CÁC VẤN ĐỀ LO LẮNG THƯỜNG GẶP CỦA NGƯỜI ĐI HIẾN MÁU

Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý giá. Hàng nghìn người không may mắn đang hy vọng chờ có máu để được cứu sống. Với tinh thần “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mỗi đơn vị máu mà bạn hiến tặng sẽ góp phần cứu sống một cuộc đời, nên đừng chần chờ khi bạn đủ điều kiện để hiến tặng máu.

Đối với người chưa từng hiến máu sẽ hoang mang không biết có nên hiến tặng không vì lo cho sức khỏe của bản thân sẽ bị ảnh hưởng. Bạn hãy yên tâm, trước khi hiến tặng máu bạn sẽ được sàng lọc ban đầu qua chỉ số cân nặng (trên 45kg), lứa tuổi (Nam: 18-60 tuổi, nữ: 18-55 tuổi), huyết áp (tối đa: 100-140 mmHg, tối thiểu: 60-90 mmHg), nếu các điều kiện này được thỏa mãn thì lượng máu hiến 250ml hoặc 350ml chỉ tương đương 7-8% tổng lượng máu cơ thể nên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đồng thời lượng máu sẽ được phục hồi nhanh, cơ thể tự sẽ sản sinh ra một lượng máu để bù đắp, lượng máu của cơ thể được trẻ hóa, có sức đề kháng làm cơ thể khỏe mạnh hơn. Khoảng cách tối thiểu giữa hai lần hiến máu là 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ nên cơ thể hoàn toàn đủ thời gian để tái tạo lượng máu mới. Một vấn đề lo lắng thường gặp nữa đối với người hiến máu là có thể bị nhiễm bệnh khi hiến máu hay không? Kim lấy máu được vô trùng và chỉ sử dụng một lần, quy trình kỹ thuật đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của ngành y tế nên việc lây nhiễm các bệnh qua đường từ người này sang người khác là không thể xảy ra. Chẳng những thế, khi tham gia hiến máu bạn sẽ được xét nghiệm nhóm máu và sàng lọc 5 loại bệnh: giang mai, sốt rét, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HIV kết quả xét nghiệm được gửi riêng cho bạn.

Nếu bạn thuộc các trường hợp sau không nên đi hiến máu: người nhiễm HIV, viêm gan B hoặc C, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bệnh lao, bệnh nội tiết như bướu cổ, đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết,.. các bệnh về máu và cơ quan tạo máu, các bệnh làm rối loạn hấp thu như căt đoạn ruột, cắt đoạn dạ dày..và các bệnh ác tính. Tạm hoãn hiến máu đối với các trường hợp phụ nữ đang có kinh nguyệt trong ngày hiến máu, đang mang thai hoặc cho con bú, đang bị cảm cúm hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh, mới được chích ngừa chưa được 3 tháng, bị vết thương, vết cắt chưa được 01 tháng và các bệnh ngoài da.

Khi đủ điều kiện trước khi đi hiến máu cần lưu ý không nên thức khuya, không uống rượu bia và không uống sữa trước khi hiến máu, mang chứng minh nhân dân khi tham gia hiến máu. Ngay sau khi hiến máu xong giơ cao tay, lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính, thay miếng bông hoặc băng dính khác và chỉ nên gỡ ra sau 4-6 giờ, chỉ rời điểm hiến máu khi thấy thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế, uống nhiều nước, nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn nên nằm nghỉ 10-15 phút. Hai ngày đầu sau hiến máu có thể xuất hiện vết bầm tím tại chỗ nên chườm lạnh, sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn, sau đó có thể tiếp tục chườm nóng.

Hạn chế các hoạt động thể lực nặng, gắn sức, trong hai ngày đầu, các hoạt động hoặc trò chơi mang tính đối kháng tốn nhiều thể lực: tập tạ, đá bóng, leo trèo cao… hoặc thức quá khuya. Tránh sử dụng rượu bia trong ngày đầu sau khi hiến máu. Chế độ ăn uống như bình thường, tăng cường sử dụng thêm các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa… Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể./.

Trương Thị Kiều Hoa- TTYT huyện Phú Tân