Xem video:
Tự sơ nữ
Màn khói của lò nướng cùng màu ngói thâm nâu khiến căn nhà được xây bằng tường gạch đặc và vữa thạch cao tại số 150 Trần Quý (phường 6, Quận 11, TP.HCM) thêm tối tăm, ẩm thấp.
Bên trong, nhà treo nhiều tranh, liễn, thư pháp chữ Hán viết bằng mực tàu trên nền giấy, vải đỏ. Nơi đây chỉ có vài cụ bà trò chuyện với nhau bằng tiếng Trung.
Nếu không cất công tìm hiểu, không mấy ai biết căn nhà trên có tên là Tụ Quần Cư, nơi ẩn chứa những dấu tích về nhóm phụ nữ “thề không bao giờ lấy chồng” từng sinh sống, làm việc tại TP.HCM.
Kỷ lục gia Dương Rạch Sanh, người sở hữu bộ sưu tập kỷ vật của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1975 nhiều nhất từng dành nhiều thời gian tìm hiểu nhóm phụ nữ này và có những phát hiện thú vị.
Theo anh, nhóm phụ nữ độc thân, thề không bao giờ lấy chồng có tên gọi chung là “tự sơ nữ”, “chị má” hoặc “bà cô”. Họ là nhóm phụ nữ “quyết tâm sống độc thân” của vùng tam giác sông Châu Giang (Quảng Đông, Trung Quốc).
“Trong khoảng thời gian từ năm 1900 – 1942, hàng ngàn tự sơ nữ đã đến các nước Đông Nam Á làm nghề giúp việc. Trong đó, một phần lớn những người này đã đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn của Việt Nam”, anh Sanh nói.
Tự sơ nữ là những người phụ nữ không phục tư tưởng Nho giáo, không đồng tình với việc phụ nữ phải lệ thuộc vào đàn ông. Họ cho rằng không cần đàn ông, họ vẫn có thể làm việc để nuôi sống bản thân, gia đình.
Những phụ nữ cùng tư tưởng như trên tạo thành một cộng đồng, một nhóm người riêng biệt. Tuy nhiên, để được công nhận là một tự sơ nữ thực thụ, những người phụ nữ này phải trải qua nghi thức đặc biệt được tổ chức tại “nhà bà cô”, nơi tập trung sinh sống của các tự sơ nữ.
Các cô gái sẽ được những tự sơ nữ kỳ cựu hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện nghi thức. Sau khi hành lễ, đọc lời thề, các cô gái được búi tóc lên và chính thức trở thành tự sơ nữ.
Một khi đã đọc lời thề, họ sẽ phải sống độc thân, không bao giờ được nghĩ đến tình yêu nam nữ. Nếu phản bội lời thề, tự sơ nữ chịu hình phạt bị bỏ vào lồng thả trôi sông cho đến chết. Lúc tuổi già hoặc mắc bệnh nặng, tự sơ nữ phải dọn đến “nhà bà cô” ở, tuyệt đối không được mất tại nhà mẹ đẻ.
Anh Sanh chia sẻ: “Các tự sơ nữ đều là những người phụ nữ rất thông minh và giỏi giang. Ở Trung Quốc, họ rất giỏi trong nghề dệt tơ tằm. Khi thế chiến thứ hai nổ ra, Trung Quốc bị Nhật chiếm đóng, tự sơ nữ không còn việc để làm”.
“Nhóm người này đa số xuất ngoại đến các nước nằm ở phía Nam Trung Quốc như: Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam… làm nghề giúp việc nhà, quản gia, giữ trẻ…”, anh nói thêm.
Dấu tích cuối cùng
Trong thời đại của mình, các tự sơ nữ tạo được cho mình một vị thế, uy tín rất lớn trong công việc giúp việc nhà, giữ trẻ, đầu bếp… Họ thường được các gia đình, dòng tộc giàu có lựa chọn thuê về làm người giúp việc, thậm chí là quản gia.
Nhiều tự sơ nữ uy tín đến nỗi được gia chủ thương yêu, tín nhiệm và xem như người trong gia đình. Những người như vậy thường sẽ được chủ cho ở luôn trong nhà. Thậm chí, khi già, chết đi, họ được chủ nhà lo hậu sự, chôn cất chu đáo.
Những người kém may mắn hơn khi già, hết tuổi làm việc, họ tụ tập lại, góp tiền mua những căn nhà để về ở chung. Từ đó hình thành những căn nhà dành riêng cho nhóm phụ nữ thề không bao giờ lấy chồng.
“Sài Gòn xưa có Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Hợp Thành Đường, Tái Trân Đường, Thủ Trân Đường, Tụ Quần Cư…là những ngôi nhà chung của tự sơ nữ. Điều này chứng minh, trước đây, tại Sài Gòn có rất nhiều tự sơ nữ đến sinh sống”, anh Sanh cho biết.
Tại vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn xưa, các tự sơ nữ ngoài được thuê vào làm việc nhà, quản gia trong các gia đình giàu có còn mưu sinh bằng công việc sản xuất bào hoa, kim chỉ, làm bà mai… Theo anh Sanh, sản xuất bào hoa là nghề truyền thống, rất đặc trưng của người Hoa nhưng chỉ có những phụ nữ trong nhóm thề không lấy chồng này làm và bày bán.
Thậm chí, những tự sơ nữ giỏi hơn có thể đứng ra kinh doanh, làm dịch vụ. Có học thức, các “bà cô”, “chị má” này từ Cảng Sài Gòn đi đường thủy sang Hồng Kông rồi vào Trung Quốc đại lục để nhập những mặt hàng thiết yếu dành cho cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn.
Đa số hàng hóa họ mua về Sài Gòn bán là hàng kim chỉ, vật dụng phục vụ lễ cưới truyền thống của người Hoa gốc Quảng Đông. Ngoài ra, tự sơ nữ còn bày bán các vật phẩm dành cho việc cúng kiếng, trang điểm…
Trong những chuyến di chuyển qua lại như vậy, họ phát triển thêm dịch vụ nhận, chuyển thư tín, tiền bạc… Anh Sanh cho biết, theo thời gian, nhóm người phụ nữ thề không lấy chồng tại TP.HCM dần dần biến mất.
Tại TP.HCM, nhóm phụ nữ thề không lấy chồng biến mất hoàn toàn sau khi cụ Văn Mai (còn có tên là Văn Ngọc Phương) mất vào năm 2012. Cụ Mai sinh năm 1922 và được xem là tự sơ nữ cuối cùng của TP.HCM.
Hiện nay, dấu tích của nhóm phụ nữ độc thân, thề không bao giờ lấy chồng chỉ còn được lưu giữ tại Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn của kỷ lục gia Dương Rạch Sanh. Đại đa số đồ vật trưng bày tại đây đều là vật dụng sinh thời của những người phụ nữ độc thân sống ở Tụ Quần Cư.
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!