Cộng đồng là một từ Hán Việt hai thành tố. Cộng (共), có nghĩa là “chung vào, cùng nhau”, đồng (同)có nghĩa “cùng (như một)”. Cộng đồng có nghĩa gốc là “cùng chung với nhau” và từ đó, có nghĩa (đang được sử dụng) trong tiếng Việt hiện nay là “toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Cộng, với nghĩa là “chung, cùng”, tiếng Việt còn có các từ kết hợp với thành tố này. Cộng hoà (hoà: cùng với nhau) là danh từ hoặc tính từ, “chỉ [chính thể] có quyền lực tối cao (không thuộc về vua chúa mà) thuộc về các cơ quan dân cử”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính là Nhà nước Công Nông đầu tiên của Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mang đặc trưng đó. Cộng cư (cư: ở), có nghĩa “[các dân tộc] sống cùng, sống chung trên một vùng đất, một địa bàn” (đồng nghĩa với quần cư). Ví dụ: Nơi đây, là nơi cộng cư của 3 dân tộc thiểu số ít người nhất. Cộng sinh (sinh: sống) chỉ “[sinh vật không cùng một loài] sống chung và cùng làm lợi cho nhau”. Chẳng hạn, các sinh vật trong quá trình chung sống, chúng cung cấp cho nhau các điều kiện cần thiết đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển liên tục, từ đó, các đối tác đều cùng hưởng lợi cho sự sinh tồn của chúng; cộng sự (sự: việc làm) chỉ “những người cùng làm chung một nhiệm vụ trong một tổ chức”. Ví dụ: Ông ấy đã cùng với các cộng sự hoàn thành công trình này; v.v.
Trở lại với từ cộng đồng, ta thấy có nhiều kết hợp mở rộng: cộng đồng xã hội (xã: nhiều người cộng lại, hội: họp lại), chỉ “tập đoàn người rộng lớn có những dấu hiệu, đặc điểm xã hội chung về thành phần giai cấp, nghề nghiệp, đặc điểm sinh tụ và cư trú”; cộng đồng làng xã là “tập hợp những người sống theo quan hệ xóm làng ở nông thôn”; cộng đồng ngôn ngữ chỉ “tập hợp những người cùng nói một ngôn ngữ nào đó”; cộng đồng người Chăm là “tập hợp tộc người Chăm với sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán…”; cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ “những người gốc Việt hiện không sinh sống ở trong nước mà đang ở các quốc gia khác”; Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp – Cộng đồng Pháp ngữ là “các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính hoặc ngôn ngữ thứ hai…”; v.v.
Khi báo chí viết “Hôm nay, Việt Nam không phát hiện ra một ca nhiễm virus corona nào trong cộng đồng”, thì từ “cộng đồng” ở đây được hiểu là “tất cả những ai đang sống trong chính thể nước Việt Nam (theo phạm vi cùng một lãnh thổ có biên giới quốc gia) nói chung” (phân biệt với người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước khác). Nhưng nếu viết “Hải Dương hay TP Chí Linh (cũng thuộc Hải Dương) hôm nay không có ca nhiễm nào trong cộng đồng” thì người viết đã hạn chế đối tượng sang một điểm quy chiếu hẹp hơn và “cộng đồng” ở đây được “khoanh vùng” chỉ Hải Dương hoặc TP Chí Linh (2 đơn vị địa danh thuộc một tỉnh) sau khi đã có sự cô lập, theo dõi. Thậm chí, khi nói “Sau khi bệnh nhân số N được phát hiện, chính quyền sở tại đã tạm cách li khu phố X để theo dõi dịch bệnh trong phạm vi cộng đồng” thì cộng đồng (đang được nói đến) chỉ trong một phạm vi rất hẹp (một khu phố hay một thôn bản, một phường hay một xã…).
PGS. TS. Phạm Văn Tình
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!