Ốc sên – lợi và hại

Làm thuốc?

Tuy nhiên sách Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam (GS. Đỗ Tất Lợi), Nam dược thần hiệu (Tuệ Tĩnh), Hải Thượng y tông tâm lĩnh (Hải Thượng Lãn Ông) qua bản dịch, Thiên gia diệu phương (Trung Quốc – Thư viện y học Trung ương dịch), Từ điển động vật khoáng vật làm thuốc (Võ Văn Chi) không thấy ghi dùng chữa các bệnh này. Bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn H. pylori gây ra, chữa bằng kháng sinh kết hợp với chất ức chế tiết dịch vị. Chưa thấy tài liệu khoa học cho biết ốc sên chứa kháng sinh, chất chống tiết dịch vị. Cũng chưa thấy tài liệu khoa học chứng minh ốc sên làm tăng sinh lực.

Làm thực phẩm?

Ốc sên là loại nhuyễn thể (thân mềm) có 2 xúc tu (râu), toàn thân bao bọc bởi một lớp chất nhày, nằm gọn trong lớp vỏ cứng. Thịt có thành phần dinh dưỡng cao: protein 11% (sò: 8%, trai: 4,6%, hến: 4,5%) trong đó có các acid amin cần thiết leucin, alanin, valin, glutanuic, aspartic; đường 6,2%, trong 100 g có 150 mg calci, 71 mg phosphor. Ở Pháp hay dùng thịt ốc sên chế biến như sau: chà xát kỹ với muối để loại nhớt, trộn chung với bơ, tỏi, hành hương, củ hành tím, tiêu, muối, rồi giã nhuyễn, sau đó cho hỗn hợp này vào lại trong vỏ ốc đã làm sạch, nướng lại trong lò, trong 10 phút, ăn lúc còn nóng. Còn ở nước ta ăn ốc sên bằng cách: làm sạch nhớt (như ở Pháp) hoặc ngâm với nước vo gạo (qua đêm) rồi xào với chuối (có vị chát), gia vị khác (có mùi thơm), ăn lúc còn nóng.

Khả năng gây bệnh của ốc sên Ốc sên có chứa ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis (một loại giun tròn), vào cơ thể gây viêm não, màng não cấp tính. Triệu chứng thường thấy, nhẹ thì sốt, đau đầu; nặng thì sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn mửa, chướng bụng, bí tiểu,viêm dây thần kinh gây liệt mặt, nhìn đôi, rối loạn cảm giác, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong hay để lại di chứng não. Tại nước ta trước đây, do điều kiện phát hiện ấu trùng hạn chế, do tuyến dưới chưa nắm rõ triệu chứng lâm sàng nên chẩn đoán không ra, ít thấy ghi nhận. Nhưng vài năm gần đây, Bệnh viện bệnh nhiệt đới (TP.HCM) có tiếp nhận một số người bệnh từ các tỉnh (chủ yếu Đông Nam bộ) gửi về, thường khá muộn, nên có ca tử vong, có ca để lại di chứng não (sống đời sống thực vật).

Thay lời kết

Một số thủy hải sản (ốc, tôm, cua, cá, thực vật thủy sinh) đều có ấu trùng gây bệnh. Chẳng hạn sán lá gan lớn Fasciola (Gigantica hepatica) có trong cá nước lợ, trong các loại rau thủy sinh (xà lách xoong, ngỗ, rau om, rau cần, ngó sen); sán lá gan nhỏ Clonorchis có ở vây cá nước ngọt (rô, diếc, chép, trắm, trôi)… rồi thành ấu trùng dạng nang (metacercaria), gây bệnh sán lá gan cho người. Ốc sên chứa Angiostrongylus cantonensis không phải cá biệt. Tuy nhiên, không vì thế mà coi ốc sên là loại độc hại, vẫn có thể dùng chúng làm thực phẩm, nếu cần có thể nuôi (cho loại sạch hơn tự nhiên, như ở Paris, có trang trại nuôi 50.000 con; hay ở Bulgari có trang trại nuôi 1.000.000 con lấy thịt xuất khẩu). Tốt nhất là cần chế biến thành món ăn sạch và chín; không được ăn sống (gỏi) hay tái…