Nghiên cứu marketing giúp ích gì cho doanh nghiệp

Marketing bao gồm các chiến lược và chiến thuật để xác định, tạo và duy trì sự thoả mãn cho khách hàng, thông qua đó mang lại giá trị cho họ và doanh nghiệp. Marketing là một quá trình giúp các cá nhân hoặc nhóm có được những điều họ cần thông qua việc tạo ra, trao đổi các giá trị và sản phẩm cho người khác. Có thể nói quá trình Marketing chịu trách nhiệm xác định, dự đoán và làm thoả mãn các yêu cầu, mong muốn của khách hàng.

Nghiên cứu thị trường và nghiên cứu Marketing

Nghiên cứu thị trường là công việc tìm hiểu thị trường rộng lớn mà doanh nghiệp dự định hoạt động. Mặt khác, nghiên cứu Marketing có thể gói gọn bằng “4P” (bao gồm Sản phẩm, Giá cả, Quảng bá và Phân phối), kết hợp các yếu tố đó nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tóm gọn, nghiên cứu thị trường là khái niệm bao quát, rộng lớn để hiểu được môi trường doanh nghiệp đang muốn cạnh tranh, trong khi đó nghiên cứu Marketing là cái nhìn tổng thể, mang tính tập trung hơn về nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng. Với vai trò là nền tảng của Marketing, nghiên cứu Marketing được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Ngày nay, các chuyên gia không chỉ xem nghiên cứu là một thành phần quan trọng trong việc đưa ra các quyết định Marketing, mà còn coi thông tin là một yếu tố không thể thiếu trong việc đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Sức mạnh của thông tin có thể giúp tạo ra, duy trì các sản phẩm mang lại giá trị cao, vì vậy các chuyên gia Marketing đều muốn có được cái nhìn sâu sắc hơn về khách hàng và thị trường. Chính vì vậy, các chuyên gia Marketing trong hầu hết các ngành đều mong đợi tổ chức dành nhiều nguồn lực hơn trong việc thu thập và phân tích thông tin, đặc biệt là trong thị trường có tính chất cạnh tranh cao.

Nghiên cứu Marketing là gì?

Nghiên cứu Marketing bao gồm việc thực hiện các nghiên cứu để hỗ trợ cho các hoạt động Marketing, thống kê dữ liệu và giải thích dữ liệu đó thành thông tin có ích. Thông tin này sau đó được các nhà quản lý sử dụng để lập kế hoạch hoạt động, đánh giá bản chất môi trường Marketing của công ty và thu thập thông tin từ các nhà cung cấp.

Một số phương pháp nghiên cứu Marketing hay được sử dụng như nghiên cứu định lượng, định tính, kiểm định giả thuyết, hồi quy tuyết tính, tương quan, … Sau đó các chuyên gia Marketing nghiên cứu các phát hiện của họ, chuyển đổi dữ liệu thành thông tin. Quá trình nghiên cứu Marketing có thể phải trải qua một số giai đoạn như xác định vấn đề, phát triển kế hoạch nghiên cứu, thu thập và giải thích dữ liệu, tập hợp và giải thích, chuyển đổi dữ liệu thành thông tin ra bằng văn bản báo cáo chính thức.

Tầm quan trọng của nghiên cứu Marketing

Dễ dàng phát hiện cơ hội kinh doanh

Sau khi thực hiện nghiên cứu Marketing, chúng ta sẽ biết rõ mình muốn tiếp cận ai (khách hàng mục tiêu), nơi mình có thể tiếp cận họ (kênh tiếp thị) và biết họ đang quan tâm điều gì. Một khi xác định được những điều này, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra các cơ hội kinh doanh.

Sau đây là một số ví dụ:

  • Hình thành quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác: Trong quá trình nghiên cứu, đôi khi chúng ta có thể tìm thấy các doanh nghiệp khác đang phục vụ những khách hàng này, chúng ta có thể tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác với họ tạo ra các chương trình khuyến mãi chung, như vậy đôi bên cùng có lợi.
  • Tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ: Việc biết và hiểu các sản phẩm, dịch vụ khác mà khách hàng đang quan tâm có thể giúp chúng ta nâng cấp, bổ sung, bán thêm, bán chéo để gia tăng giá trị đơn hàng trung bình.
  • Tìm địa điểm mới để kinh doanh: Biết được các khu vực địa lý, nơi mà các khách hàng mục tiêu đang sinh sống có thể giúp chúng ta tạo ra các chiến dịch Marketing hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và văn hoá khu vực đó.
Giảm thiểu rủi ro kinh doanh

Nghiên cứu Marketing giúp xác định, hiểu thông tin về đối thủ cạnh tranh như danh tính, thương hiệu, mạng lưới tiếp thị, khách hàng trọng tâm, quy mô hoạt động, … Điều này giúp tổ chức có thể chuẩn bị đối phó tốt hơn, thậm chí vượt mặt đối thủ của mình. Ngoài ra, việc nghiên cứu Marketing có thể giúp chúng ta hiểu được các phân khúc khách hàng mà mình đang phục vụ chưa tốt, nhu cầu người tiêu dùng chưa được đáp ứng.

