Những bài văn hay về ngày quốc tế phụ nữ

Tháng 3 lại đến, cũng là thời điểm chúng ta hân hoan chào đón ngày lễ mùng 8 tháng 3, là dịp để chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như vai trò vô cùng quan trọng của phụ nữ trong cuộc sống. Nhân dịp kỉ niệm ngày 8/3 năm 2022, Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp những bài viết về ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 hay và ý nghĩa. Mời các bạn cùng tham khảo.

  • Thiệp chúc mừng 8-3 đẹp nhất 2022

8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ, là dịp để mọi người thể hiện tình cảm của mình đến với những người phụ nữ mà mình yêu quý. Hãy cùng tham khảo những bài viết hay về ngày Quốc tế phụ nữ trong bài viết này của Hoatieu nhé.

1. Bài viết hay về ngày Quốc tế phụ nữ

Một khúc giao mùa tháng 3 nữa lại về, tháng 3 với những âm vang của sắc xuân tràn ngập trên mỗi nẻo đường, dòng sông, đồng cỏ…là khi con người cảm nhận được không khí ấm áp rạng rỡ của đất trời. Cũng là thời điểm chúng ta hân hoan chào đón ngày lễ mùng 8 tháng 3, ngày lễ mà chúng ta có dịp ôn lại truyền thống và vẻ đẹp của người phụ nữ, để từ đó chúng ta càng thêm tự hào ngợi ca, tôn vinh họ.

Người phụ nữ Việt Nam trải qua bao nhiêu thế hệ đã chạm khắc nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Họ trở thành những huyền thoại, những điển hình nghệ thuật bất hủ, những tuyệt khúc thiên thu mà tạo hóa đã dành tặng cho nhân loại. Họ không chỉ làm nên một nữa cuộc đời mà chính họ đã làm nên một cách trọn vẹn sâu sắc vẻ đẹp của thế giới. Với tất cả ý nghĩa đó tôi xin gửi lời chúc nồng nàn, sâu sắc nhất đến quý mẹ, quý chị, quý em đặc biệt là những người phụ nữ đã và đang công tác tại Trường THPT Phú Bài

Nhà thơ Huy Cận đã từng viết:

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử

Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ…

Người phụ nữ đã trở thành một phần của lịch sử, họ tạo nắng cho nhân gian và tạo nắng cho thơ, họ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca hội họa, và ở phương diện nghệ thuật nào họ cũng hiện lên một cách đẹp đẽ, đầy tỏa sáng.

Nhà văn VichtoHuygô từng nhận xét: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”. Từ xưa đến nay, vẻ đẹp ấy của người phụ nữ đã từ đời thường mà rạng rỡ tỏa sáng trong văn học nghệ thuật. Từ thơ ca dân gian cho đến văn chương bác học cao sang đều khắc hoạ hình tượng người phụ nữ với đức tính cao cả chịu thương chịu khó, thuỷ chung son sắt, nhẫn nại hy sinh, đảm đương nhiều vai trò: Trong gia đình là người vợ yêu chồng, người mẹ thương con, trong xã hội là người biết cống hiến, biết đấu tranh và dám hy sinh. Vẻ đẹp của người phụ nữ mọi thời đại kết tinh ở tâm hồn vừa dạt dào yêu thương vừa can trường bất khuất, vì vậy đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều tác phẩm văn chương. Những hình tượng nhân vật giàu sức sống nhất trong văn chương xưa nay là những người phụ nữ như thế: là nàng Vũ Nương trong sạch tuyết trinh, là nàng Kiều dẫu số phận chìm nổi lênh đênh vẫn “trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, là những người con gái thanh niên xung phong đã “lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom”, và còn biết bao hình tượng như thế nữa trong văn học. Vì thế, không gì ý nghĩa và nhân văn hơn khi suốt hơn một thế kỷ qua, thế giới đã dành ngày 8/3 để tôn vinh phụ nữ.

Ngày lễ 8/3 hằng năm trở thành ngày lễ ý nghĩa và trọng đại đối với những người phụ nữ, bởi chính họ đã góp những sắc màu kì diệu cho cuộc sống đầy tươi đẹp. Một lần nữa xin gửi lời chúc mừng trân trọng và sâu sắc nhất đến các cô giáo đã và đang công tác ở trường THPT Phú Bài nói riêng và toàn thể phụ nữ trên đất nước nói chung, chúc quý mẹ quý chị, các em một ngày lễ đầy ý nghĩa và tràn ngập tình yêu thương.

