Đừng bỏ lỡ Top truyện cổ tích thần kỳ là gì hot nhất hiện nay 2023

PGS.TS Nguyễn Xuân Đức

Cổ tích là thể loại truyện dân gian được hầu hết các dân tộc trên thế giới sáng tạo, lưu truyền rộng rãi và có giá trị cao nhất cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Cổ tích nói chung, nhất là cổ tích thần kỳ, không chỉ cuốn hút hàng triệu triệu người từ trẻ em đến người lớn, từ cổ chí kim, mà thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng của nó cũng được rất nhiều nhà folklore học thế giới quan tâm.

Trước sự phong phú, đa dạng của cổ tích, nhiều nhà folklore học Việt Nam thế kỷ trước cũng đã nêu ra nhiều cách phân chia truyện cổ tích thành các tiểu loại khác nhau, nhưng chưa có cách phân chia nào đạt được sự nhất trí cao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, dù kết quả không giống nhau nhưng trong bảng phân loại của mỗi nhà khoa học đều có mặt tiểu loại cổ tích thần kỳ.

Cho đến nay, dường như các nhà cổ tích học thế giới đều chấp nhận cách phân loại của các nhà bác học Xô viết, theo đó truyện cổ tích được chia làm ba tiểu loại: cổ tích loài vật, cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự/ sinh hoạt/ thế tục. Hệ thống phân loại này cũng đã được các nhà folklore học Việt Nam tiếp thu từ thế kỷ trước. Trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của Đại học Tổng hợp Hà Nội, do GS,TS. Lê Chí Quế chủ biên, ba tiểu loại cổ tích này cũng đã được đề cập tới(1). Và từ đó đến nay cách phân loại này cũng đã xuất hiện trong hàng ngàn công trình nghiên cứu lớn nhỏ ở Việt Nam (nhất là tiểu loại cổ tích thần kỳ). Tuy nhiên, điều đáng nói là, tiếp thu cách phân tiểu loại truyện cổ tích từ các nhà khoa học Xô viết, nhưng dường như chưa có công trình nào của người Việt Nam nêu đầy đủ, chính xác các khái niệm cổ tích loài vật, cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự theo định nghĩa của họ. Hậu quả là không ít người nghiên cứu cổ tích Việt Nam, trong đó có nhiều nghiên cứu sinh, đã hiểu khái niệm truyện cổ tích thần kỳ một cách đơn giản, theo đó, tất cả những truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ đều là cổ tích thần kỳ.

Năm 1994, trong cuốn Truyện cổ tích thần kỳ người Việt – đặc điểm cấu tạo cốt truyện(2), Tiến sĩ Tăng Kim Ngân đã dựa trên mô hình Hình thái học của truyện cổ tích(3) của nhà bác học Xô viết nổi tiếng – V.Ia. Prop, để nghiên cứu đặc điểm hình thái của truyện cổ tích thần kỳ người Việt. Từ những khảo sát công phu, tỉ mỉ, Tăng Kim Ngân đã đi đến kết luận: về cơ bản, cấu trúc cốt truyện của truyện cổ tích thần kỳ người Việt cũng giống như cổ tích thần kỳ Nga, được tổ chức bằng các chức năng hành động của nhân vật. Tuy nhiên, ở cổ tích thần kỳ người Việt, tổng số các chức năng hành động của nhân vật là 32, trong khi ở cổ tích thần kỳ Nga chỉ có 31. Kết quả nghiên cứu của V.Ia. Prop dường như đã được hầu hết các nhà folklore học thế giới thừa nhận, tiếp thu và xem đó là mô hình cấu trúc của cổ tích thần kỳ nhân loại. Bởi vậy, chức năng thứ 32 – sự biến hình, mà Tăng Kim Ngân “tìm ra” ở cổ tích thần kỳ người Việt, phải chăng là đặc điểm điển hình của cổ tích Việt Nam so với cổ tích Nga và thế giới?! Thực ra kết quả này xuất phát từ sự sai lầm của nhà nghiên cứu, bởi nếu vận dụng đúng hệ thống lý thuyết của V. Ia. Prop thì truyện cổ tích thần kỳ người Việt cũng chỉ có 31 chức năng hành động nhân vật mà thôi. Sự vênh thêm một chức năng mà Tăng Kim Ngân chỉ ra thực chất là do khi vận dụng lý thuyết hình thái học của V. Ia. Prop, chị đã không sử dụng đúng định nghĩa về cổ tích thần kỳ của ông cũng như các nhà bác học Xô viết. Tăng Kim Ngân đã tự nêu ra định nghĩa về cổ tích thần kỳ, theo đó tất cả các truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ đều được xem là cổ tích thần kỳ và một loạt truyện cổ tích có sự biến hình ở cuối truyện như Sự tích đá vọng phu, Sự tích trầu cau và vôi, Sự tích ba ông đầu rau,… đều được xem là cổ tích thần kỳ và đưa vào đối tượng nghiên cứu, từ đó chị tìm ra chức năng thứ 32 – sự biến hình. Dù chưa thấy ai ghi nhận, “tự hào” nhắc lại đặc điểm này của cổ tích thần kỳ người Việt, nhưng việc âm thầm mặc nhiên xem tất cả những cổ tích có yếu tố thần kỳ là cổ tích thần kỳ như Tăng Kim Ngân lại khá phổ biến trong nghiên cứu cổ tích Việt Nam.

