Xét tuyển theo phương thức kết hợp là gì

Xét tuyển kết hợp là phối hợp nhiều tiêu chí khác nhau để xét tuyển đầu vào. Có đa dạng hình thức xét tuyển kết hợp nhưng trong kỳ tuyển sinh năm 2022, các trường chủ yếu xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT (hoặc học bạ). Một số trường kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc học bạ với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (do trường mình hoặc các trường ĐH lớn tổ chức).

Tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp

Năm 2022, ĐH Kinh tế quốc dân dành khoảng 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường dành cho những thí sinh có chứng chỉ SAT và ACT còn thời hạn (trong đó điểm SAT thí sinh phải đạt từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên); thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022) của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 100 điểm trở lên hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 800 điểm trở lên); thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 đạt từ 20 điểm trở lên; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL ITP hoặc TOEIC theo tiêu chí cụ thể) kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với 2 môn thi tốt nghiệp THPT (bao gồm môn Toán và 1 môn bất kỳ thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường, trừ môn tiếng Anh); những học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên, THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với 2 môn thi tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” hoặc đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ TP hoặc giải khuyến khích quốc gia kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển kết hợp là phương thức được nhiếu thí sinh lựa chọn trong những năm gần đây
Xét tuyển kết hợp là phương thức được nhiếu thí sinh lựa chọn trong những năm gần đây

Với phương xét tuyển kết hợp, ĐH Thương mại sẽ xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) mà thí sinh đăng ký xét tuyển; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) với kết quả học tập bậc THPT; kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (bậc THPT) cấp tỉnh/TP trực thuộc TƯ hoặc giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển.

Tổ hợp môn xét tuyển tùy từng ngành/chuyên ngành bao gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); D03 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Pháp); D04 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Trung); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

ĐH Ngoại thương sẽ xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Theo các chuyên gia, xét tuyển kết hợp là phương thức hấp dẫn, ngày càng được nhiều thí sinh lựa chọn bởi đây được xem là phương thức có lợi và giúp tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh vào ngành học mình mong muốn.

Kết hợp với kết quả của kỳ thi riêng

Nếu như giai đoạn đầu, thí sinh chỉ nhắc đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Đánh giá Tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội thì năm 2022, lần đầu tiên xuất hiện bài thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và bài thi đánh giá tuyển sinh của các trường đại học, học viện thuộc khối CAND.

Cụ thể, trong 5 phương thức tuyển sinh năm 2022, trường ĐH Sư phạm Hà Nội dành phương thức 4 và 5 là xét tuyển kết hợp. Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non – sư phạm Tiếng Anh sẽ kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hoặc kết quả học bạ với kết quả thi năng khiếu tại do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Với phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh có thể tận dụng được các lợi thế của mình
Với phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh có thể tận dụng được các lợi thế của mình

Điều kiện đăng kí xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1,2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6.5 trở lên. Trường sẽ xét tuyển theo từng ngành dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực 2 môn (đã nhân và cộng điểm ưu tiên, nếu có). Đối với các ngành có thi năng khiếu xét theo tổng điểm các môn thi năng khiếu tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội (đã nhân và cộng điểm ưu tiên, nếu có) với các môn thi thi đánh giá năng lực. Kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức ngày 7/5/2022 với 5 ca thi.

Năm 2022, các trường đại học, học viện thuộc khối ngành công an cũng áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, đó là xét tuyển giữa kết quả học THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT với bài thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an; trong đó, điểm số từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm 40% tổng điểm và bài thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an sẽ chiếm 60% tổng điểm xét tuyển.

Bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an dự kiến tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT; cấu trúc gồm 2 phần là phần trắc nghiệm và phần tự luận; tổng thời gian làm bài 180 phút (phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút). Đề thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; tuy nhiên sẽ có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh.

Phương thức xét tuyển kết hợp đòi hỏi thí sinh cần thận trọng, tìm hiểu kỹ, rõ về hình thức kết hợp mình lựa chọn bởi các quy định của xét tuyển kết hợp chỉ áp dụng cho từng đối tượng và dùng cho xét tuyển kết hợp, không dùng cho xét tuyển theo kết quả thi. Mỗi trường sẽ có phương pháp kết hợp riêng; do đó, thí sinh nộp hồ sơ trường nào phải tìm hiểu thật kỹ thông báo về phương thức của trường đó trên website và kênh thông tin chính thức của trường; tránh tình trạng nộp thiếu, nhầm lẫn hoặc không đủ tiêu chí để xét tuyển kết hợp dẫn đến thiệt thòi cho chính thí sinh.

PGS. TS Vũ Thị Hiền- Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Ngoại thương lưu ý thí sinh về mốc thời gian xét tuyển, phiếu đăng ký xét tuyển, các minh chứng xét tuyển theo yêu cầu của từng phương thức kết hợp cần đảm bảo phù hợp, đúng hướng dẫn. Các nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho thí sinh; bởi vậy, thí sinh hãy tận dụng mọi lợi thế và sử dụng các quyền ưu tiên hợp lý để có thể đỗ vào khoa/ngành/ trường mình yêu thích.