2. Bài viết hay về mẹ ngày 8/3

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nữa lại về rồi, đây là ngày để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và cũng chính là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, thể hiện tình yêu thương của mình đối với các bà, các mẹ, các chị, các cô,… Vâng! Mỗi khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, chắc hẳn rằng người đầu tiên mà các bạn nghĩ đến đó chính là mẹ phải không nào. Và tôi cũng vậy, đối với tôi, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất.

Con là một đứa con gái xa nhà đã bao lâu nay, có lẽ vì tính chất công việc nên không thường xuyên về thăm mẹ được, mong mẹ thông cảm cho con. Nhưng mẹ ơi, mặc dù ở một nơi xa, nhưng con vẫn luôn nhớ về mẹ, một người phụ nữ luôn hi sinh hết mình vì con cái, vì gia đình. Mẹ biết không, quãng thời gian xa nhà là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với con. Con cảm thấy mình lạc lõng khi những lúc cô đơn, không có mẹ ở bên ấp ủ chăm sóc. Con hụt hẫng khi căn nhà thiếu vắng đi giọng nói, tiếng cười của mẹ. Có rất nhiều lúc, vì áp lực công việc, cuộc sống, con chỉ muốn quay về bên mẹ. Nhưng con đã không làm điều đó, vì chính mẹ là nguồn động lực để tiếp thêm cho con sức mạnh bước tiếp trên đường đời.

Hôm nay là ngày 8/3, là ngày của mẹ, nhưng con lại không thể ở bên mẹ. Xin lỗi mẹ. Thật lòng con rất muốn quay về với mẹ, nhưng vì tính chất công việc con không thể, xin mẹ hãy thông cảm cho con. Lúc này, con chỉ biết chúc mẹ có một ngày 8/3 vui vẻ và hạnh phúc bên bố và mọi người. Chúc mẹ có thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc để luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con và gia đình. Yêu mẹ của con thật nhiều.

3. Cảm nghĩ về ngày 8/3

Mỗi lần sắp đến ngày 8/3 tôi lại được nghe những chương trình chuyên đề về ngày lễ này cùng những buổi hội họp nhằm tôn vinh phụ nữ.

Đây là ngày lễ Quốc tế phụ nữ, ở nước ngoài thì không biết như thế nào, nhưng ở Việt Nam người ta thường hô hào thanh niên, nam giới phải đặc biệt chú trọng đến mẹ, đến vợ mình trong ngày lễ kỷ niệm này.

Hãy dành cho họ những món quà thật dễ thương, hãy chia sẻ với họ công việc nhà hôm đó để họ rảnh rang tung tăng đây đó.

Một ngày lễ thật ý nghĩa dùng để bày tỏ sự biết ơn của chồng, của con, với những người vợ, người mẹ luôn nhọc nhằn trong công việc vì họ… những cô gái chưa chồng cũng được ăn theo vì là phụ nữ, và được người yêu chăm sóc cẩn thận hơn, ưu ái hơn mặc dù trước đó họ vẫn được chăm sóc vì là “người yêu”.

Nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình: Thật là vất vả! Nếu như ngày trước, người chồng đi làm kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, người vợ ở nhà chăm sóc con cái, bếp núc giặt giũ. Và công việc ấy được đặt tên là nội trợ. Hai từ nội trợ nghe nó đơn giản làm sao nhưng công việc thì không đơn giản chút nào.

Cứ mỗi sáng ra người vợ phải quét dọn nhà cửa, cẩn thận thì cũng phải hơn một tiếng, nếu có con thì lại phải vừa làm vừa chăm con, chợ búa nấu nướng là hết một buổi sáng để có buổi cơm trưa cho gia đình. Khi tất cả đã ăn uống xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi, người phụ nữ phải dọn dẹp. Khi cả nhà đi khỏi, người phụ nữ lại lao vào công việc giặt giũ, ủi đồ. Và lại bước vào buổi cơm chiều. Và rồi lại dọn dẹp….

