẹ phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nguồn sữa đầy đủ, nhiều dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện.

Trẻ 7 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein… Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,… Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.