Đặc biệt, gần đây tác giả Triều Nguyên đã mạnh dạn đề xuất cách hiểu này qua bài viết Truyện cổ tích và việc phân định giữa hai tiểu loại cổ tích thần kỳ và cổ tích thế tục(4) đăng trên Tạp chí Nguồn sáng dân gian số 3 năm 2017. Theo Triều Nguyên: “Đã là truyện cổ tích thần kỳ thì phải có yếu tố thần kỳ”. Điều này là mặc nhiên, nhưng liệu có phải tất cả truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ là cổ tích thần kỳ không (?) lại là chuyện khác.

Dù không nêu định nghĩa cụ thể thì một số nhà folklore học Việt Nam thế kỷ trước cũng đã đề cập đến vai trò yếu tố thần kỳ trong cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự để phân biệt hai tiểu loại này. Trong Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, PGS. Hoàng Tiến Tựu đã viết: “… không thể căn cứ vào số lượng yếu tố thần kỳ để xác định đâu là cổ tích thần kỳ, đâu là cổ tích sinh hoạt. Điều quan trọng là vai trò và tác dụng của yếu tố thần kỳ, chứ không phải số lượng của chúng. Khi nào yếu tố thần kỳ có vai trò quan trọng, quyết định hoặc chi phối mạnh mẽ đối với sự phát triển và giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong truyện, thì đó là cổ tích thần kỳ. Khi nào xung đột, mâu thuẫn trong truyện được phát sinh, phát triển và giải quyết chủ yếu bằng tác động của con người (tức bằng sự vận động của bản thân các nhân vật người), các yếu tố thần kỳ không có vai trò quyết định hoặc chỉ có tác động chi phối theo qui luật thông thường của đời sống thực tại trần gian, thì đó là cổ tích sinh hoạt”(5). Như vậy PGS. Hoàng Tiến Tựu cũng thừa nhận có một bộ phận cổ tích có yếu tố thần kỳ, nhưng “các yếu tố thần kỳ không có vai trò quyết định…” nên đó là cổ tích sinh hoạt. Phê phán quan điểm này, Triều Nguyên cho rằng ý kiến của Hoàng Tiến Tựu là mơ hồ và “Điều này làm nảy sinh việc xác định một số văn bản tác phẩm, là thuộc truyện cổ tích thần kỳ hay truyện cổ tích thế tục trở nên khó khăn”. Để củng cố cho kết luận đó, Triều Nguyên đã dẫn công trình Thi pháp truyện cổ tích thần kỳ người Việt của Nguyễn Xuân Đức, trường Đại học Sư phạm Vinh xuất bản 1996. Thật ra đây là tài liệu chuyên đề đào tạo cao học, lưu hành nội bộ ở Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1996, trường Đại học Sư phạm Vinh chưa có nhà xuất bản; còn bản thân chúng tôi cũng chưa hề gửi xuất bản công trình ấy cho bất kỳ nhà xuất bản nào. Mặt khác, quan niệm của chúng tôi bấy giờ (1996) có thể cũng chưa chính xác, chưa cập nhật đầy đủ những tiến bộ của khoa học về vấn đề này.

