Sau sinh mổ nên ăn gì, kiêng ăn gì để nhanh hồi phục và nhiều sữa?

Trong suốt quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi vì lượng thức ăn hằng ngày sẽ được chuyển đổi thành năng lượng cung cấp cho cả mẹ và con. Ngược lại, sau khi sinh, mặc dù bạn không “ăn cho hai người” nhưng cơ thể lại cần nhiều chất dinh dưỡng để hồi phục.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sữa mẹ. Trong những tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ lớn nhanh và khỏe mạnh như:

+ Lactose: Chiếm khoảng 40% tổng lượng calo do sữa mẹ cung cấp. Lactose có tác dụng làm giảm hại khuẩn sản sinh trong dạ dày, giúp cơ thể cải thiện sự hấp thụ canxi, phốt pho và magie. Đồng thời, dưỡng chất này còn giúp ngăn ngừa bệnh tật và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn “thân thiện”.

+ Chất béo: Đây là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Ngoài ra, dưỡng chất này cũng giúp trẻ hấp thụ các vitamin tan trong chất béo và là nguồn cung cấp năng lượng chính. Bên cạnh đó, các axit béo omega-3 như DHA, EPA và omega-6 như AA còn là những dưỡng chất cần cho sự phát triển não bộ, võng mạc và hệ thần kinh của trẻ.

+ HMOs: Đây là dưỡng chất có hàm lượng phong phú nhiều thứ 3 trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và lactose và được chia thành 3 phân nhóm chính:

  • HMO trung tính chứa fucose – Fucosylated HMOs
  • HMO có tính axit hoặc Sialylated
  • HMO trung tính chứa N-acetylglucosamine (acetylated HMOs)

Trong đó, 5 HMOs “đại diện” nổi bật nhất trong 3 phân nhóm này cần được quan tâm hàng đầu là 2’-FL, 3-FL, LNT, 3-SL, 6’-SL. Nghiên cứu khoa học cho thấy cả 5 HMOs này có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, tăng cường sức khỏe đường ruột. Từ đó, giúp cải thiện và nâng cao khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ chống lại nhiều mầm bệnh và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

+ Chất đạm: Sữa mẹ có chứa hai loại đạm là đạm whey và đạm casein. Sự cân bằng của các loại đạm này giúp trẻ tiêu hóa nhanh và dễ dàng.

+ Nucleotides: Sữa mẹ chứa một lượng lớn nucleotides có tác dụng hỗ trợ sản xuất kháng thể, giúp cơ thể trẻ tăng khả năng chống lại nhiễm trùng và làm giảm nguy cơ phát triển mầm bệnh. Đồng thời, nucleotides còn có khả năng hỗ trợ phát triển hàng rào niêm mạc, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ.

+ Các loại vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K, đều rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các vitamin tan trong nước như vitamin C, riboflavin, niacin và axit pantothenic cũng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.