Vợ chồng ông bà Nguyễn Trọng Tịnh và Võ Thị Liên
Mặc dù ông Nguyễn Trọng Tịnh đã bước qua tuổi 70 nhưng những ký ức ngày đầu vẫn hiện rõ trong tâm trí ông. Mấy mươi năm qua, cái tình, cái nghĩa trong cuộc sống gia đình ông bà như ngọn lửa chưa bao giờ tắt. Họ kết hôn 44 năm và có với nhau 4 người con. Khi nhớ lại quãng thời gian quen nhau, nên vợ thành chồng, họ xem đó như một cuốn phim chiếu chầm chậm.
Ông Tịnh và bà Liên biết nhau từ thuở nhỏ, lại cùng nhau đi sơ tán, nhưng ông Tịnh không hề để ý đến cô bé trắng trẻo, xinh đẹp, gia cảnh lại khá giả ở kế bên nhà. Trước khi lên đường nhập ngũ, ông Tịnh tranh thủ chào hỏi bà con. Ấy thế mà ông lại hoàn toàn quên mất phải sang nhà hàng xóm chào hỏi, mãi đến khi được mẹ nhắc thì mới giật mình nhớ ra.
Bà Liên vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ không phải làm lụng vất vả, xung quanh bà lại có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thế nhưng với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, bà Liên cũng như bao người phụ nữ khác vào lúc đó thường rất thụ động trong hôn nhân. Cho nên khi lấy nhau về rồi, tình yêu giữa ông Tịnh và bà Liên mới bắt đầu nảy sinh.
Ông Tịnh viết lên tình cảm của mình với vợ bằng dòng chữ thân thương,
Có lẽ, ngày xưa vì thiếu thốn về vật chất mà tình cảm vợ chồng được đong đầy hơn qua những gian khó mà cả hai đã trải qua cùng nhau. Những bát cơm chan nước rau luộc, hay một quả trứng chia đôi thế nhưng vẫn cảm thấy no ấm kỳ lạ. Đó là sự sẻ chia và thấu hiểu, là sự nhẫn nhịn, chịu khó với suy nghĩ đơn thuần chỉ muốn dành điều tốt đẹp nhất cho đối phương. Thế nên tình cảm thời ấy luôn bền chặt.
Rồi ông rời xa nhà vào chiến trường, xa vợ nên chỉ cần có chút thay đổi tiết trời cũng làm ông thêm nhớ và yêu bà nhiều hơn. Vì vậy, ông gom lại nỗi nhớ vợ bằng những lá thư tay như trút tấm chân tình vào từng câu chữ. Những cảm xúc yêu thương thể hiện trong từng dòng, từng câu chữ trong thư. Và rồi trong lòng ông lúc nào cũng trực chờ lo lắng chờ hồi âm, bồn chồn không biết người kia có nhận được thư không. Đó là tình yêu mãnh liệt trong sự xa cách và nỗi nhớ mà ông Tình dành cho vợ.
Biết hậu phương có người chờ đợi, ông Tịnh luôn một lòng chung thủy sắt son
Ngày được tin vợ mang thai, ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì có con trai đầu lòng, nhưng lại lo vì nhà có thêm người là thêm “miệng ăn”. Trớ trêu thay, niềm vui cùng với nỗi lo chưa vơi đi thì ông được tin con rời bỏ ông bà bởi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Thử thách qua đi, nỗi đau cũng dần lắng lại. Một lần nữa, ông Tịnh sung sướng khi vợ sinh đôi một trai, một gái. Lại một lần nữa, hạnh phúc mỉm cười trong căn nhà nhỏ của ông Tịnh. Khi cả hai còn chưa biết đi, bà Liên lại tiếp tục mang thai. Biết được vợ có thai lần thứ tư, nhìn vợ lặng lẽ thu gom quần áo cũ, may vá lại để chuẩn bị cho em bé sắp chào đời, ông Tịnh tự nhủ bản thân phải chăm chỉ lao động gấp 10 lần. Với cảnh thiếu thốn trăm bề, bà Liên tự tay chăm sóc các con đang tuổi lớn, phụng dưỡng cha mẹ hai bên mà chẳng một lời kêu ca. Nhà càng đông người, càng eo hẹp về kinh tế, ông lặng lẽ bảo vợ thu xếp quần áo nhét đầy cái rương nhỏ rồi bồng bế nhau vào phương Nam sinh sống.
Theo chồng rời xa quê lập nghiệp, một tay bà Tịnh chăm sóc đàn con còn thơ dại
Chẳng ai nói một câu nhưng cả vợ lẫn chồng đều hiểu rằng một khi đã quyết định rời quê hương nghĩa là họ cần chung sức cùng nhau phấn đấu vì một tương lai tốt hơn cho gia đình. Lập nghiệp xa quê, hai vợ chồng chẳng có nổi một xu trong túi, khí hậu khắc nghiệt, con đông, cuộc sống cực khổ… khiến bà Liên rơi vào trầm cảm. Lo lắng cho vợ, ông đã nhiều lần nuốt nước mắt vào trong, gương mặt vẫn thể hiện niềm vui để vợ yên tâm. Và rồi cuộc sống khó khăn cũng qua đi, các con ông bà đều trưởng thành.
Tình nghĩa vợ chồng của ông bà chỉ đầy lên theo tháng năm chứ không phai mờ.
Không cần những lời nói hoa mỹ, chỉ một câu “trọn đời trọn kiếp”, bà Liên đã mang theo tình cảm với người chồng của mình suốt những năm tháng cuộc đời. Nhan sắc rồi cũng tàn phai theo thời gian, chỉ có tấm chân tình mới giúp người ta đi với nhau tới cuối cuộc đời. Chiến tranh vô tình nhưng chưa bao giờ bà Liên hết hy vọng. Đi hết cuộc đời chinh chiến, ông Tịnh nghỉ hưu về với bà và các con. Đến nay, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, con cái đều đã lớn khôn nhưng thi thoảng họ vẫn cùng nhau ôn lại chuyện cũ.
Họ vẫn dành cho nhau những cái nắm tay thật chặt chẳng rời mỗi đêm đi ngủ. Họ vẫn gọi nhau í ới cùng đi chợ, nấu cơm. Tình nghĩa vợ chồng của ông bà chỉ đầy lên theo tháng năm chứ không phai mờ. Hạnh phúc của ông bà chỉ đơn giản là được nhìn thấy nhau từng ngày như thế.
Chương trình “Tình trăm năm” phát sóng vào lúc 18g thứ Bảy hàng tuần trên HTV7.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!