Bất ngờ với lợi ích tuyệt vời của Vitamin K2 (p2) – Hello Bacsi

Ngoài ra, vitamin K2 còn có tác dụng làm giảm rạn xương sống 60%, giảm rạn xương hông 77% và những rạn xương khác (không phải xương sống) là 81%. Thống nhất với những phát hiện này, các chuyên gia cũng đã chính thức khuyến cáo việc bổ sung vitamin K trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương.

Tuy nhiên một vài nhà nghiên cứu vẫn cảm thấy các kết quả này chưa đủ thuyết phục và chưa thể kết luận khuyến cáo việc sử dụng vitamin K cho mục đích này chống loãng xương.

Vitamin K2 có thể cải thiện sức khỏe răng

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng vitamin K2 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng. Dựa vào những nghiên cứu trên động vật và vai trò của vitamin K2 trong chuyển hóa xương, việc đưa giả thuyết rằng loại vitamin này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng là hợp lý. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào kiểm tra tính chính xác của giả thuyết này trên cơ thể người. Một trong những protein ảnh hưởng đến sức khỏe răng là osteocalcin, cũng là protein đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương và được hoạt hóa bởi vitamin K2. Osteocalcin tạo nên một cơ chế kích thích sự phát triển ngà răng mới – là những mô được canxi hóa bên dưới men răng của bạn. Ngoài ra, vitamin A và D cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này, chúng hoạt động cộng hưởng với vitamin K2.

Vitamin K2 có thể chống lại ung thư

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới. Mặc dù y học hiện đại đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị nhưng những ca bệnh ung thư mới vẫn không ngừng gia tăng. Vì vậy, việc tìm ra cách ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả là điều tối quan trọng. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu về vitamin K2 đã cho thấy vitamin K2 làm giảm tỉ lệ tái phát của ung thư gan và kéo dài sự sống. Một nghiên cứu khác dựa trên quan sát trên 11.000 người đàn ông cũng cho thấy rằng việc sử dụng vitamin K2 làm giảm 63% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy vậy, vitamin K1 không phát huy hiệu quả trong những nghiên cứu này.

Làm thế nào để hấp thu đầy đủ vitamin K2 cần thiết

Vitamin K2 được sản xuất bởi nhóm vi khuẩn đường ruột có trong ruột già và cơ thể người có khả năng chuyển hóa một phần vitamin K1 thành K2. Điều này thật sự hữu ích vì trong khẩu phần ăn điển hình của bạn, hàm lượng K1 cao gấp 10 lần so với K2. Tuy nhiên, việc dùng trực tiếp vitamin K2 cho thấy nhiều lợi ích hơn hẳn so với quá trình chuyển hóa này. Do vitamin K2 được tìm thấy chủ yếu trong một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men – những thực phẩm mà đa số chúng ta không ăn nhiều – nên mức tiêu thụ trung bình của dưỡng chất này trong khẩu phần ăn hiện đại là cực kỳ thấp. Có một vài chứng cứ cho thấy những chất kháng sinh phổ rộng có thể góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin K2. Bạn có thể bổ sung vitamin K2 từ sữa giàu chất béo được sản xuất từ bò ăn cỏ, gan và những nội tạng khác cũng như lòng đỏ trứng gà.

Tuy nhiên do vitamin K tan trong dầu nên những thực phẩm ít béo hoặc không có nguồn gốc động vật sẽ không chứa nhiều vitamin K. Thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa nhiều MK-4, trong khi thực phẩm lên men như dưa cải Đức (sauerkraut), đậu nành lên men Nhật Bản (natto) và miso chứa nhiều dạng phụ từ MK5 đến MK14. Nếu bạn không dùng được những thực phẩm kể trên thì việc bổ sung vitamin K2 là cần thiết.

Lợi ích của việc bổ sung K2 có thể được tăng cường hơn nữa khi kết hợp với vitamin D vì hai loại vitamin này hoạt động cộng hưởng với nhau. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn nữa, nhưng những nghiên cứu hiện nay cho thấy ảnh hưởng của vitamin K2 đối với sức khỏe là rất hứa hẹn vì nó có thể liên quan đến việc cứu sống rất nhiều người.

Lưu ý khi bổ sung vitamin K2

Vitamin K2 tan trong chất béo nên bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung vitamin K2, đặc biệt là bổ sung liều cao đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.

Tuy còn khá xa lạ so với các vitamin như C, A, B, E,… nhưng công dụng mang canxi gắn vào xương của vitamin K2 được chứng minh là có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xây dựng và bảo vệ khung xương. Do đó, vitamin K2 góp phần đẩy lùi các bệnh về xương khớp như loãng xương, còi xương… và một số bệnh gây tử vong khác. Dù vẫn lợi ích của chúng vẫn chưa được chứng minh và công bố rộng rãi nhưng bạn vẫn nên bổ sung loại vitamin này vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.