Lưu ngay núi gì thánh gióng đứng bay lên trời hot nhất hiện nay 2023

Quần thể di tích đền Sóc trải từ chân núi lên đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thời vua Lê Đại Hành, vào khoảng năm 980. Giữa một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi, đền Sóc mang vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm vừa thơ mộng, thoáng đãng khiến cho không ít khách du lịch ngỡ ngàng, thích thú: bước chân đi dưới những hàng cổ thụ râm mát, trong làn khói hương trầm thơm ngát mà như lạc bước vào xứ sở huyền thoại thuở nào.

Người xưa có câu thơ về đền Sóc và Thánh Gióng:

Sóc Sơn là ngọn núi nào Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.

Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Nhà vua sai người đi tìm người tài giỏi giúp nước cứu dân. Ở làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) có cậu bé tên Gióng lên ba mà vẫn không biết nói, chẳng biết cười. Khi nghe tin có giặc, cậu bỗng cất tiếng gọi mẹ mời sứ giả vào, xin vua đúc cho ngựa sắt, áo giáp sắt, gậy sắt để đánh đi giặc cứu nước. Nhà vua bèn sai thợ cùng dân làng ngày đêm rèn, đúc và cho người mang đến. Sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn nước một khúc sông, cậu bé vươn mình thành một trang nam nhi, mặc áo giáp, tay cầm gậy sắt nhảy lên mình ngựa. Ngựa sắt hí vang, phun lửa, xông vào quân giặc, giặc chết như rạ. Gậy sắt gẫy, chàng Gióng nhổ bụi tre ngà đánh đuổi quân giặc. Giặc tan, đến chân núi Vệ Linh, Gióng cởi áo giáp để lại ngang núi rồi phi ngựa lên đỉnh núi bay về trời. Tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng đã lập miếu thờ với tên hiệu là “Đổng Thiên Vương”.

Đến cuối đời Đinh, đầu đời Lê, giặc Tống sang xâm lược nước ta, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc, đi qua núi Vệ Linh, nghe nói có ngôi miếu thờ Đổng Thiên Vương rất thiêng, vua tôi vào làm lễ cầu xin ngài phù hộ. Ngày hôm sau, đánh đến đâu, giặc tan đến đó. Biết rằng lời cầu nguyện tại miếu đã linh ứng, đánh giặc xong, vua tôi về lễ tạ. Vua sai người lấy gốc cây trầm hương làm cốt để đắp tượng ngài và cho xây khu đền như ngày nay. Đồng thời phong thêm hai chữ cho ngài là “Phù” và “Thiên”, tên của ngài được thờ tại đền Sóc là “Phù Đổng Thiên Thiên Vương”. Ngài được thờ hai bát hương: Bát hương đá thời Hùng Vương thứ sáu và bát hương đồng thời Lê.

Đến nay, trải qua 13 lần phục chế, trùng tu lớn nhỏ nhưng khu di tích vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc, quy mô và vị trí của các công trình như: đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, chùa Non Nước, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời, tượng đài Thánh Gióng và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tồng thể hài hòa, sống động.

Đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng bằng những gốc đa xù xì. Đặc biệt trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những hoạ tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Bên cạnh đền Trình là chùa Đại Bi với mái vòm uốn cong hai đầu, những cánh cửa nguyên màu sơn son, hoành phi, câu đối thếp vàng đẹp lộng lẫy và uy nghiêm, tạo cho nếp chùa tuy nhỏ nhưng vẫn mang vẻ độc đáo, riêng biệt. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, ẩn mình dưới bóng cổ thụ hàng trăm năm. Cảnh đền thanh tịnh, nghi ngút khói hương. Phía sau bức tường đền được phủ bởi những lớp đá cuội lồi lõm, gợi cảm giác huyền bí, cổ xưa.

Đền Thượng thờ Thánh Gióng là ngôi đền lớn, có cách bài trí sắp xếp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, tạo ra sự linh thiêng nơi thờ cúng. Bên ngoài ngôi đền gồm 5 gian hai chái, phía trong là hậu cung nơi đặt tượng thờ Phù Đổng Thiên Thiên Vương cùng bốn vị quan đã từng phò giúp ngài.

Nằm trong quần thể khu di tích đền Sóc, Chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự là một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Chùa nằm ở độ cao hơn 110 m so với chân núi, vốn xây dựng trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê. Theo phong thuỷ, chùa đặt ở nơi có thế long chầu, hổ phục, nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo Ðại Việt Sử ký toàn thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa này tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Ðinh – Lê – Lý). Ngôi chùa này cũng là nơi tọa lạc của pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam. Tượng nặng 30 tấn cao hơn 8m (kể cả bệ đá), được đặt ở chính giữa nền chùa, sừng sững, uy nghi như tăng thêm vẻ thâm nghiêm cổ kính.

Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi cao 302m so với mực nước biển, tương truyền, đây chính là nơi Thánh Gióng cởi áo giáp thăng thiên hóa thánh. Tượng nặng 85 tấn đồng được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giữa khung cảnh trời đất bao la, tượng đài Thánh Gióng uy nghi, tay cầm gậy thân tre, trên lưng tuấn mã bay vút lên trời xanh. Với vị trí ấy, Ngài có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần “hộ quốc an dân” trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long – Hà Nội. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, bốn bề là một màu xanh ngút ngát của rừng cây, ao hồ, ruộng đồng bao la, trong lòng mỗi người trào dâng niềm tự hào về quá khứ hào hùng và tình yêu quê hương, đất nước tươi đẹp.

Hàng năm, cứ đến ngày 6-7-8 tháng Giêng Âm lịch, dân làng mở hội đền Sóc với nhiều nghi lễ cổ xưa, mang đậm nét văn hoá dân tộc, được tái hiện lại trong lễ khai mạc ngày 6 tháng Giêng. Theo truyền thống, nhân dân 8 thôn thuộc 6 xã quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc… thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc.

Điều đặc biệt nhất ở lễ hội giàu chất huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre. Để tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng đã vót những dóng tre dài thành những bông hoa tre và đặt lên cây kiệu với hàng ngàn bông rước về tấu tại sân Đền Thượng vào ngày 6 tháng Giêng trong giờ khai hội đền Sóc. Hoa tre đã trở thành lộc thánh cho mỗi khách du lịch về hành hương và tham quan khu di tích. Ai có được hoa tre sẽ có một năm sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Gióng đền Sóc ngày càng thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Có lẽ không giống như những đền chùa mịt mù khói hương khác, đền Sóc gần gũi mà vẫn uy nghiêm. Đền mang dáng dấp của một quần thể di tích tự nhiên, hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng. Khách đến hành hương không chỉ cúng lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn được thưởng ngoạn cảnh quan tươi đẹp và tận hưởng bầu không khí trong lành của rừng cây, hồ nước vùng đất bán sơn địa.

Cùng với đền thờ ở làng Phù Đổng (Gia Lâm – Hà Nội), đền thờ Thánh Gióng ở Sóc Sơn sẽ mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, di sản văn hóa quốc gia. Một lần đến với Sóc Sơn, đến với chốn linh thiêng thờ Thánh Gióng-một huyền thoại sống động, bất tử trong tâm thức của biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, ta thêm hiểu, thêm yêu mến mỗi cảnh sắc quê hương.

Nguồn: Báo Quê Hương