Bàng không chỉ là cây bóng mát, mà còn là một vị thuốc rất hay

Trước đây, ngày còn đi học, vào những buổi ra chơi hay tan trường, tôi hay thấy cái dáng lom khom của chú lao công đi quét lá cây bàng. Điều gây sự chú ý là chú nhặt riêng những quả bàng chín rụng và để vào một cái bao khá to. Vì sân trường tôi rộng và trồng rất nhiều cây bàng để lấy bóng mát nên đến chiều thì cái bao đựng quả của chú cũng gần đầy.

Ngày này qua ngày nọ như thế, tôi lấy làm thắc mắc và hỏi thì chú trả lời: “Chú lụm trái bàng này về bán cho người ta. Mỗi bao đầy thế này họ trả 50 ngàn đồng”. – Khi tôi hỏi họ mua trái bàng để làm gì thì chú có vẻ băn khoăn.

Lát sau, như sực nhớ ra, chú trả lời: “Cái này hình như họ lấy nhân hạt bên trong rồi chế biến thành món ăn với món thuốc gì đó. Nói chung họ mua thì mình bán thôi chứ mình cũng không rành.”.

Đến bây giờ, mỗi khi thấy những quả bàng rụng vàng trên mặt đất mà không ai nhặt lấy, tôi lại có cảm giác tiếc rẻ. Tiếc vì quả bàng chưa được chú ý tận dụng trong sinh kế và cả trong y học.

Giới thiệu thêm về cây bàng

Bàng là loại cây thân gỗ lớn, lá to, tán rất rộng, thường được trồng lấy bóng mát ở các nơi như công sở, trường học hay vỉa hè đường phố.

Cây bàng có tên khoa học là: Terminalia catappa, thuộc họ trâm bầu.

Cây được trồng phỏ biến ở tất cả các địa phương trên cả nước, tuổi thơ chúng ta không ai là không gắn bó với cây bàng, sân trường. Ngoài làm cây bóng mát, bàng còn là một thảo dược quý.

Công dụng của quả bàng

Quả bàng thuộc loại quả hạch, có một hạt cứng bên trong, khi non có màu xanh và khi chín ngả sang màu nâu đỏ rồi chuyển dần thành vàng. Phần thịt quả có vị chua, nhân hạt có vị ngọt, chứa nhiều dầu, thường được thu nhặt về, phơi khô, đập bỏ vỏ cứng rồi lấy nhân hạt bên trong chế biến thành thức ăn (thường là làm mứt). Nhân hạt bàng chứa nhiều khoáng chất như kali, can xi, magie, natri…

  • Tăng cường sinh lý: Nghiên cứu cho thấy hạt bàng được dùng để hồi phục, điều hòa chức năng của các cơ quan sinh sản ở nam giới. Vì thế, nó được dùng như một loại thuốc kích dục, điều trị xuất tinh sớm, loãng tinh dịch.
  • Giảm say tàu xe: Ngoài ra, quả bàng còn được dùng trong điều trị bệnh hủi, nhức đầu và giúp giảm tình trạng buồn nôn khi đi tàu xe.

Công dụng của lá bàng

Lá bàng chứa nhiều hoạt chất quý như tanin, saponin…, có màu xanh và ngả dần sang màu nâu đỏ, màu vàng khi già. Lá bàng khi tươi và khi chín, rụng đi đều được dùng trong y học với các cách trị liệu và công dụng khác nhau.

Đối với lá bàng tươi: Người ta dùng búp lá bàng non hay lá bàng tươi, phơi khô, đun nước rồi uống như trà để điều trị tiêu chảy, chứng bí mồ hôi. Búp lá bàng non còn được dùng để điều trị bệnh ghẻ, sâu quảng (phơi khô, tán bột, rắc lên). Bên cạnh đó, người ta còn xào lá bàng tươi rồi bó vào chỗ đau nhức để giảm đau. Ngoài ra, nước ép lá bàng non còn được dùng để làm giảm ghẻ ngứa, các bệnh về da, nhức đầu và đau bụng.

Đối với lá bàng chín rụng: lá bàng khi ngả chín có màu nâu đỏ được dùng trong điều trị các bệnh về gan, trừ giun. Chiết xuất từ lá bàng khô rụng còn được phát hiện có khả năng kiểm soát diễn biến bệnh hồng cầu lưỡi liềm.

Đối với nhựa của lá bàng non, người ta trộn chúng với dầu từ nhân hạt bàng để điều trị bệnh hủi.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanolic từ lá bàng còn có tác dụng chống ung thư hạch bạch huyết Ehrlich (ELA) ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Ở Nigeria, lá bàng còn được kết hợp với dầu cọ để điều trị bệnh viêm Amiđan (theo trang stuartxchange).

Công dụng của vỏ và thân cây bàng

  • Vỏ cây bàng được dùng trong điều trị cac trường hợp đau ốm hay cáu gắt bột phát và bệnh lỵ.
  • Nước sắc vỏ cây bàng cũng được dùng trong điều trị bệnh lậu, đau dạ dày, chuột rút, tiểu đường và giúp lợi tiểu, trợ tim, giảm đau đầu.

(Tuyết Nhi)