BỘ CÔNG AN –
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc –
Số: /2021/TT-BCA
Hà Nội, ngày tháng năm 2021
DỰ THẢO 2
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC TÀNG THƯ HỒ SƠ CƯ TRÚ
Căn cứ Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số /2021/NĐ-CP ngày tháng năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, phương pháp lập, sắp xếp, cập nhật, điều chỉnh, chuyển giao, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản tàng thư hồ sơ cư trú, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công an các đơn vị, địa phương.
2. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện công tác tàng thư hồ sơ cư trú
1. Tuân thủ các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hồ sơ cư trú phải được quản lý tập trung, thống nhất trong tàng thư hồ sơ cư trú và phải được bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
3. Việc sắp xếp hồ sơ trong tàng thư hồ sơ cư trú phải gọn gàng, khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, khai thác.
4. Hồ sơ cư trú phải được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ và được bảo vệ tuyệt đối an toàn; duy trì khai thác, sử dụng hiệu quả.
5. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tàng thư hồ sơ cư trú phải đúng mục đích. Thông tin, tài liệu trong hồ sơ cư trú chỉ được khai thác, sử dụng phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý cư trú, công tác nghiệp vụ của ngành Công an, yêu cầu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
6. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tàng thư hồ sơ cư trú phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả; việc cung cấp, trao đổi thông tin phải phù hợp với quy định pháp luật về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và yêu cầu cải cách hành chính.
Điều 4. Yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ thực hiện công tác tàng thư hồ sơ cư trú
Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thực hiện công tác tàng thư hồ sơ cư trú (sau đây viết gọn là cán bộ tàng thư) phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn như sau:
1. Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lưu trữ, cư trú, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Có trình độ trung cấp Công an nhân dân hoặc tương đương trở lên. Đối với cán bộ tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an thì phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân theo quy định.
Điều 5. Kinh phí phục vụ công tác tàng thư hồ sơ cư trú
1. Kinh phí phục vụ cho công tác tàng thư hồ sơ cư trú do ngân sách nhà nước bảo đảm và được sử dụng trong các hoạt động sau đây:
a) Nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác tàng thư hồ sơ cư trú;
b) Xây dựng, cải tạo nơi lưu trữ tàng thư hồ sơ cư trú;
c) Mua sắm thiết bị, phương tiện, tủ, giá để hồ sơ;
d) Bảo quản hồ sơ, tài liệu;
đ) Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác tàng thư hồ sơ cư trú;
e) In ấn biểu mẫu phục vụ công tác tàng thư hồ sơ cư trú;
g) Tổ chức tập huấn, các hoạt động khác phục vụ công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì phối hợp với Cục Hậu cần, Cục Kế hoạch và tài chính và các đơn vị liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt kinh phí bảo đảm cho công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Tàng thư hồ sơ cư trú
1. Tàng thư hồ sơ cư trúlà nơi lưu trữ hồ sơ cư trúđược quản lý theo quy định của pháp luật về lưu trữ, Thông tư này và các quy định khác của Bộ Công an.
2. Hồ sơ cư trúlà tập hợp những giấy tờ, tài liệu phản ánh thông tin về từng cá nhân, từng hộ gia đình được thu thập, cập nhật thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú (đăng ký thường trú, xoá đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, hủy bỏ đăng ký thường trú) và các công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Hồ sơ cư trú được lưu trữ, bảo quản theo thời hạn quy định tại Thông tư số 60/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ hồ sơ nghiệp vụ trong lực lượng Công an nhân dân.
3. Tàng thư hồ sơ cư trúdo Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) lập, quản lý và bảo quản theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Mỗi hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký thường trú thì lập một hồ sơ cư trú. Thông tin của từng cá nhân, hộ gia đình phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác vào hồ sơ cư trú, bảo đảm phản ánh được sự thay đổi, biến động về cư trú của từng cá nhân, hộ gia đình.
Điều 7. Tiếp nhận hồ sơ vào tàng thư hồ sơ cư trú
1. Cán bộ tàng thư tiếp nhận hồ sơ cư trú do cán bộ làm công tác đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, xoá đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật) của cơ quan đăng ký cư trú có thẩm quyền chuyển đến; tiếp nhận các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến thông tin về cư trú của từng cá nhân, từng hộ gia đình do lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã và các lực lượng nghiệp vụ khác chuyển đến.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ cư trú và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan, cán bộ tàng thư phải kiểm tra giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ và phải ghi vào Sổ theo dõi giao, nhận hồ sơ cư trú.
