Lâu nay nhiều người dùng nhầm tưởng uống loại sữa bột pha thành dạng nước đóng hộp bán trên thị trường là sữa tươi. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi Bộ Y tế sửa khái niệm “sữa tiệt trùng” thành “sữa hoàn nguyên”, “sữa pha lại”.
“Trả lại tên” cho sữa tươi
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT). Đây là quy chuẩn có khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ loại sữa dạng lỏng làm chủ yếu từ sữa bột nhập khẩu, tồn tại trong 5 năm qua. Tên gọi này được dùng ghi lên hộp sữa bán ra khiến người dùng lâu nay không phân biệt được đây là sữa tươi hay pha ra từ sữa bột.
Ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho rằng, dù quy chuẩn hiện hành đóng góp quan trọng trong phát triển ngành sữa 5 năm qua nhưng có bất cập là “cứ sữa dạng lỏng là người tiêu dùng hiểu đó là sữa tươi”. Cùng với đó, tên gọi “tiệt trùng” (trong khái niệm sữa tiệt trùng) chỉ là biện pháp chế biến, không thể hiện bản chất nguyên liệu tạo ra nguồn sữa.
Theo dự thảo của Bộ Y tế, khái niệm “sữa tiệt trùng” lần này được chia thành 3 khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” (làm từ sữa bột; thành phẩm gần như sữa tươi), sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) theo đúng quy định quốc tế (Codex stan 206-1999) và tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học công nghệ ban hành (TCVN 11216:2015). Tên gọi “sữa hỗn hợp” được dùng để chỉ loại sữa làm từ cả sữa bột (hoặc sữa đặc) và sữa tươi.
Tại buổi hội thảo, hầu hết chuyên gia, nhà quản lý; đặc biệt là các hãng sữa đồng tình với dự thảo; cho dù sự thay đổi không hẳn là dễ chịu; đặc biệt là các nhà sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa bột.
Ngồi ở vị trí điều khiển cuộc họp, ông Phong khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của lần sửa đổi này là hướng đến sự minh bạch cho người tiêu dùng nên các doanh nghiệp cần chia sẻ, thống nhất với ban soạn thảo.
Cụ thể, ông Phong cho hay: Thế giới gọi sữa pha ra từ sữa bột là “sữa pha lại”; với “sữa hoàn nguyên” (cũng là loại sữa bột pha ra thành sữa nước nhưng thành phần chất dinh dưỡng gần như sữa tươi, dù Việt Nam chưa có nhưng quốc tế đã có, tương lai Việt Nam cũng có) nên dự thảo đưa vào để đón trước quá trình hội nhập. “Chúng ta không thể dùng những khái niệm mà quốc tế không có hoặc chúng ta có mà quốc tế không có”, ông Phong khẳng định.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, pháp luật hiện nay quy định người tiêu dùng có quyền được thông tin; thông tin, tên gọi của sản phẩm không được phép để người tiêu dùng hiểu nhầm về sản phẩm. “Vì vậy, việc thay đổi khái niệm lần này là rất cần thiết”, ông Hùng nói.
Tại Hội thảo, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều đồng tình với sửa đổi này, trong đó có các hãng sữa lớn điển hình như TH true MILK
Khuyến khích, bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa
Ngoài mục tiêu minh bạch cho người tiêu dùng, phù hợp thông lệ quốc tế, Cục An toàn thực phẩm cũng đặt ra mục tiêu minh bạch trong sản xuất sữa và hướng tới hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, sản xuất sữa tươi trong nước.
Khác với sự thận trọng trước đây trong việc sửa đổi tên sữa, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam (nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm) cũng cho rằng, việc sửa đổi khái niệm sữa lần này là cần thiết.
Ông Trung cũng dẫn ra con số: Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD (khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm) sữa bột; trong khi nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới, ngành chăn nuôi bò sữa những năm gần đã có bước phát triển mạnh; tiến tới thay thế dần sữa bột nhập khẩu.
Điểm chưa thống nhất cao là có hay không nên dùng khái niệm “sữa tươi” hoặc sử chỉ sử dụng một khái niệm sữa tươi chung; thay vì chia ra 3 khái niệm sữa tươi nguyên chất (không bổ sung vi chất), sữa tươi (có thể bổ sung vi chất như đường, nước hoa quả…) và sữa tươi tách béo (dùng cho người có nguy cơ béo phì) như dự thảo.
Ông Lê Thanh Phong giải thích: Các hãng sữa lớn trong nước đều sản xuất nhiều sản phẩm sữa tươi bổ sung đường hoặc nước hoa quả… Sản phẩm này không phải là “sữa tươi nguyên chất” nhưng cần gọi là “sữa tươi” để người dùng phân biệt được thành phần nguyên liệu của sản phẩm và “các hãng sữa bán được sản phẩm”.
Ông Tống Xuân Chinh – Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần sử dụng khái niệm “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi” để người tiêu dùng dễ nhận biết và giúp phát triển nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, “sữa tươi” là công cụ quan trọng để ngành sữa cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (khó vận chuyển sữa tươi đến Việt Nam để bán).
“Việc phân biệt rõ ràng sẽ giúp người mua nhận biết được sữa tươi và sữa bột; có thể đánh giá và chọn mua phù hợp nhu cầu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Bằng cách đó, họ sẽ trả giá cao hơn cho người sản xuất sữa tươi ngay cả khi có pha thêm chất khác hay để nguyên chất.
Giá trị gia tăng đó sẽ kích thích phát triển nghề nuôi bò sữa, là cách tốt nhất để khuyến khích người sản xuất sữa tươi, bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn hội nhập, cũng như khuyến khích người chế biến ưu tiên sử dụng nguyên liệu sữa tươi cho chế biến sâu” – TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách phát triển Nông nghiệp và Nông thôn chia sẻ.
Bình Minh
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!