Các địa điểm du lịch ở Yên Bái (Cập nhật 01/2023) | Chơi gì ở Yên Bái

Cùng Phượt – Với nhiều người dường như du lịch Yên Bái chỉ có Mù Cang Chải, tuy nhiên các bạn có biết Yên Bái nơi cửa ngõ miền Tây Bắc là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ với trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống, nơi đây có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, là trung điểm giao lưu giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của tổ quốc. Nơi đây, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, các địa điểm du lịch ở Yên Bái đa dạng với các di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước. Yên Bái cũng là địa điểm mà du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển khá mạnh ở khu vực Nghĩa Lộ và Hồ Thác Bà.

Mù Cang Chải

Các địa điểm du lịch ở Yên Bái (Cập nhật 01/2023) | Chơi gì ở Yên Bái Mù Cang Chải là địa điểm đã quá nổi tiếng với những bạn ưa xê dịch, những bạn thích chụp ảnh vùng cao (Ảnh – habob_nguyen)

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, giáp với Thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của Lai Châu. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32 để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang. Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.

Xem thêm bài viết: Các địa điểm đẹp khi du lịch Mù Cang Chải (Cập nhật 1/2023)

Nghĩa Lộ

Du lịch Nghĩa Lộ từ đã được nhiều người biết đến với những điểm du lịch hấp dẫn bởi nét đặc sắc trong văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ, chợ Mường Lò, du lịch sinh thái ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An…

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Nghĩa Lộ, Yên Bái (Cập nhật 1/2023)

Bản Sà Rèn

Các địa điểm du lịch ở Yên Bái (Cập nhật 01/2023) | Chơi gì ở Yên Bái Chiều về trên bản Sà Rèn (Ảnh – Bạch Vô Thường)

Nằm tại Thị xã Nghĩa Lộ, Sà Rèn là một bản làng nằm dọc ven bờ suối Thia, quanh năm róc rách bởi dòng Nậm Thia xanh mát, các bạn chỉ mất khoảng 2 tiếng đi xe ô tô là có thể đến tham quan, trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng bản Sà Rèn, một nơi hoàn toàn chỉ có người Thái đen sinh sống và vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.

Bản Sà Rèn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nơi đây vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, những khóm tre gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Thái đen được giữ gìn dọc ven bờ suối, những nếp nhà sàn cổ bên trong vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái, những con người miền sơn cước đôn hậu, thân thiện, mến khách.

Bản Chao Hạ

Chao Hạ là một bản người Thái của xã Nghĩa Lợi, Thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 2012, dưới sự đi đầu tiên phong của một vài người dân, Chao Hạ đã chuyển mình nghiêng theo hướng làm du lịch cộng đồng. Đến nay, bản đã là một trong những địa điểm đặc biệt yêu thích của khách du lịch nước ngoài. Đến bản Chao Hạ để du xuân ngắm cảnh núi rừng, trải nghiệm cuộc sống kiểu mới, thấy được hòa mình với thiên nhiên, với cộng đồng dân cư và thưởng thức những “món lạ” nơi đây

Bản Đêu

Các địa điểm du lịch ở Yên Bái (Cập nhật 01/2023) | Chơi gì ở Yên Bái Một góc Bản Đêu (Ảnh – Hằng’s Nấm’s)

Bản Đêu, xã Nghĩa An hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Khách du lịch đến đây có thể hòa mình vào với đời sống của người địa phương. Khách ở dài ngày thì có thể đạp xe lên suối Nậm Đông để tắm hay đạp xe 30km lên Trạm Tấu để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Mông hoặc có thể tham gia lao động cùng với gia đình. Mọi hoạt động đó đều được chính chủ nhà làm hướng dẫn viên.

Cánh đồng Mường Lò

Các địa điểm du lịch ở Yên Bái (Cập nhật 01/2023) | Chơi gì ở Yên Bái Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 miền Bắc, sau Mường Thanh ở Điện Biên (Ảnh – Hoàng Đô)

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu chuyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.

Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Còn ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được rất đông người biết đến.

Xuôi theo quốc lộ 32 với những miên man suy nghĩ về Mường Lò, Yên Bái. Để rồi ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang tiến về phía núi. Con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một dải lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng. Tôi giật mình trước vẻ đẹp Mường Lò với một bóng người con gái Thái gánh lúa trên vai đang rẽ ngang con suối để rồi sẽ chẳng bao giờ lòng có thể quên.

