Vì sao &quotlót tay&quot cầu thủ V.League cao ngất ngưởng, vượt xa lương?

Hôm 7/4 vừa qua, các cầu thủ của CLB TP.HCM bỏ tập để phản đối chuyện bị lãnh đạo cắt giảm tiền lót tay. Đây là nguồn thu chính với một cầu thủ ở Việt Nam, chứ không phải tiền lương.

12 cầu thủ CLB TP.HCM không tham gia buổi tập chiều 7/4 trên sân Lion, Phú Thọ, TP HCM. Ảnh: Tuấn Thành

Còn ở Anh, để chiêu mộ cầu thủ, một CLB sẽ phải chuẩn bị nhiều khoản phí khác nhau như phí chuyển nhượng, lương, bản quyền hình ảnh cầu thủ, hoa hồng cho người đại diện, phí lót tay, phí trung thành và tiền thưởng dựa theo thành tích thi đấu. Trong đó, phí chuyển nhượng được CLB mua trả cho CLB bán để sở hữu quyền đăng ký cầu thủ. Bản quyền hình ảnh cầu thủ là khoản tiền CLB mua trả cho cầu thủ để hưởng một phần, hoặc toàn phần, lợi nhuận từ việc khai thác thương hiệu cầu thủ. Lót tay trả cho cầu thủ hàng năm hoặc nửa năm một lần. Còn phí trung thành thường trả khi cầu thủ đạt được số năm thi đấu nhất định với đội bóng.

Theo luật sư thể thao Daniel Geey, phí chuyển nhượng thường chiếm 49% tổng số tiền CLB mua phải chuẩn bị khi chiêu mộ cầu thủ. Tiền lương theo số năm hợp đồng chiếm 36%, bản quyền hình ảnh 7%, lót tay và trung thành 4%. Hoa hồng và tiền thưởng chiếm 4% còn lại. Như vậy phí lót tay và trung thành chiếm khoảng gần 12% tiền lương.

Tất nhiên có những trường hợp đặc biệt. Theo tờ Athletic, gần đây cầu thủ châu Âu có xu hướng ký hợp đồng ngắn hạn hơn, và thi đấu cho đến hết hợp đồng để ra đi theo dạng tự do. Khi đó, CLB mua sẽ không phải trả phí chuyển nhượng cho đội bán. Do bớt được khoản phí chiếm tỷ trọng cao nhất này, CLB mua có thể tăng các khoản phí còn lại để thu hút cầu thủ và người đại diện.

Hè 2021, siêu sao Lionel Messi hết hợp đồng với Barcelona và gia nhập PSG theo dạng tự do. Athletic cho biết Messi nhận lương 25 triệu euro (khoảng 27 triệu USD) sau thuế mỗi mùa. Ngoài ra anh còn nhận được khoản lót tay 25 triệu euro cho hai năm hợp đồng. Thuế thu nhập cho người giàu ở Pháp có thể lên tới gần 50%, tức là PSG phải trả Messi 100 triệu euro tiền lương cho hai năm hợp đồng. Lót tay trong trường hợp này vẫn chiếm tới 25% tiền lương.

Lót tay và lương về lý thuyết không khác nhau nhiều, khi đây là số tiền trả cho cầu thủ theo kỳ hạn nhất định để tạo động lực. Nếu như lương thường trả theo tháng, lót tay không có kỳ hạn cụ thể. Cầu thủ có thể nhận theo từng năm, từng tháng hoặc nhận “một cục” ngay ở thời điểm ký hợp đồng. Điều này dựa trên thoả thuận giữa cầu thủ và CLB.

Không có lý giải trọn vẹn nào cho việc phân biệt hai khoản phí này. Theo chuyên gia đầu tư Mark Henricks của Smart Asset, thuế đánh vào lót tay thường thấp hơn lương, nhưng cũng tuỳ vào từng quốc gia.

Chẳng hạn ở Hà Lan, khoản lót tay chuyển nhượng bị đánh thuế, còn phí chuyển nhượng thì không. Năm 1998, tiền đạo Michael Laudrup ký hợp đồng với CLB Celik Zenica ở Bosnia theo dạng tự do, nhưng không chơi trận nào. Chỉ sau vài ngày, Ajax chiêu mộ Laudrup từ Zenica với phí chuyển nhượng 1,95 triệu USD. Như vậy Ajax không phải trả thuế cho phí chuyển nhượng này theo quy định của Hà Lan. Trong khi khoản 1,95 triệu USD đó không hề đến tay Zenica, mà được chuyển cho Laudrup. Đó là cách để Ajax trốn thuế, nhưng hành vi này bị phát hiện năm 2001, khiến cả Ajax lẫn Laudrup đều bị phạt.