Trường hợp hồ sơ cư trú không đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều này, cán bộ tàng thư phải yêu cầu người chuyển giao hồ sơ (đối với trường hợp tiếp nhận trực tiếp) hoặc báo cáo lãnh đạo có văn bản yêu cầu cơ quan gửi hồ sơ (đối với trường hợp tiếp nhận qua đường giao liên) bổ sung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều này, cán bộ tàng thư thực hiện ghi nhận thông tin vào Sổ đăng ký thường trú.
3. Hồ sơ cư trú bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Thống kê tài liệu có trong hồ sơ;
b) Phiếu đề xuất giải quyết đăng ký cư trú;
c) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp (nếu có);
đ) Giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký thường trú (nếu có);
e) Phiếu xác minh thông tin về cư trú (nếu có);
g) Quyết định hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú (nếu có);
h) Các loại giấy tờ khác (nếu có).
Điều 8. Số hồ sơ cư trú, lập, thống kê tài liệu, sắp xếp hồ sơ cư trú
1. Số hồ sơ cư trú
Số hồ sơ cư trú là dãy số tự nhiên có cấu trúc là AAAAA-BBBBBB, trong đó, AAAAA là mã đơn vị hành chính của cơ quan đăng ký cư trú (mã xã hoặc mã huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã theo danh mục đơn vị hành chính trên trang web www.gso.gov.vn của Tổng cục Thống kê), BBBBBB là số tự nhiên của hồ sơ cư trú trong từng xã, phường, thị trấn.
Số hồ sơ cư trú được ghi vào túi hồ sơ cư trú và các biểu mẫu khác. Việc ghi số hồ sơ cư trú được thực hiện lần lượt từ một cho đến hết hồ sơ cư trú của một xã, phường, thị trấn.
2. Lập, thống kê tài liệu, sắp xếp hồ sơ cư trú
a) Hồ sơ cư trú của mỗi hộ gia đình, cá nhân được đựng trong một túi hồ sơ cư trú riêng. Trường hợp không đựng hết trong một túi hồ sơ cư trú thì lập túi hồ sơ cư trú tiếp theo và ghi “tập 1, tập 2…”;
b) Giấy tờ tài liệu có trong hồ sơ cư trú được ghi vào thống kê tài liệu có trong hồ sơ và sắp xếp đưa vào túi hồ sơ cư trú;
c) Hồ sơ cư trú được sắp xếp theo xã, phường, thị trấn và theo số thứ tự tăng dần của số hồ sơ cư trú.
3. Phương tiện để sắp xếp túi hồ sơ cư trú là tủ, giá đựng hồ sơ hoặc máy vi tính đối với trường hợp phiếu theo dõi hồ sơ đăng ký cư trú được lập trên máy vi tính.
Điều 9. Cập nhật thông tin vào tàng thư hồ sơ cư trú
1. Thông tin về cư trú của cá nhân, hộ gia đình được cập nhật vào tàng thư hồ sơ cư trú bao gồm:
a) Kết quả giải quyết các nội dung về đăng ký thường trú, xoá đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, hủy bỏ đăng ký thường trú do cán bộ đăng ký cư trú thuộc cơ quan đăng ký cư trú có thẩm quyền chuyển đến;
b) Những thông tin, báo cáo, tài liệu có liên quan do lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã và các đơn vị nghiệp vụ khác cung cấp;
c) Những thông tin, báo cáo, tài liệu có liên quan do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
2. Khi nhận được các thông tin, báo cáo, tài liệu nêu trên, cán bộ tàng thư tiến hành ghi nhận trong sổ theo dõi giao, nhận hồ sơ cư trú và cập nhật thông tin vào tàng thư hồ sơ cư trú, sổ đăng ký thường trú.