“Ngày xưa, nơi ấy có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái đẹp như trăng rằm, mái tóc đen dài mềm mại. Mỗi khi nàng ngồi bên khung cửi, chim muông, hoa lá như múa vờn trong mỗi đường thêu. Chàng trai khỏe mạnh, giỏi làm nương, săn bắt thú. Mỗi khi tiếng khèn của chàng cất lên, chim rừng ngừng tiếng hót hồi hộp lắng nghe. Nhưng tên chúa đất quyết bắt cô gái về làm người hầu. Hai người rủ nhau chạy lên núi cao để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Tên chúa đất cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái kiệt sức gục xuống trên đỉnh núi. Cô gái không cầm lòng được, chỉ biết khóc than cho mối tình tuyệt vọng. Nước mắt của cô chảy mãi hóa thành dòng suối Nậm Thia, mái tóc dài thơm hóa thành làn rêu xanh mướt như vẫy gọi. Chàng trai đau đớn nhảy xuống dòng suối, thân thể chàng vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan, hóa thành muôn tảng đá cho làn rêu quấn quýt bám quanh”. Tôi đã bao lần được nhâm nhi chén rượu thơm cất từ những hạt gạo Mường Lò, thấm đẫm huyền thoại kia với món rêu đá thơm, cay, dịu mát. Những sóng vàng của con suối Thia ấy như muôn bàn tay vẫy gọi.

Chỉ có người Thái đen ở Mường Lò mới có tục hát mời rượu và cũng chỉ có ở đây thì du khách mới có thể được nâng chén cùng lời ca mời rượu, cùng điệu Xòe Thái dập dìu bên bếp lửa nhà sàn. Tiếng hát người con gái Thái bên mâm rượu đã từng làm say bao du khách khi đến bản Mường. Tiếng hát như hơi rượu ngấm vào lòng người không thể nào quên.

Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ

Khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn (nay thuộc Thị xã Nghĩa Lộ) và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại “lao động đặc biệt” tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm – Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài “hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh”. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật…

Văn Chấn

Suối Giàng

Xã Suối Giàng nằm ở Văn Chấn trên độ cao 1.371m so với mực nước biển, nằm sâu trên dãy núi Fansipang hùng vĩ. Đây là quê hương của loại chè Shan Tuyết cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Khí hậu ở Suối Giàng bốn mùa se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt. Chỉ mất chút ít thời gian thả hồn cùng những dải lúa cong cong theo vạt núi, từng nương ngô, nương cải xanh non trong sương bay bảng lảng là thấy mình như đứng trên mây.

Từ trên cao nhìn xuống là biển lúa rộng mênh mông vàng óng Mường Lò, vựa lúa lớn thứ hai của khu vực Tây Bắc và thị xã Nghĩa Lộ thanh bình cùng nhịp sống của 13 dân tộc anh em. Tại đây, du khách có thể lên những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Hmông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy

Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 100cm. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương vị bốc lên thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu trên đầu lưỡi. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp, cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi đó là cây chè của đất trời ban tặng cho người Mông của xứ sở này.

Đèo Lũng Lô

Đèo Lũng Lô nằm trên quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32B)) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), đông bắc thị trấn Phù Yên 33 km. Đèo dài 15 km từ km349 đến km364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954) qua đèo này. Trong bài thơ “Hoan Hô Chiến Sỹ Điện Biên” ra đời sau khi miền Bắc được giải phóng, Tố Hữu đã viết: Dốc Pha đin, chị gánh, anh thồ, Đèo Lũng lô, anh hò, chị hát. Gần đỉnh con đèo là điểm giáp ranh của cả 3 tính Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La.

Bản Hốc

Cách Hà Nội gần 200km, Bản Hốc nằm ngay trung tâm của huyện Văn Chấn. Với gần 80% là dân tộc Thái, sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái.

Đến với Bản Hốc ngoài được khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hoá dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công hay thưởng thức những ly rượu men lá, rượu cần cùng với điệu xoè say đắm đã đi vào câu thơ, lời hát. bạn còn được ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên quanh năm có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ hoặc thử sức với những dãy núi đá vôi khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….