Khảo sát kỹ toàn bộ những truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ chúng ta sẽ thấy có hai nhóm truyện đã sử dụng yếu tố thần kỳ với vai trò khác nhau, trong đó, ở nhóm thứ nhất xung đột xã hội được giải quyết nhờ cái thần kỳ, dẫn đến sự thay đổi của cốt truyện theo mong ước của tác giả dân gian; còn ở nhóm thứ hai, yếu tố thần kỳ thực chất là bộ phận ngoại cốt truyện, không tham gia giải quyết xung đột xã hội, không tham gia làm thay đổi cốt truyện và thường chỉ giữ một chức năng ở cuối truyện – sự biến hình. Chỉ muốn đơn giản hóa việc phân chia tiểu loại, Triều Nguyên đã không chú ý tới sự khác nhau về vai trò của yếu tố thần kỳ trong hai nhóm cổ tích trên và đã nhập chung cả hai nhóm vào tiểu loại cổ tích thần kỳ. Từ kết quả có được, Triều Nguyên cảm thấy nhẹ nhõm: “Khi đã cho“truyện cổ tích thần kỳ thì phải có yếu tố thần kỳ” và truyện cổ tích thế tục không có yếu tố thần kỳ, cũng không có môi trường thần kỳ”, thì việc phân định giữa truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích thế tục không có gì khó khăn nữa”(6). Trong hoạt động nghiên cứu, việc xác định khái niệm công cụ là hết sức quan trọng nhằm tiếp cận bản chất đối tượng, nhưng phải dựa trên những căn cứ khoa học, chứ không thể vì mục tiêu đơn giản hóa vấn đề, giảm khó khăn cho người nghiên cứu. Có vẻ như nhận rõ điều này, Triều Nguyên quay sang chủ trương phân biệt hai tiểu loại cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự bằng phương pháp sáng tác. Tác giả viết: “Bấy giờ, có thể đặt vấn đề ở bình diện phương pháp sáng tác, rằng một bên cứ vào siêu nhiên, tạo ra điều con người muốn có, một đằng dựa vào hiện thực, kể lại điều con người hiện có. Nói khác đi, truyện cổ tích thần kỳ sử dụng phương pháp lãng mạn, qua các yếu tố thần kỳ, truyện cổ tích thế tục sử dụng phương pháp hiện thực, với logic thực tại (biểu hiện qua hoàn cảnh xã hội, tính cách nhân vật)”(7). Thế nhưng, ở đây Triều Nguyên đã không nhận ra rằng bộ phận truyện cổ tích có yếu tố thần kỳ (sự biến hình) như: Sự tích chim hít cô, Sự tích chim năm trâu sáu cột, Sự tích chim đa đa hay là Truyện bố ghẻ ơi bát cát quả cà, v.v… đều dùng phương pháp sáng tác hiện thực. Loại truyện này không hề “tạo ra điều con người muốn có”, số phận nhân vật chính ở đó được kể lại như “hiện có” với kết thúc đau thương như cuộc đời thực của họ. Sự biến hình không phải là cuộc sống ước mơ của tác giả dân gian, mà là thủ pháp nghệ thuật nhằm tượng hình vào nhân gian dấu ấn về những nỗi niềm bi thương của người lao động. Trái lại, dù cách thức thể hiện khác nhau, dù mức độ có khác nhau nhưng tất cả cổ tích thần kỳ đều hướng tới ước mơ: người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ xấu bị trừng trị và điều đặc biệt là những ước mơ đó đều đạt được nhờ yếu tố thần kỳ và trong địa hạt cái thần kỳ. Các nhà khoa học gọi đó là lối kết thúc có hậu. Nói cách khác, sự biến hình như ở các truyện nêu trên không phải là kết thúc có hậu và những truyện cổ tích thuộc loại này không được sáng tác theo phương pháp lãng mạn.

