Đá khô nguy hiểm thế nào? Những lưu ý khi sử dụng

Đá khô hay còn gọi là băng khô, đá khói, nước đá khô, băng khói, đá CO2, là một dạng rắn của cacbon dioxit (CO2). Đá khô được sản xuất bằng cách nén khí dioxit cacbon thành dạng lỏng, loại bỏ nhiệt gây ra bởi quá trình nén và sau đó cho dioxit cacbon lỏng giãn nở nhanh. Sự giãn nở này làm giảm nhiệt độ và làm cho một phần CO2 bị đóng băng thành “tuyết”, sau đó “tuyết” này được nén thành các viên hay khối.

Nhiều người ưa chuộng đá khô hơn đá lạnh thông thường bởi giá của nó không quá đắt, lại có khả năng giữ lạnh tốt hơn nhiều so với đá lạnh làm từ nước. Đá khô có độ lạnh rất sâu nên ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, dùng bảo quản hạt giống khô, ngũ cốc, bột… rất tốt. Loại đá này được sử dụng nhiều để làm lạnh thực phẩm, bảo quản mô sinh học, thiết bị y tế, phục hồi vết lõm trên bề mặt kim loại, sử dụng để vệ sinh máy móc công nghiệp… Nhưng trên hết, người ta sử dụng đá khô nhiều trong bảo quản thi hài.

Ảnh minh họa

Khi không sử dụng đúng cách…

Mặc dù rất hữu ích nhưng việc bảo quản và dùng sai cách có thể biến đá khô thành thứ cực nguy hiểm cho người dùng.

  • Bỏng lạnh do đá khô: Đá khô rất lạnh! Nó có khả năng gây bỏng da thậm chí chỉ trong vài giây. Khi cầm vào những viên đá này có thể khiến người cầm bị bỏng. Lâu hơn nữa, đá khô sẽ gây chết tế bào, hoại tử.
  • Đá khô gây ngạt thở: Đá khô bốc hơi thành khí carbon dioxide. Mặc dù carbon dioxide không độc hại nhưng nó có thể làm thay đổi tính chất hóa học của không khí như làm giảm nồng độ (tỷ lệ %) oxy trong không khí. Điều này không phải là vấn đề lo ngại ở những khu vực được thông gió tốt, nhưng nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở những không gian kín. Ngoài ra, khi khí carbon dioxide lạnh chìm xuống sàn của một căn phòng, nồng độ khí carbon dioxide tăng có nhiều khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe cho vật nuôi và trẻ em hơn là người lớn, bởi trẻ em hoặc vật nuôi có sự chuyển hóa cao hơn và chúng ở gần với sàn nhà hơn, nơi có nồng độ carbon dioxide cao nhất. Nếu tình trạng kéo dài, người/ vật nuôi hít phải có nguy cơ tử vong.
  • Nguy cơ nổ: dùng không đúng cách, loại đá này còn có khả năng phát nổ. Đá khô không gây cháy hoặc nổ, nhưng nó tạo ra áp suất do chuyển từ trạng thái đá khô rắn sang trạng thái khí carbon dioxide. Nếu đá khô được đặt vào một thùng bịt kín thì sẽ có nguy cơ vỡ thùng hoặc bật tung nắp thùng khi bạn mở nó. “Quả bom đá khô” tạo ra tiếng động rất lớn, làm bắn ra các mảnh thùng và mảnh đá khô. Bạn có thể bị tổn hại thính giác hoặc bị tổn thương do thùng đựng đá khô. Các mảnh đá khô cũng có thể găm vào da.

Những lưu ý khi sử dụng

  • Không nên chạm tay trực tiếp vào đá khô mà nên dùng kẹp, găng tay… Nếu chẳng may bị dính vào da, tốt nhất nạn nhân nên đổ nước nhiều để đá khô tự bong ra, thay vì dứt bỏ đá khô ra khỏi làn da sẽ có nguy cơ lột da, gây tổn thương nguy hiểm.
  • Không ăn đá khô. Nếu bạn sử dụng đá khô để làm mát đồ uống thì hãy cẩn thận rằng bạn không được vô tình ngậm phải mẩu đá khô trong miệng hoặc không được vô tình nuốt phải chúng.
  • Sử dụng đá khô nơi thông gió, thoáng khí.
  • Để tránh nguy cơ cháy nổ, không để đá khô trong chai, lọ hoặc thiết bị làm mát bịt kín. Tốt nhất nên bọc đá khô trong một túi giấy và để vào tủ lạnh hoặc thiết bị làm lạnh không bịt chặt chẽ. Cần bảo quản đá khô trong thùng xốp cách nhiệt, để nơi nhiệt độ thấp, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lan Uyển (t/h)