Tại Việt Nam, tiền lót tay nếu được ghi trong hợp đồng có thể dưới những hình thức khác nhau để giúp CLB giảm tiền nộp thuế hay bảo hiểm xã hội. Nhưng cũng không loại trừ khả năng khoản tiền này không xuất hiện trong hợp đồng. Cựu Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn từng nói rằng tổ chức này không thể kiểm soát được giao kèo giữa CLB và cầu thủ.

Ở V-League, cầu thủ thường kiếm nhiều hơn từ lót tay, nếu so với lương. Năm 2019, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết gia hạn hợp đồng thêm ba năm với Hà Nội. Anh nhận 60 triệu đồng mỗi tháng lương, và 9 tỷ tiền lót tay. Trong ba năm, tiền lương của Văn Quyết không vượt quá 2,2 tỷ đồng, chỉ chiếm chưa đến 25% lót tay. Tỷ lệ này ngược với Messi hay các hợp đồng điển hình ở Ngoại hạng Anh.

Trường hợp như Văn Quyết không hiếm tại V-League, đặc biệt với những cầu thủ trụ cột. Năm 2010, Đồng Tháp giữ chân thủ môn Bùi Tấn Trường với lót tay cao gấp 3,5 lần tiền lương. Hay đầu năm 2022, Quế Ngọc Hải trở lại SLNA với khoản lót tay gần 10 tỷ đồng trong ba năm, tương đương hơn 270 triệu đồng mỗi tháng.

Quế Ngọc Hải (thứ hai từ trái sang) mừng bàn ngay trận đầu trở lại sân Vinh hôm 1/3, sau khi ký hợp đồng với SLNA đầu năm 2022 với lót tay gần 10 tỷ đồng trong ba năm. Ảnh: Lâm Thoả

Việc trả lót tay ngất ngưởng so với tiền lương ở Việt Nam xuất hiện từ năm 2007, khi ông bầu Hoàng Mạnh Trường mạnh tay chiêu mộ cầu thủ cho Ninh Bình. Dù chỉ chơi ở hạng Nhất, Ninh Bình chiêu mộ trung vệ Nguyễn Huy Hoàng theo dạng tự do, sau khi anh hết hợp đồng. Ninh Bình trả cho Huy Hoàng 1,8 tỷ lót tay cho hợp đồng ba năm, kèm lương 30 triệu đồng một tháng. Lương của anh chỉ tương đương 60% lót tay. Ngoài ra họ còn trả cho trung vệ Cao Xuân Thắng hay tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng lót tay lên tới 10 chữ số.

Kể từ đó, các CLB cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng chủ yếu bởi khoản lót tay. Những cầu thủ càng giỏi, càng nổi tiếng sẽ được lót tay cao hơn. Trong đó năm 2011, Lê Công Vinh chuyển từ Hà Nội T&T sang CLB Hà Nội với lót tay được cho là 11 chữ số.

Việc trả lương quá cao cho cầu thủ có thể khiến các nhân viên khác trong doanh nghiệp phẫn nộ. Công nhân Fiat từng đình công khi Juventus trả Ronaldo tiền lương lên tới 31 triệu euro, sau thuế. Số tiền này cao gấp 3,9 lần cầu thủ nhận lương cao thứ hai Serie A khi đó.

VPF từng cấm các CLB trả lót tay cầu thủ từ năm 2013, nhưng quyết định này không đem lại hiệu quả. Đôi khi khoản tiền lót tay được trả chỉ dựa theo thoả thuận miệng, và không ghi vào hợp đồng. Điều này VPF không thể kiểm soát được. Và khi đó cầu thủ hay CLB cũng không phải nộp thuế từ tiền lót tay.

Nhưng đến khi tranh chấp nổ ra, cầu thủ lại dễ rơi vào thế yếu do không có gì làm bằng chứng.

Luật sư Vũ Tiến Vinh – Công ty luật Bảo An – nói với VnEpxress: “Trường hợp khoản lót tay không thể hiện trong hợp đồng lao động giữa CLB và cầu thủ thì khi có tranh chấp, các cầu thủ cũng không thể đòi được khoản tiền này do không có căn cứ. Trên thực tế đây có thể là một thông lệ. Nhưng khi giải quyết tranh chấp thì bắt buộc phải xem xét đến hợp đồng giữa hai bên và việc giải quyết phải tuân theo quy định của pháp luật”.

Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã muốn loại bỏ tiền lót tay từ lâu, nhưng đây vẫn là bài toán đang chờ lời giải.