Nhà máy thủy điện Thác Bà

Nhà máy thủy điện Thác Bà do Liên Xô giúp đỡ xây dựng là đứa con đầu lòng của nghành thủy điện Việt Nam, là nhà máy thủy điện được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Nhà máy đã được xây dựng và lớn trong chiến tranh ác liệt khi nền kinh tế Miền Bắc còn non trẻ. Công tác khảo sát, thiết kế xây dựng được tiến hành từ năm 1959 đến năm 1961. Công trình được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964. Sau hơn 10 năm xây dựng, ngày 5 tháng 10 năm 1971, nhà máy đã khởi động tổ máy số 1 và hòa vào lưới điện quốc gia, đây cũng là ngày được chọn là ngày thành lập Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Đền Mẫu Thác Bà

Là một trong số ít những ngôi đền dọc bờ Sông Chảy còn giữ lại được cho đến tận ngày nay. Đền Thác Bà( hay Đền Mẫu Thác Bà) tọa lạc trên núi Hoàng Thi, từ lâu đã nổi tiếng là chốn linh thiêng với đông đảo du khách thập phương. Vượt qua 365 bậc đá, đến trước cửa sân đền, làn gió mát lành từ biển hồ đưa lên mang cảm giác nhẹ nhàng , thanh tịnh trốn cửa đền. Phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát toàn cảnh công trình thủy điện đầu tiên của cả nước và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình. Hàng năm, Lễ hội Đền Thác Bà được tổ chức vào ngày 8 và 9 tháng Giêng âm lịch, hay còn gọi là lễ hội mùa xuân, lễ hội lớn nhất trong năm, với những nghi thức truyền thống trang trọng.

– Ngoài đường thủy, du khách có thể đến Đền Thác Bà bằng đường bộ, theo tuyến đường: Trung tâm TPYên Bái – TT Yên Bình(9km) – Ngã ba Cát Lem (Đoan Hùng, Phú Thọ, 27km) – Đền Thác Bà( thị trấn Thác Bà 7km)

Hồ Thác Bà

Nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “Hạ Long trên núi” là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà.

Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, Hồ Thác Bà rộng gần 23.500 ha với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình. Đi thuyền trên hồ Thác Bà, bạn không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận. Thắp một nén nhang tại đền Mẫu, trút bỏ những tính toan bộn bề cuộc sống, cầu cho cõi lòng thanh thản nơi cửa Phật từ bi để tiếp tục cuộc hành trình đưa bạn khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá, của những tượng đá tự nhiên kỳ lạ ẩn chứa bao khát khao hoài bão của con người tại quần thể hang động đá vôi trên hồ như: Động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, Thác Bà, Thác Ông …

Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà. Đứng trên đỉnh Cao Biền mà đón ánh ban mai hay đợi hoàng hôn buông trên hồ Thác thì không có gì thú hơn. bạn được thoả sức phóng tầm mắt mà nhìn ngắm, mà cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, nét lung linh huyền ảo sắc nước gương trời của một vùng đất là nơi giao thoa giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc bộ, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Để tìm lại dấu ấn xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà nổi tiếng Thác Bà một thời bán, buôn sầm uất… Ngồi ca nô ngược dòng sông Chảy không bao xa bạn sẽ được thăm thú vùng đất Ngọc Lục Yên với những danh thắng nổi tiếng như động Chùa São, đền Đại Cại… và chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của những tác phẩm tranh đá quý tự nhiên dưới bàn tay tài hoa của người thợ.

Được công nhận là Di sản thắng cảnh văn hoá từ tháng 9/1996, thắng cảnh hồ Thác Bà bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý như nằm trên trung lộ Hà Nội- Lào Cai, những làng, bản ven hồ Thác hiện nay vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thuỷ cùng bản sắc văn hoá đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… Các lễ hội truyền thống, tập quán sinh hoạt văn hoá riêng có của từng tộc người vẫn đang là sự lôi cuốn bạn thăm thú, tìm kiếm và khám phá Thác Bà.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch hồ Thác Bà (Cập nhật 1/2023)

Bản văn hóa Ngòi Tu

Bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, Yên Bình. Là một bản với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhưng phần lớn vẫn là dân tộc Dao (Dao Quần Trắng), bản cách Hà Nội 165km nằm ở khu vực phía Tây-Bắc Việt Nam, theo đường QL2, QL70.