Điều 10. Điều chỉnh, chuyển giao hồ sơ trong tàng thư hồ sơ cư trú
1. Các trường hợp phải điều chỉnh hồ sơ cư trú trong tàng thư hồ sơ cư trú gồm:
a) Thay đổi chủ hộ;
b) Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.
d) Thay đổi nơi đăng ký thường trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện.
2. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình chuyển nơi thường trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện thì cơ quan Công an cấp huyện nơi cá nhân, hộ gia đình chuyển đi có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ cư trú của cá nhân, hộ gia đình đó trong tàng thư hồ sơ cư trú đến cơ quan Công an cấp huyện nơi cá nhân, hộ gia đình chuyển đến thường trú.
3. Khi điều chỉnh, chuyển giao hồ sơ cư trú trong tàng thư hồ sơ cư trú, cán bộ tàng thư phải thực hiện việc lập phiếu theo dõi hồ sơ cư trú và sắp xếp lại hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Điều 11. Khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú
1. Việc khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công an về chế độ hồ sơ, tàng thư hồ sơ cư trú.
2. Hình thức khai thác thông tin, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú.
a) Khai thác trực tiếp tại đơn vị quản lý tàng thư hồ sơ cư trú;
b) Mượn hồ sơ, tài liệu về đơn vị để khai thác;
c) Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản.
3. Thủ tục đề nghị khai thác thông tin, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú.
a) Đối với cơ quan, tổ chức
– Văn bản (được lãnh đạo ký tên, đóng dấu) của cơ quan, tổ chức đề nghị tra cứu, khai thác; trong đó nêu rõ mục đích, nội dung, hình thức cần tra cứu, khai thác.
– Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức.
– Xuất trình Căn cước công dân (Chứng minh nhân dân) hoặc chứng minh Công an nhân dân.
b) Đối với cá nhân
– Đơn đề nghị, trong đó nêu rõ mục đích, nội dung, hình thức cần tra cứu, khai thác.
– Giấy tờ liên quan đến nội dung đề nghị (nếu có).
– Xuất trình Căn cước công dân (Chứng minh nhân dân) hoặc chứng minh Công an nhân dân.
c) Việc khai thác, sử dụng thông tin, hồ sơ, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú phải được sự phê duyệt của lãnh đạo Công an cấp huyện hoặc của chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khi được lãnh đạo Công an cấp huyện ủy quyền. Trường hợp có vướng mắc thì lãnh đạo Công an cấp huyện phải báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định;
d) Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cán bộ tàng thư rút hồ sơ chuyển cho người đề nghị khai thác để tra cứu thông tin, tài liệu theo nội dung, hình thức đã được phê duyệt. Trường hợp mượn hồ sơ, tài liệu về đơn vị để tra cứu thì phải ký xác nhận vào sổ theo dõi giao, nhận hồ sơ cư trú và ghi rõ ngày giao nhận, thời gian hoàn trả hồ sơ; khi hoàn trả hồ sơ, cán bộ tàng thư phải kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện hồ sơ bị sửa chữa, tẩy xóa, làm thay đổi, mất tài liệu trong hồ sơ phải lập biên bản và báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì cán bộ tàng thư tra cứu thông tin theo nội dung yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo đề xuất chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trình lãnh đạo Công an cấp huyện trả lời bằng văn bản.
4. Việc tra cứu, khai thác phải được ghi chép vào sổ theo dõi tra cứu, khai thác tàng thư hồ sơ cư trú, bảo đảm an toàn hồ sơ, tài liệu và theo đúng nội dung được phép khai thác, sử dụng, nội quy, quy chế của đơn vị.
Điều 12. Bảo quản tàng thư hồ sơ cư trú
1. Hồ sơ cư trú phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, bảo đảm không bị ẩm, mốc, có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, thiên tai.
2. Tàng thư hồ sơ cư trú phải bảo đảm đủ diện tích để lưu trữ toàn bộ hồ sơ cư trú và duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp.
3. Tàng thư hồ sơ cư trú được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ.
4. Cán bộ tàng thư kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị về tình trạng hồ sơ, tài liệu và các trang thiết bị của tàng thư hồ sơ cư trú.
5. Thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo Công an trực tiếp quản lý tàng thư hồ sơ cư trú có trách nhiệm xây dựng nội quy, các văn bản phục vụ cho công tác bảo quản.
