Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến 4 vấn đề đó là: Trộn đất, thay chậu, cách chăm sóc sen đá sau khi thay chậu và chỗ để sen đá hợp lý. Bài viết có thể dài, nhưng nó rất quan trọng với những ai mới bắt đầu chơi sen đá và chưa có kinh nghiệm.
1. Cách trộn đất trồng sen đá đơn giản cho người mới bắt đầu
Vấn đề đầu tiên liên quan đến việc cách chăm sóc sen đá đó là trộn đất, đây là công việc quan trọng nhất quyết định việc sen đá của bạn có sống tốt hay không.
Bởi vì sen đá mà bạn mua ở cửa hàng cây cảnh hầu hết là nằm trong bịch nhựa hoặc chậu nhựa, có hỗn hợp đất khá ẩm và giữ nước tốt. Nguyên nhân do phần lớn sen đá được nhân giống tại Đà Lạt, có khí hậu lạnh khô, nên yêu cầu đất trồng phải giữ ẩm tốt thì cây mới phát triển được.
Tuy nhiên, ở Sài Gòn, Hà Nội hoặc các tỉnh thành khác thì khí hậu khá là nóng ẩm, do vậy khi trồng yêu cầu hỗn hợp đất phải thoát nước tốt.
Mình xin gợi ý với bạn hỗn hợp đất được dân chuyên khuyên dùng đó là: Đá pumice kích thước 3-5mm, đá perlite (đá trân châu) và hỗn hợp tro trấu với tỷ lệ tương ứng là: 4:2:4.
Hỗn hợp đất này có đặc điểm xốp và thoáng, khi tưới nước đất sẽ mau khô, giúp cây ra rễ nhanh hơn.
Hỗn hợp tro trấu rất dễ tìm mua tại các cửa hàng cây cảnh, riêng 2 loại đá pumice và perlite thì khá khó mua, nếu không có thì có thể thay thế bằng than tổ ong sau khi đốt rồi.
Cách xử lý than tổ ong: Đập nhỏ bằng cỡ đá pumice, rồi rửa sạch là có thể sử dụng.
Sau khi có đủ nguyên liệu, các bạn tiến hành trộn đều. Để thử xem hỗn hợp có đạt yêu cầu không, thì sau khi trộn, bạn cầm đất nắm lại và thả ra, nếu không bị vón cục thì là đạt yêu cầu.
Lưu ý khi nuôi sen đá: Có nhiều bạn hỏi sử dụng đất thịt mua ở cửa hàng cây cảnh có trồng được không. Không được nhé, vì đất này giữ nước nhiều nên cây sẽ rất khó ra rễ.
Video: 10 sai lầm phổ biến khi trồng sen đá – Vườn sen đá
2. Hướng dẫn kỹ thuật thay chậu cho cây đơn giản
Chậu thích hợp để trồng sen đá là có kích thước phù hợp với cây (không quá to và không quá nhỏ) và có lỗ thoát nước dưới đáy.
Một quan niệm sai lầm nhiều bạn hay mắc phải đó là chọn chậu quá to, nghĩ rằng chừa chỗ để sau này cây lớn và không cần phải thay chậu nữa. Nhưng việc chọn chậu quá to so với cây, sẽ cần đất trồng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc nước được giữ sẽ nhiều, và có thể khiến sen đá bị úng.
Sau này khi cây lớn, bạn có thể thay chậu lớn hơn.
Một loại chậu mình khuyến khích bạn dùng đó là chậu đất nung. Vì loại này thường thấm nước ra thành chậu, như vậy sẽ giúp đất mau khô hơn và tránh được việc ngập úng.
Sau khi chọn được chậu rồi, chúng ta tiến hành thay chậu:
Bước 1: Đầu tiên cần bỏ đất cũ trong chậu hoặc trong bầu sau khi mua về. Dùng tay bóp nhẹ đất trên bầu cây, bóp nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương rễ. Cố gắng bỏ càng nhiều đất cũ càng tốt, phần cần bỏ nhất là ở sát với gốc cây.
Nhiều bạn thường cắt bớt rễ sen đá sau khi bỏ đất cũ, nhưng mình không khuyến khích điều đó. Bởi vì như vậy sẽ khiến cây mất thời gian khá lâu để ra bộ rễ mới. Các bạn chỉ nên bỏ phần rễ bị hư và dập nát.
Bước 2: Đặt sen đá vào chậu mới, giữ tay sao cho rễ thả lỏng vào trong chậu và gốc sen nằm đúng vào gần mặt chậu. Tiến hành cho đất vào trong chậu.
Sau khi cho đủ đất, bạn cần dải thêm một lớp đá pumice lên mặt chậu, mục đích là để đất không bị trôi ra ngoài khi tưới, đồng thời trang trí cho chậu trông đẹp hơn.