Với những đặc trưng riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi có một vị trí đẹp, 1 phần đất liền và một nửa còn lại tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.

Đến với Ngòi Tu ngoài việc được thưởng thức những món ăn dân dẫ bạn sẽ còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình, say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa : làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống … Với những bạn thích lang thang khám phát còn có thể tham gia trekking núi Yến, núi Cao Biền hoặc đạp xe khắp bản để khám phá văn hóa của người Dao.

Xem thêm bài viết: Homestay ở Bản Ngòi Tu, Yên Bình (Cập nhật 1/2023)

Trạm Tấu

Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù là tên gọi của một đỉnh núi thuộc khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m thuộc địa phận huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Tà Chì Nhù còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người Mông Địa hình của ngọn núi khá phức tạp với nhiều dốc cao, một số đoạn gần như dựng đứng. Khí hậu trên núi vô cùng khắc nghiệt, gió mạnh khiến cho quãng đường chinh phục đỉnh núi tương đối vất vả và nhiêu hiểm nguy rình rập.

Tuy nguy hiểm và vất vả là thề, Tà Chì Nhù lại là một trong những địa điểm được các bạn ưa leo núi rất thích để “cưỡi gió – săn mây” và săn những bức ảnh tuyệt đẹp.

Xem thêm bài viết: Hướng dẫn leo Tà Chì Nhù tự túc (Cập nhật 1/2023)

Tà Sì Láng

Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Phía bắc giáp Bản Mù, phía Tây giáp Phù Yên (Sơn La), phía Đông và Nam giáp huyện Văn Chấn. Dân cư ở đây 100% là người H’Mong, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương. Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, đường vào Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường dân sinh nhưng nay cũng đã mở rộng khoảng 4-5m, thường xuyên sạt lở và ách tắc vào mùa mưa bão. Độ dốc của con đường cũng thuộc dạng khủng, từ 15-20%. (So với 6-8% độ dốc trung bình của các con đường khác ở Tây Bắc)

Háng Tề Chơ – Làng Nhì

Háng Tề Chơ (Háng Đề Chơ) là bản xa nhất của xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là một bản tập trung khoảng vài chục hộ dân người Mông Đen, bản cũng sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là một ngọn thác đẹp trong danh sách các điểm đến của Tây Bắc.

Bản Mù

Là một xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm huyện khoảng 12km. Nằm trên độ cao khoảng hơn 1000m so với mặt nước biển, Bản Mù quanh năm sương giăng kín lối với những ngôi nhà của đồng bào nằm lạc lõng trên những sườn núi.

Bản Cu Vai

Nằm trên một đỉnh núi cao, bản Cu Vai thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, với hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc H’Mông, cách trung tâm xã gần 20km đường đồi núi, trên bản có 46 hộ dân sinh sống.

Suối khoáng nóng Trạm Tấu

Cách trung tâm Trạm Tấu chưa đầy 2km về phía Tây Bắc là một khu suối khoáng nóng nằm ngay sát dưới chân những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, tọa lạc tại khu 5, thị trấn Trạm Tấu, Trạm Tấu.

Để đặt ăn ngủ nghỉ tại khu suối khoáng Trạm Tấu, các bạn có thể liên hệ Anh Cường 0943 208 704 là chủ nhân của khu suối khoáng này.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên có tọa độ địa lý từ 21051’35’’ đến 21057’00’’ vĩ độ Bắc và từ 104030’50’’ đến 104036’55’’ kinh độ Đông với tổng diện tích quy hoạch 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 9.700 ha.

Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy. Độ cao trung bình từ 600 – 700m so với mặt biển. Nơi cao nhất 1.788m, nơi thấp nhất 200m. Nhiệt độ bình quân 23,20C, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Hàng năm thường xuất hiện gió mùa Đông – Bắc vào tháng 11 và 12 kèm theo sương muối. Những ngày ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng, thuận lợi cho các loài thực, động vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn.

Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như Chò nâu, Giổi, Trám…; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như Gội, De, Giẻ…; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, Dương sỉ, Cau rừng…; Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như Lát Hoa, Pơ mu… phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên. Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Chủ yếu còn các loài thú như Chồn, Cầy hương, Lợn rừng, Rắn… và một số loài chim. Bên cạnh đó, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông và Dao với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc như trang phục và nhà ở… vẫn được gìn giữ khá nguyên bản. Nà Hẩu khá thích hợp cho những nhóm bạn yêu thích trekking, cắm trại hay khám phá thiên nhiên.