Người chồng đi làm về cảm thấy căn nhà tươm tất, mát mẻ sạch sẽ, nhưng có lẽ không nghĩ cho tới mức là vợ mình phải mất bao nhiêu công sức mới có sự sạch sẽ nầy. Với cảm giác là một chủ gia đình, người chồng có cảm tưởng mình phải được phục dịch tận gốc, tận rễ. Đọc tờ báo phải có ly cà phê kế bên. Lên mâm cơm phải có sẵn ly nước uống, và tất cả đều phải đầy đủ, nếu thiếu là sẽ cau mày gắt gỏng.

Để có một bữa ăn nóng sốt cho gia đình người vợ luôn chực chờ hâm nóng thức ăn trước khi chồng con sắp sửa về nhà. Ở đây chỉ đề cập đến những người đàn ông mẫu mực; nếu đi xa hơn nữa, với những người đàn ông xem vợ mình như là một nô lệ, một thuộc quyền mà nhất cử nhất động đều phải nhìn theo ý chồng thì vấn đề còn nặng nề hơn nữa.

Người phụ nữ trong gia đình này có một cuộc sống cam chịu, và không bao giờ tìm thấy thoải mái hoặc hạnh phúc trong cuộc sống chung.

Ban đầu vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, nhưng sau đó vì sự bình yên trong gia đình, người phụ nữ phải bỏ hết những sở thích riêng tư, những ước vọng riêng. Khi có con, người phụ nữ là người phải gánh hết những nhọc nhằn khi nuôi trẻ, và khi con trẻ lớn lên, người phụ nữ cũng là người phải dõi theo hoạt động của con để cho nó nên người.

Nói như thế người phụ nữ trong gia đình là một lao công quét dọn, một bà bếp chợ búa nấu nướng, một người bồi giặt giũ ủi là, một vú em nuôi trẻ, một cô giáo dạy học, một nhà tâm lý quản trò….

Và trong xã hội hiện tại, nhu cầu cuộc sống cao, một mình người chồng đi làm không đủ giải quyết mọi chi phí, hoặc có đủ cũng không dư để phòng khi đau ốm, bất trắc. Người vợ cũng phải đi làm. Công việc làm của người phụ nữ ở sở cũng không kém phần khó nhọc, thế nhưng khi tan sở về nhà, người phụ nữ lại phải hoàn tất hết bao nhiêu công việc của một ngày mà người phụ nữ ngày xưa phải làm. Ngẫm nghĩ sự chịu đựng của người phụ nữ ngày nay rất cao. Với áp lực của công việc ở sở, với yêu cầu của gia đình, với bổn phận của một người vợ, người mẹ, họ thật là quá tài.

Họ cần gì, một món quà cho ngày 8 tháng 3?

Một ngày thong dong bát phố để chồng gánh vác công việc?

Một lời cảm ơn của đứa con?

Để họ cảm thấy đời vui hơn?

Và đấy là hệ quả của ngày kỷ niệm này mang đến?

Tôi không nghĩ là như vậy! Đối với tôi, ngày 8 tháng 3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng: Phụ nữ không phải là một sinh vật nhỏ bé được thượng đế sinh ra để phục vụ cánh đàn ông. Mà phụ nữ là một người như mình có những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm riêng, có công việc độc lập cần được tôn trọng, cũng như cần được chia sẻ …

Tốt biết bao nhiêu khi hàng ngày, sau khi rời sở người đàn ông biết chia sẻ với vợ công việc nhà. Thay gì tắm rửa ngồi lên bàn cơm chờ dọn, thì hãy xuống bếp bưng phụ vợ thức ăn. Thay gì nói sao nhà tắm bẩn quá? Thì hãy giúp dọn dẹp. Thay vì la cà ngoài phố với bạn thì về nhà sớm để thức ăn không phải hâm lại, ôi người vợ hạnh phúc dường bao.

Cả những đứa con cũng vậy. Nếu đứa con ý thức được rằng người mẹ tốt của mình vô cùng vất vả, thì hàng ngày hãy giơ tay ra phụ giúp mẹ mình, những công việc tuy nhỏ nhặt như dẹp một món đồ vứt bừa bãi, rửa một chậu bát, bưng một ly nước cho mẹ lúc mẹ mình nhọc mệt, tôi nghĩ đó là đã hiểu được ý nghĩa của ngày 8/3.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.