Kỹ thuật phối trộn thức ăn tinh hỗn hợp

Trên thị trường có nhiều loại thức ăn tinh hỗn hợp do nhiều hãng sản xuất. Nhìn chung, các loại thức ăn này có chất lượng tốt. Tuy nhiên, các loại thức ăn này thường đắt và nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Mặt khác, chúng ta không thể tận dụng được một cách hiệu quả các loại phụ phẩm như cám gạo, tấm, bột ngô, bột đậu tương… sẵn có trong mỗi gia đình.

Vì vậy, mỗi người chăn nuôi hoàn toàn có thể tự phối trộn được thức ăn tinh hỗn hợp.

1. Yêu cầu chung khi phối trộn thức ăn tinh hỗn hợp

– Cần có từ ba loại thức ăn trở lên. Càng có nhiều loại thức ăn trong thành phần càng tốt. Cần sử dụng tối đa các loại thức ăn sẵn có của gia đình.

– Các loại thức ăn đem phối trộn phải đảm bảo chất lượng, không bị mốc, hấp hơi hoặc có mùi lạ.

– Các nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ.

– Khối lượng thức ăn phối trộn đảm bảo đủ dùng trong vòng một tuần, không phối trộn khối lượng quá lớn để tránh giảm chất lượng do bảo quản lâu.

– Thức ăn tinh hỗn hợp phải rẻ, dễ sử dụng và dễ bảo quản.

2. Một số công thức phối trộn thức ăn cho gia súc nhai lại

Tính cho 100 kg thức ăn tinh hỗn hợp

+ Công thức 1:

– Cám gạo: 35 kg.

– Bột sắn: 10 kg.

– Bột ngô: 30 kg.

– Khô dầu các loại: 10 kg.

– Bột cá (với NaCl <15%): 10 kg.

– Bột sò hoặc bột xương: 4 kg.

– Urê: 0,5 kg.

– Premix khoáng và vitamin: 0,5 kg.

+ Công thức 2:

– Bột sắn: 85 kg.

– Khô dầu các loại: 10 kg.

– Urê: 3 kg.

– Muối ăn: 1 kg.

– Bột xương: 1 kg.

+ Công thức 3:

– Bột sắn: 65 kg.

– Cám gạo: 20 kg.

– Bột cá (với NaCl <15%): 10 kg.

– Urê: 4 kg.

– Bột xương: 1 kg.

+ Công thức 4:

– Bột sắn: 65 kg.

– Bột ngô: 25 kg.

– Khô dầu các loại: 5 kg.

– Urê: 3 kg.

– Muối ăn: 1 kg.

– Bột xương: 1 kg.

+ Công thức 5:

– Bột sắn: 45 kg.

– Bột ngô: 50 kg.

– Urê: 3 kg.

– Muối ăn: 1 kg.

– Bột xương: 1 kg.

Để phối chế thức ăn tinh hỗn hợp cũng có thể sử dụng một loại thức ăn đậm đặc sản xuất công nghiệp, sau đó cho thêm một số thành phần, bảo đảm tạo ra một hỗn hợp vừa rẻ, chất lượng tốt, vừa sử dụng được các thức ăn sẵn có của gia đình.

3. Cách phối trộn và bảo quản

– Đổ dàn đều các loại nguyên liệu thức ăn ra nền nhà hoặc sân gạch theo thứ tự loại nhiều đổ trước loại ít đổ sau.

– Đối với một số loại nguyên liệu thức ăn có khối lượng nhỏ như khoáng, vitamin… phải trộn trước với một ít bột ngô hoặc cám gạo để tăng khối lượng sau đó mới trộn lẫn với các nguyên liệu khác.

– Dùng xẻng hoặc tay trộn thật đều, sau đó đóng vào bao, buộc kín lại.

– Bao thức ăn phải được đặt trên giá kê, không tiếp xúc trực tiếp với nền và tường nhà.

– Thức ăn đã phối trộn cần được bảo quản nơi khô ráo, mát, có mái che.

– Có biện pháp tránh để chuột phá hoại.

Nguồn: http://www.vietnamgateway.org