Đền Mẫu Đông Cuông

Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đến Chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miến Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông).

Đền Đông Cuông sơ khởi là Miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng là người Tày Khao sáng lập và thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền, đồng thời là nơi làm việc của Thổ Tù, chức dịch, phiên quan và đảm chức năng “Đinh Trạm” chuyển tống đạt công văn thử chỉ hai chiều giữa triều đình trung ương và cơ sở.

Hồ Chóp Dù

Ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên có một hồ nước rất đẹp, thơ mộng và yên tĩnh. Một địa điểm thú vị để mọi người có thể khám phá thiên nhiên hay nghỉ ngơi, vui chơi, câu cá và tận hưởng bầu không khí trong lành, cảnh nguyên sơ nhưng đầy chất lãng mạn mà thiên nhiên ban tặng – đó là Hồ Chóp Dù.

Nằm ngang lưng núi, hồ Chóp Dù rộng 16 ha, bao quanh hồ là cảnh quan sinh thái đa dạng với nhiều ngách xen lẫn với các khu rừng tự nhiên. Nước hồ ở đây trong xanh, phẳng lặng, soi bóng những vạt rừng.

Chiến khu Vần

Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn có cự ly dài từ Bắc xuống Nam là 23km và từ Đông sang Tây 18km .

Căn cứ cách mạng kiểu chiến khu có quy mô khá rộng trong đó có 2 vùng quan trọng nhất là làng Vần và làng Đồng Yếng.

Làng Vần là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi có độ cao trung bình từ 200 đến 500m, thung lũng có chiều dài 4,5 km, đường đi lại khó khăn, ngày nay được kết cấu bằng những chân ruộng bậc thang, sau cách mạng được đồng bào khai phá (có độ chênh lệch thấp) nay gọi là Đồng Trò, Đồng Cây Gạo,… có ngòi Vần chạy dọc theo làng. Đây cũng là hợp lưu của 3 con ngòi nhỏ để tạo nên ngòi Vần. Địa thế hiểm trở, xưa chỉ có một con đường duy nhất vào làng và phải qua đèo. Vừa kín đáo lại vừa gần các trung tâm chính trị (tỉnh lỵ hai tỉnh Yên Bái – Phú Thọ) nên khu vực này đã được xứ uỷ Bắc Kỳ chọn làm nơi thuận lợi cho việc lập căn cứ cách mạng dần phát triển hình thành mô hình kiểu chiến khu.

Làng Đồng Yếng cách làng Vần khoảng 4 km về phía Đông và cách Hiền Lương hơn 3 km về phía Tây. Là làng nằm giữa Vần và Hiền Lương. Có vị trí thuận lợi, đồi hình mâm xôi nên Đồng Yếng được đội du kích Âu Cơ chọn làm trung tâm huấn luyện quân sự để phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Yên Bái và Phú Thọ.

Hồ Đầm Hậu

Cách thành phố Yên Bái hơn 10km về phía Nam, ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Hồ Đầm Hậu còn được gọi là Hồ 99 ngách ngay cạnh nút giao IC 12 đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

Hồ Đầm Hậu quanh năm đầy nước, du khách đến đây, có thể chèo thuyền khám phá những ngóc nghách, những đảo lớn nhỏ hay vào vùng trung tâm hồ hòa mình cùng với thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí trong lành, tìm cho mình một chỗ để có thể buông câu giúp tinh thần con người thoải mái. Trèo lên thân đập, phóng tầm mắt nhìn quanh hồ sẽ thấy một màu xanh mướt của những đảo cây in bóng xuống mặt nước lung linh huyền ảo thật kỳ thú. Và sau hành trình khám phá quanh hồ, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực tươi ngon từ nguồn thủy sản sẵn có của vùng hồ.

Khu du lịch sinh thái Hồ Đầm Hậu với diện tích 280ha, bao gồm: khu sân golf, khu rừng phong cảnh và khu du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi hoàn thành, Hồ Đầm Hậu sẽ là một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao đầy hấp dẫn cho mỗi du khách khi ghé thăm Yên Bái.