3. Cách chăm sóc cây sen đá từ A đến Z đúng kỹ thuật
Việc chăm sóc cây sen đá mini sau khi thay chậu rất quan trọng. Trong ngày đầu tiên thay chậu, bạn không nên tưới nước hoặc phơi nắng cho cây. Cần để cây chỗ mát mẻ và thoáng gió, sau một ngày mới tiến hành tưới nước.
Khi tưới nước, phải tưới thật đẫm quanh gốc, không được tưới trực tiếp lên lá. Nhiều bạn nghĩ rằng sen đá là loại cây cần ít nước, nên tưới rất ít, khiến cây bị thiếu nước và không phát triển được.
Nhiều bạn thắc mắc là nếu tưới nhiều thì cây bị úng thì sao? Nguyên nhân là do bạn chưa thay đúng đất, nếu chọn loại đất giữ ẩm cao, thì sau khi tưới đất sẽ không khô được. Mặt khác, nếu bạn tưới liên tục nhiều ngày, đất chưa khô mà tưới tiếp, thì sẽ khiến cây bị úng.
Trong bài viết này, mình đã hướng dẫn bạn chọn hỗn hợp đất thoát nước tốt. Vì vậy, bạn cứ yên tâm tưới đẫm cho cây. Nhưng phải chờ cho đất khô hoàn toàn mới tưới lần tiếp theo. Thông thường nếu bạn phơi nắng đầy đủ, thì sau 2-3 ngày đất sẽ khô, khi đó tưới nước là phù hợp nhất.
Các bạn cứ tưới thật đẫm, tưới càng nhiều càng tốt, thấy nước chảy ra ngoài thì vẫn cứ tưới. Bởi vì, dưới đáy chậu cho lỗ thoát nước nên không lo bị úng. Sau khi tưới đẫm, bạn sẽ thấy chậu nặng hơn nhiều, nếu dùng chậu đất nung thì thấy màu chậu sẫm đi, thì khi đó là đã tưới đủ.
Một mẹo nhỏ để biết khi nào cần tưới nước, đó là khi chậu đất nung khô hoàn toàn, màu chậu nhạt đi.
Video: Hướng dẫn cách chăm sen đá lên màu chuẩn như ở vườn – SEN ĐÁ KON TUM
4. Chỗ để sen đá mini trong nhà phù hợp
Sau khi tưới nước cho sen đá, bạn cần tiến hành phơi nắng cho cây trong ngày thứ hai. Trong tuần đầu tiên, bạn cần phơi nắng mỗi ngày 1-2 tiếng cho cây ổn định. Sau đó mới tăng dần thời gian.
Thời điểm phơi nắng tốt nhất là trước 10h sáng hoặc sau 3h giờ chiều. Cần tránh nắng giữa trưa.
Trong tuần đầu tiên, có thể bắt gặp trường hợp một vài lá dưới gốc bị vàng và rụng. Bạn đừng lo lắng, đó là hiện tượng bình thường sau mỗi lần thay chậu.
Tuy nhiên, sau vài tuần mà vẫn xảy ra tình trạng vàng rụng lá, thì đó là do bạn chưa chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cần kiểm tra lại cách chăm sóc sen đá của bạn.
Sau một tuần, khi cây đã thích nghi tốt, thì bạn có thể phơi nắng nhiều hơn. Lượng thời gian phơi đủ cho sen đá là 3-4 tiếng mỗi ngày, phơi nắng trực tiếp lên cây. Khi phơi đủ nắng, lá sẽ ra màu và cây phát triển rất tốt.
Chỗ để sen đá phù hợp nhất là nơi thoáng gió, lý tưởng nhất là đón được nắng buổi sáng. Theo kinh nghiệm của mình thì chỗ càng nhiều gió sen đá sẽ càng đẹp, trồng trên sân thượng sẽ đẹp hơn trong nhà.
Nhiều bạn thắc mắc là có nên để cây trong phòng máy lạnh không? Thì theo kinh nghiệm của mình thì máy lạnh không gây ảnh hưởng tới sinh trưởng của sen đá. Với nhiều cây cảnh thì càng lạnh càng phát triển tốt.
Tuy nhiên, sau khi tắt máy lạnh, nhiều độ trong phòng sẽ tăng và hầm nóng, lúc đấy có thể gây ảnh hưởng tới cây.
Trên đây là toàn bộ bài hướng dẫn của mình về cách chăm sóc sen đá, hy vọng sẽ bổ ích với bạn đọc! Mời các bạn xem thêm bài viết hướng dẫn kỹ thuật trồng sen đá của Fao.org.vn tại link: Cách trồng sen đá 👈
Bài viết được tham khảo từ kênh Youtube của Ảnh Vườn Sen Đá
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!