Điều 13. Trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng tàng thư hồ sơ cư trú
1. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
a) Hướng dẫn việc quản lý, khai thác, sử dụng tàng thư hồ sơ cư trú và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tàng thư hồ sơ cư trú;
b) Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tàng thư;
c) Phối hợp với Cục Hậu cần, Cục Kế hoạch và tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng đề án trang bị các thiết bị và phương tiện phục vụ công tác tàng thư hồ sơ cư trú;
d) Chỉ đạo khai thác có hiệu quả tàng thư hồ sơ cư trú phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ của ngành, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác tàng thư hồ sơ cư trú;
b) Bố trí nơi lưu giữ tàng thư hồ sơ cư trú và đề ra các nội quy, quy định trong khai thác, tra cứu tàng thư hồ sơ cư trú;
c) Quản lý, sử dụng và khai thác tàng thư hồ sơ cư trú.
3. Trách nhiệm của cán bộ làm công tác tàng thư
a) Không được tự ý lập, tẩy xoá, sửa chữa, làm sai lệch nội dung hồ sơ, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú;
b) Không được chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất hồ sơ, tài liệu; mua bán, tiêu huỷ, mang hồ sơ, tài liệu trong tàng thư hồ sơ đăng ký cư trú ra ngoài kho lưu trữ trái quy định;
c) Không được tự ý cung cấp thông tin, cho mượn, cho nghiên cứu, sao chụp tài liệu trong tàng thư hồ sơ đăng ký cư trú khi chưa có ý kiến của lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Không được sử dụng thông tin, tài liệu trong tàng thư hồ sơ cư trú nhằm mục đích xâm phạm lợi ích của nhà nước, ngành Công an, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 14. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tàng thư hồ sơ cư trú
1. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tàng thư hồ sơ cư trú là việc sử dụng phần mềm quản lý tàng thư hồ sơ cư trú trong hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ cư trú phục vụ yêu cầu lưu trữ, quản lý, tra cứu thông tin, tài liệu trong hồ sơ cư trú được nhanh chóng, chính xác, đầy đủ bằng cơ sở hạ tầng thông tin.
2. Cơ quan quản lý tàng thư hồ sơ cư trú khi ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tàng thư hồ sơ cư trú phải bảo đảm quản lý chặt chẽ hồ sơ cư trú bản gốc, không để mất mát, thất lạc; bảo vệ thông tin, tài liệu trong cơ sở dữ liệu không để bị mất hoặc sai lệch thông tin; thực hiện nghiêm túc quy định bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
3. Tạo lập cơ sở dữ liệu hồ sơ cư trú điện tử
a) Cơ sở dữ liệu hồ sơ cư trú điện tử được hình thành từ 02 nguồn:
– Được tạo lập trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký, quản lý cư trú. Sau khi cơ quan đăng ký cư trú cập nhật thông tin giải quyết đăng ký cư trú cho công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, hồ sơ cư trú điện tử sẽ tự động được chuyển vào phần mềm quản lý tàng thư hồ sơ cư trú.
– Được số hóa từ hồ sơ cư trú lưu tại tàng thư hồ sơ cư trú bản gốc và giấy tờ, tài liệu có liên quan từ các lực lượng nghiệp vụ, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
b) Cán bộ tàng thư có trách nhiệm tạo lập cơ sở dữ liệu hồ sơ cư trú trên phần mềm tàng thư hồ sơ cư trú đảm bảo đầy đủ, chính xác; tổ chức khai thác, tra cứu, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu khác theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 2021 và thay thế Thông tư số 42/2015/TT-BCA ngày 01/9/2015 của Bộ Công an quy định về công tác tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
2. Đối với hồ sơ cư trú được lập, lưu trữ vào tàng thư hồ sơ cư trú trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà không phù hợp với quy định của Thông tư này thì chậm nhất ngày … tháng … năm 2021 phải hoàn thành việc sắp xếp lại theo đúng quy định của Thông tư này.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Chỉ đạo việc tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác tàng thư hồ sơ cư trú trên toàn quốc; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác tàng thư hồ sơ cư trú.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: – Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an; – Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; – Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Công báo nội bộ; – Lưu: VT, C06, V03.
BỘ TRƯỞNG Đại tướng Tô Lâm
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!