Truyền cảm hứng trong lan tỏa thông tin tích cực và đấu tranh phản bác thông tin xấu độc

Cảm hứng có thể hiểu là một trạng thái cảm xúc tích cực của một người, được đặc trưng bởi sự thăng hoa của cảm xúc, làm gia tăng sự sẵn sàng cho các hoạt động. Nói cách khác, cảm hứng có tính chất thúc đẩy bản thân hoặc người khác hành động một cách tích cực, năng động, mạnh mẽ và thường hướng đến chất lượng, hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, một người có cảm hứng thường thực hiện một văn bản nhanh hơn, chất lượng hơn, tình cảm hơn, ít mắc lỗi diễn đạt hơn…

Từ cách hiểu đó, truyền cảm hứng chính là việc truyền đạt kiến thức và nâng đỡ, yêu thương, mang lại niềm tin, niềm hy vọng, khích lệ, thúc đẩy hành động một cách tự tin cho người khác. Chẳng hạn, sáng đầu tuần vào cơ quan, nhận được lời chúc tốt lành, nụ cười phấn chấn, câu khích lệ phù hợp của thủ trưởng, hầu hết nhân viên cấp dưới sẽ có được cảm hứng để làm việc tích cực và hiệu quả.

Trong công tác làm lan tỏa thông tin tích cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, rất cần yếu tố truyền cảm hứng. Chúng ta có thể mạnh dạn chia sẻ những thông tin tốt, xét nhiều góc độ sẽ tác động đến nhận thức, tình cảm của người tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu thông tin đó không tiếp tục tác động, thúc đẩy, khích lệ người tiếp nhận cảm thấy hăng hái, tự tin và từ đó có hành động tích cực thì tính chất truyền cảm hứng chưa được thực hiện đầy đủ. Chẳng hạn, fanpage của cơ quan đăng bài viết về một bí thư chi bộ khu phố luôn sâu sát tình hình đời sống người dân để cùng cấp ủy đề ra những giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm giải quyết các vấn đề an sinh tại địa phương. Với các thông tin chính xác, sinh động, đây có thể xem là một bài viết tốt. Nhưng bài viết cần thêm những yếu tố khác để thể hiện sự “truyền cảm hứng”, như các câu chuyện cụ thể về sự vượt khó của đồng chí bí thư đó hoặc có tính chất lay động người đọc, các phát biểu chân phương, mộc mạc của nhân vật, các hình ảnh thể hiện rõ sự nhiệt tình của nhân vật, sự ghi nhận của người dân, của các đồng chí, của cấp ủy cấp trên… Tức là, khi đọc xong bài viết, người đọc không chỉ thấy câu chuyện rất thật, mình có thể làm theo được mà còn có sức thuyết phục, có sự thúc giục mình phải noi gương, phải học tập, phải làm theo trong điều kiện cụ thể của mình.

Hay khi chúng ta đọc một bài phản bác một hiện tượng tiêu cực của xã hội xong mà bản thân thấy không được giải tỏa, không củng cố lòng tin, thậm chí còn thấy nặng nề hơn, bức xúc hơn…, thì rõ ràng tính chất truyền cảm hứng chưa được thể hiện tốt. Thí dụ, có bài viết phê phán trường hợp cá nhân thường xuyên phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) công kích, sỉ vả, thậm chí vu khống nhiều người bằng những ngôn từ kém văn hóa nhưng cũng bằng cách viết quy chụp, chửi bới thì hẳn chúng ta càng thấy nặng nề hơn. Khi đó, bài viết phê phán nên tiếp cận ở góc độ chỉ rõ các sai trái trong từng hành vi, rồi gợi ý sự hướng đến các giá trị tích cực cho người đọc bằng lời lẽ giản dị, súc tích, tôn trọng người tiếp nhận và cả người bị phê phán… Tức là, phải làm thế nào người đọc bài phê phán nhận ra rõ hành vi bị phê phán là gì, vì sao như vậy, bản thân chúng ta phải làm gì…, chứ không phải hướng đến việc thúc đẩy người đọc bức xúc, rồi có hành vi “hổ báo” như chính nhân vật bị phê phán…

Đương nhiên, có nhiều yếu tố truyền cảm hứng, có thể qua một câu nói của ai đó, một bức ảnh, một bức tranh, một dòng status, một đoạn video ngắn, một đoạn trích, một bài văn… gắn với dòng chủ lưu thời sự và các vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

Để truyền cảm hứng cho người khác chúng ta nhất định phải luôn có năng lượng thúc đẩy những cảm xúc tích cực với bản thân và sẵn sàng cho đi những điều tốt đẹp. Chúng ta phải luôn ở trong tâm thế lôi cuốn để dẫn dắt người khác đến những điều tốt hơn, như trong câu chuyện tích cực hoặc ngược lại với nhân vật tiêu cực mà mình đã chia sẻ. Muốn vậy, chúng ta phải nêu “người thật việc thật”, không tô hồng, không thêm thắt, không bôi đen…, đồng thời chọn cho được những khía cạnh đắt giá, có thể làm lay động lòng người. Chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ một cách hợp lý, chừng mực, nhất là phải dẫn dắt câu chuyện thế nào để hướng đến nhận thức và cảm xúc phù hợp cho người đọc chứ không phải áp đặt; trong nhiều trường hợp cần “nói giảm nói tránh”, dùng “uyển ngữ”… và tránh “tự nhiên chủ nghĩa” hoặc để “sự thật trần trụi” dẫn dắt. Chẳng hạn, chúng ta phê phán một cá nhân có những ngôn từ dung tục mà lại “trích dẫn” chính xác các lời ấy thì khác nào làm người đọc tiếp nhận điều tiêu cực ấy thêm lần nữa!

Điều chú ý là người làm lan tỏa thông tin tích cực hoặc phản bác thông tin xấu độc quan tâm đến tính truyền cảm hứng từ cả trong câu chuyện, cách thể hiện câu chuyện và phương thức truyền tải câu chuyện đó. Chẳng hạn, một thông tin tốt cần lan tỏa phải thực sự phù hợp, chính xác, chú ý tính tự nhiên, giản dị (không “lên gân”, không cầu kỳ), thông qua các kênh nào hiệu quả nhất (như một video clip cần phát ngay trên không gian mạng thay vì đợi họp tổ dân phố mới phát thì nguội mất)… Đồng thời, nên để bản thân câu chuyện và nhân vật gửi thông điệp đến người tiếp nhận, người làm công việc truyền tải không nên tác động một cách sống sượng, có khi làm “tuột” cảm hứng của người tiếp nhận. Chẳng hạn, với những ý kiến sai trái về công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, nên để các hình ảnh sinh động, đẹp mắt cùng sự phấn khởi của người dân tự tạo nên thông điệp gửi đến người đọc, người thực hiện không cần dẫn dắt quá nhiều, dẫn đến nghĩ thay người tiếp nhận, khi đó yếu tố cảm hứng có thể không còn nguyên vẹn…