Phải chăng MeToo đang bị tác dụng ngược? – Tuổi Trẻ Online

Ai cũng biết trong thời gian gần đây, phong trào #MeToo được phát động nhằm mục đích chống nạn phân biệt giới tính, đả phá việc trọng nam khinh nữ và lên án bạo hành phái yếu. Phong trào này đã khơi dậy những tranh luận trái chiều trên toàn cầu.

Và mới đây, một cuộc nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng phong trào này đã vô tình tạo ra cách nhìn nhận vấn đề và một thái độ ứng xử sai lệch từ chính những người phụ nữ khi giao tiếp xã hội, và từ đó họ đã bị nam giới xa lánh vì quá “lạm dụng” #MeToo!

Theo một nghiên cứu của hai chuyên gia Leanne Atwater và Rachel Sturm, sau một thời gian, phong trào “#MeToo” từ ý tưởng tốt ban đầu thì nay đã gây nên hệ lụy tiêu cực quay ngoắc 180o ngày càng nới rộng ra khoảng cách bất bình đẳng nam – nữ trong giao tiếp công việc.

Cụ thể là, 1/5 nam giới lãnh đạo nói thẳng ra là họ không muốn tuyển dụng những phụ nữ có vóc dáng xinh đẹp; 1/4 nam giới được hỏi cho biết dạo sau này họ thường né tránh các cuộc gặp mặt riêng với đồng nghiệp nữ trong không gian “chỉ có hai người” chỉ vì sợ “bị bắt oan”!

Nhiều nam giới cũng nói rõ là hiện giờ họ rất e ngại khi bắt tay phụ nữ, và trong công việc họ thường từ chối những chuyến công tác xa với đồng nghiệp nữ vì sợ “bị hiểu nhầm”.

Nữ tác giả của nghiên cứu trên là Rachel Sturm, một chuyên gia thuộc Đại học Wright của bang Ohio (Mỹ), cho biết: “Khi lãnh đạo nam trong công ty nói rằng họ không thích tuyển nhân viên nữ nữa, rằng họ không muốn cử nhân viên nữ đi công tác xa nữa, rằng họ muốn tách nhân viên nữ khỏi các hoạt động cộng đồng, thì đó là một bước lùi (của phong trào #MeToo) rồi”.

Các dẫn chứng cụ thể từ nghiên cứu này là, những tháng tiếp theo sau khi phong trào #MeToo được khởi xướng vào mùa thu năm 2017, các nhân viên nam trong các công ty tỏ ra e dè thấy rõ khi có việc phải tiếp xúc làm việc với đồng nghiệp nữ.

Và các số liệu thu thập được vào đầu năm 2019 cho nghiên cứu có tên “The #MeToo Backlash” đã có thể chứng minh được tính chất “khắc nghiệt” của phong trào này.

Ở một khía cạnh khác mang tính lý luận hơn, nghiên cứu trên cũng đã chỉ ra rằng cả hai giới nam và nữ đều có cách đánh giá gần như tương đồng nhau về khái niệm “thế nào là quấy rối tình dục”.

Lấy ví dụ, cả nam và nữ đều có chung nhận định như sau: nếu một ông sếp mà cứ lặp đi lặp lại lời mời một nữ nhân viên dưới quyền (để cùng nhau đi đâu đó) khi mà cô ấy đã khéo léo từ chối từ những lời mời đầu tiên thì đích thị ông sếp này đã “quấy rối” rồi!

Cả nam và nữ cũng đều có chung nhận định khi nào là sếp có những lời bông đùa ngụ ý “gợi dục” đối với nữ nhân viên cấp dưới.

Tác giả Leanne Atwater chỉ ra: “Đa số nam giới và nữ giới đều biết chính xác đâu là giới hạn để không phạm phải hành động quấy rối tình dục. Nếu nói rằng tự bản thân đàn ông không biết đâu là điểm dừng trong giao tiếp với phụ nữ, rồi vô tình có những hành vi sai lệch, là nói sai. Hoặc nói phụ nữ luôn quan trọng hóa vấn đề, luôn việc bé xé thành to, thì cũng nói sai luôn”.

Có nghĩa là cả hai giới nam và nữ đều ý thức được chính xác đâu là “quấy rối”, đâu là “giao tiếp xã giao”, chứ không cần phải đến #MeToo thì họ mới hiểu để đề phòng.

Hai tác giả của nghiên cứu trên cũng đưa ra khuyến cáo gửi đến những tổ chức hay đội nhóm tuyên truyền hạn chế nạn quấy rối tình dục.

Theo các tác giả, cách tuyên truyền theo kiểu truyền thống xem ra không mang lại hiệu quả, bởi lẽ các thuyết trình viên thường là thuyết giảng cho nam nhân viên hiểu được những hành động như thế nào được xem là quấy rối tình dục, trong khi đó là những hành động mà đa số nam giới đã “thực hiện” rồi!

Thay vào đó, hai tác giả nêu ý kiến rằng các doanh nghiệp nên tổ chức các đợt tập huấn cho nhân viên hiểu rõ thế nào là khái niệm phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ và nên có thái độ như thế nào mới phù hợp trong giao tiếp xã hội.

Bởi lẽ, những số liệu thống kê cho thấy những đối tượng nam giới nào có sẵn “tố chất” xem thường phụ nữ thì họ rất dễ có hành động tiêu cực khi tiếp xúc với nữ giới. Suy nghĩ thế nào thì ra hành động thế đấy mà thôi.

Cho nên, hai tác giả nghiên cứu hi vọng rằng những đợt tập huấn về chủ đề trên nên thiết thực hơn để có thể làm thay đổi thái độ ứng xử của những đối tượng nam giới “cá biệt” này.