Chợ đá quý Lục Yên

Chợ đá Lục Yên họp tại một địa điểm khá đẹp nằm ở góc hồ nước lung linh ở Thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yen Bái. Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian vài ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng hàng ngày. Tùy mùa theo thời tiết mà phiên chợ diễn ra sớm hay muộn, nhưng áng chừng từ sáu rưỡi sáng người bán hàng bắt đầu đến chợ.

Hàng được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào, những thứ hàng được bán ở cái chợ này đều khoe sắc lung linh. Những người bán hàng cho biết, đá quý được thu gom của những người đi núi về, có thời gian thì chế tác thành mặt đá cho nhẫn, dây chuyền, hoa tai… Có những thứ để làm nguyên liệu cho làm tranh đá quý, được bán bằng cân, bằng lạng.

Chùa tháp Hắc Y – Đền Đại Cại

Quần thể di tích đền Ðại Cại thuộc xã Tân Lĩnh, Lục Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 80km, bao gồm đình Bến Lăn, chùa tháp đất nung Hắc Y, đền Ðại Cại và thành nhà Bầu bao bọc quanh bãi đua ngựa huấn luyện kỵ binh.

Quần thể này nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại. Những thần được thờ ở đây đều là những người có công khai sơn lập thạch, mở mang chợ búa, lập ra làng bản, phố xá. Ðền Ðại Cại có từ thời hậu Lê, do nhân dân tổng Lâm Trượng hạ xây dựng để thờ bà Vũ Ngọc Anh, con gái một vị quần thần nhà Lê bị nhà Mạc giết hại. Bà là một danh nhân, chịu trách nhiệm việc đáp luỹ xây thành, lập ra các chợ. Ngoài ra, đền có thờ hai anh em Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyển có công lớn trong việc chống quân nhà Mạc. Ðền Ðại Cại, đình Bến Lăn có kiến trúc đẹp, có đủ các đồ thờ tự như bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng, đề có trạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100 kg. Ðền có chiên đồng, chuông đồng, có sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Ðức. Ngôi đền có kiến trúc đồ sộ, các chân tảng kê cột loại lớn có đường kính tới 45 cm, loại nhỏ 32 cm để đỡ các cột nách, cột lòng. Các chân tảng đều chạm 16 cánh hoa sen đều đặn vây quanh. Tại đây còn tìm thấy bệ Phật hoa sen bằng đất nung, bát sứ, lọ sứ men ngà rạn trang trí hình cánh sen rất đặc trưng của nghệ thuật thời Trần. Ngay dưới chân núi, tại dải thung lũng trải dài song song với sông Chảy vẫn còn lưu lại dấu vết của ngôi đền và những bức tường đất của một toà thành bao quanh. Bãi đua ngựa luyện tập kỵ binh nằm trong thành ngay trước của đình Bến Lăn.

Đền Suối Tiên

Theo sử sách, đền Suối Tiên xây dựng khoảng năm 1928 – 1929. Di tích đền Suối Tiên, với khuôn viên gần 6000m2, nằm trong không gian đậm nét văn hóa dân gian các dân tộc Lục Yên, gắn với những truyền tích huyền thoại xa xưa và hệ thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đại Cại – Hắc Y và khu khảo cổ tháp Chùa Thượng Miện thời Lý – Trần, là vùng đất “Non xanh kỳ thú – hấp dẫn tâm linh – Đất ngọc danh truyền”. Xung quanh có núi Thắm, núi Hắc Y, núi Bạch Mã với nhiều hang động, trên núi rừng hệ thảm thực động vật, thực vật, vi sinh vật đa dạng, phong phú; những núi đá độc lập, sừng sững kỳ vĩ; phía trước đền là giếng nước quanh năm trong mát, có loài cá bỗng bản địa (dân gọi là cá thần), tạo cho đền cảnh tĩnh lặng, huyền bí. Đặc biệt, trong những năm 1965-1966, các hang động ở khu đền Suối Tiên là nơi cất giấu vũ khí, lương thực phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Yên Bái
  • chơi gì khi đến Yên Bái
  • phượt Yên Bái có gì
  • cảnh đẹp Yên Bái
  • danh lam thắng cảnh Yên Bái
  • địa điểm du lịch tâm linh Yên Bái
  • đến Yên Bái nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Yên Bái