Đến đây cũng phải nói thêm rằng: không phải mọi cổ tích thế sự đều không phản ánh ước mơ, không kết thúc có hậu. Một số truyện cổ tích nói về các nhân vật như chàng khỏe, chàng thiện xạ, anh tài, v.v… đều kết thúc có hậu, không nhờ yếu tố thần kỳ mà nhờ sức lực, trí tuệ,… con người. Những năng lực này không phải là yếu tố thần kỳ mà là hư cấu – phóng đại dựa trên cảm hứng lãng mạn – ước mơ.

Rõ ràng không thể dựa vào việc có hay không yếu tố thần kỳ, cũng như dựa vào phương pháp sáng tác hiện thực hay lãng mạn để phân biệt hai tiểu loại cổ tích thần kỳ và cổ tích thế sự như đề xuất của Triều Nguyên.

Về truyện cổ tích thần kỳ, các nhà folklore học Xô viết quan niệm như sau: cổ tích thần kỳ là những cổ tích trong đó các xung đột xã hội được giải quyết trong địa hạt của cái thần kỳ và nhờ cái thần kỳ. Quan niệm này đã được thể hiện trong giáo trình Văn học dân gian Nga, do A.M.Nôvicôva chủ biên, phần cổ tích do Giáo sư V. P. Anhikin, Chủ nhiệm chuyên ngành folklore khoa Ngữ Văn, trường Đại học quốc gia Lomonoxop viết(8). Các nhà cổ tích học Xô viết quan niệm rằng: không phải mọi cổ tích có yếu tố thần kỳ đều là cổ tích thần kỳ. Trong những cổ tích có yếu tố thần kỳ, nhưng các xung đột xã hội không được giải quyết nhờ yếu tố thần kỳ và trong địa hạt của cái thần kỳ thì không thuộc cổ tích thần kỳ. Chiếu theo quan niệm này, những truyện cổ tích của người Việt như Sự tích vọng phu, Sự tích ba ông đầu rau, Sự tích trầu cau và vôi, v.v… là cổ tích thế sự. Phần lớn các nhà folklore học Việt Nam thế hệ trước cũng đồng quan điểm với các nhà bác học Xô viết (như ý kiến của PGS. Hoàng Tiến Tựu được dẫn trên đây), dù phát biểu có phần khác nhau. Các nhà folklore học châu Âu (cả Đông và Tây) đều đánh giá cao cách hiểu cổ tích thần kỳ của các nhà bác học Xô viết, nhất là sau khi cuốn Hình thái học của truyện cổ tích của V. Ia. Prop được dịch rộng rãi ngót hai mươi thứ tiếng sau lần xuất bản đầu tiên (1928).

Chú thích

(1). Lê Chí Quế (Chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (1999), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

(2). Tăng Kim Ngân (1994), Truyện cổ tích thần kỳ người Việt – Đặc điểm cấu tạo cốt truyện, Nxb KHXH.

(3). V.Ia. Prop (1928), Hình thái học của truyện cổ tích, Nxb Academia, Leningrad (Bản tiếng Nga).

(4). Triều Nguyên (2017), Truyện cổ tích và việc phân định giữa hai tiểu loại cổ tích thần kỳ và cổ tích.

(5). Triều Nguyên (2017), Truyện cổ tích và việc phân định giữa hai tiểu loại cổ tích thần kỳ và cổ tích thế tục, Tạp chí Nguồn sáng dân gian số 3, tr. 37 – 46. Quan niệm này lần đầu được tác giả thể hiện trong phần Dẫn luận cuốn Tìm hiểu về truyện cổ tích thế tục, Nxb. Thuận Hóa, 9/2017 (tr.39).

(6). Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục Hà Nội, tr.62-63. Dẫn theo Triều Nguyên trong bài viết nêu trên.

(7). Triều Nguyên, tài liệu đã dẫn, tr.44.

(8). Triều Nguyên, tlđd, tr .44,45.

(9). A.M.Nôvicôva, Sáng tác thơ ca dân gian Nga, tập I (1983), Đỗ Hồng Chung và Chu Xuân Diên dịch, Nxb. ĐHTHCN, tr.259.