Sau đây là một vài ví dụ:

  • Thử nghiệm thiết kế, sản phẩm, dịch vụ mới trước khi tung ra thị trường: Trước khi thực hiện các chiến dịch mới, hãy thử nghiệm trên một lượng nhỏ khách hàng để thăm dò xem sự thay đổi này có khiến khách hàng hài lòng hơn không. Ví dụ nếu chúng ta đang dự định thiết kế lại một sản phẩm, hãy cho những khách hàng trung thành nhất xem bản thiết kế mới đấy, kiểm tra và đánh giá dựa trên thông tin từ những khách hàng này.
  • Tìm hiểu lý do tại sao khách hàng không quay trở lại: Nếu khách hàng rời bỏ chúng ta, hãy tiến hành khảo sát những khách hàng trước đây, thành lập một nhóm tập trung để tìm hiểu lý do tại sao một số khách hàng lại rời bỏ chúng ta, họ đang vướng mắc hay gặp phải vấn đề gì.
  • Xác định và tìm hiểu vấn đề đang gặp phải: Nếu sản phẩm bán chạy nhất của chúng ta bị sụt giảm doanh số trong 3 tháng liên tục, ta cần phải tìm cách khắc phục vấn đề này. Khảo sát những khách hàng thường xuyên mua hàng nhất và tìm ra vấn đề đang nằm ở đâu. Đó có thể là sự suy giảm về chất lượng sản phẩm, website bị trục trặc, … chúng ta sẽ không bao giờ biết được trừ khi chúng ta hỏi.
Đưa ra quyết định Marketing

Nghiên cứu Marketing sẽ giúp chúng ta có thể đưa ra các quyết định liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ. Đôi khi doanh nghiệp có thể tin rằng sản phẩm hoặc dịch vụ mới có thể đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy, khi thực hiện nghiên cứu Marketing, ta có thể phát hiện ra rằng khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu về sản phẩm đó, hoặc nhu cầu đó đang được đáp ứng bởi một sản phẩm khác rồi, … Như vậy, việc thực hiện nghiên cứu sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa ra các quyết định Marketing chuẩn xác hơn.

Giúp quyết định thị trường mục tiêu

Nghiên cứu Marketing giúp chúng ta thu thập được các thông tin liên quan đến khách hàng như vị trí, độ tuổi, hành vi mua hàng, giới tính, … Điều này sẽ giúp tổ chức có thể tập trung hơn vào các thị trường mục tiêu, hiểu rõ về khách hàng hơn, từ đó có những phương án chiến lược hợp lý để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.

Không những vậy, việc hiểu rõ và xác định được thị trường mục tiêu có thể giúp các chuyên gia Marketing sử dụng các công cụ tiếp thị tốt hơn, ví dụ:

  • Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội: Nếu nghiên cứu Marketing cho thấy khách hàng mục tiêu dành phần lớn thời gian trên Facebook, Instagram, nhưng không bao giờ sử dụng Twitter, chúng ta sẽ dành phần lớn ngân sách cho Facebook và Instagram, thay vì Twitter.
  • Đặt tờ rơi và áp phích hiệu quả: Biết được những khu vực mà khách hàng thường dành nhiều thời gian có thể giúp doanh nghiệp biết được nên đặt quảng cáo ở đâu là tốt và hiệu quả nhất.
  • Nhắm mục tiêu quảng cáo: Các kênh quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội thường sử dụng phương pháp tính tiền quảng cáo cho mỗi lần nhấp chuột. Điều này có nghĩa, chúng ta có thể xác định khách hàng mục tiêu không chỉ dựa vào nhân khẩu học thông thường, mà có thể dựa vào các hành vi trực tuyến, sở thích cá nhân, …
Tăng doanh số bán hàng, tối đa hoá lợi nhuận

Mục tiêu của doanh nghiệp thường liên quan đến các chỉ số như tăng trưởng doanh số bán hàng, tăng trưởng lợi nhuận, tăng số lượng khách hàng, … Nhưng nếu không có nghiên cứu Marketing, chúng ta sẽ không biết được liệu mục tiêu đó có thể đạt được hay không, và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?

Với việc nghiên cứu Marketing, chúng ta có thể xác định các hướng đi cụ thể để phát triển khách hàng của mình. Ví dụ: liệu chúng ta có thể phát triển một phân khúc thị trường mới chưa được khai thác hay không? Hay với lượng khách hàng hiện tại, chúng ta có thể khai thác tiếp, tối đa hoá lợi nhuận dựa trên những khách hàng này?

Bằng cách hiểu nhu cầu, mong muốn và thái độ của khách hàng, các chuyên gia Marketing sẽ xác định được sản phẩm phù hợp, từ đó tăng doanh số bán hàng. Điều này không chỉ giúp tăng doanh số cho các khách hàng mục tiêu và những khách hàng đã sử dụng, mà đôi khi doanh nghiệp có thể chuyển đổi những khách hàng chưa từng sử dụng thành khách hàng trung thành với công ty.