Sau khi nhổ răng khôn điều chắc chắn là sẽ để lại vết thương ở xương và ổ răng. Vết thương lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nhổ răng của bác sĩ hoặc do xu hướng mọc của răng. Trên thực tế nếu như không chăm sóc đúng cách thì vết thương không chỉ đau lâu, đau âm ỉ mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng không tốt. Chính vì vậy bạn cần biết cách chăm sóc, lưu ý trong vấn đề ăn uống để quá trình hậu phẫu diễn ra một cách suôn sẻ nhất.
Tìm hiểu về răng khôn
Răng khôn hay còn có tên gọi khác là răng số 8, nằm ở vị trí cuối cùng trong khung hàm. Nguyên nhân chúng được gọi là răng khôn là do mọc ở độ tuổi trưởng thành (từ 18-25 tuổi).
Đối với nhiều người, răng khôn mọc một cách bình thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Nhưng cũng không thiếu trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, đâm vào răng số 7,… gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho khổ chủ như đau tức, viêm nhiễm, sưng nề, xô lệch cả hàm,… Chính vì vậy, những răng khôn bị hư hại hay mọc sai lệch, gây ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai, phát âm hoặc ảnh hưởng tới dây thần kinh, xoang hàm thì cần phải nhổ để tránh biến chứng xấu về sau.
Đọc thêm: Răng khôn mọc thẳng khi nào nên nhổ?
Nhổ răng khôn xong nên ăn gì?
Thức ăn mềm
Trong ngày đầu tiên sau khi mới nhổ răng khôn bạn nên ăn những đồ ăn mềm, dễ nuốt, đỡ mất công phải nhai nhiều như bún, mỳ, cháo, bạn cũng có thể sử dụng sữa chua, nước dừa,… Tuyệt đối tránh không được ăn các đồ ăn nóng, đồ cứng như cánh gà, xương sườn, thịt bò dai… Và đặc biệt không được nhai vào vùng răng vừa nhổ để làm tổn thương thêm vùng bị thương.
Sang ngày thứ hai có thể chuyển sang dạng thức ăn bán lỏng như bánh ngọt, mì mềm, các món ăn nhẹ, v.v. nhưng không ăn bánh mì.
Thức ăn mát, lạnh
Bệnh bạn có thể ăn thức ăn lạnh từ 2 đến 4 giờ sau khi phẫu thuật. Vì thức ăn lạnh có thể làm giảm phù nề và đau nhức có thể xảy ra sau khi nhổ răng, đồng thời có thể làm co mạch máu và giúp cầm máu. Đây là lý do tại sao ăn kem có thể giảm đau. Nhưng chú ý đừng ăn kem có các loại hạt, chúng dễ bị mắc kẹt và đẩy cục máu đông ra khỏi vết thương, đồng thời ăn với lượng vừa phải và nên ăn kem đã mềm, không bị đông cứng.
Bổ sung thêm nhiều loại nước trái cây có chứa vitamin C như nước cam để vết thương nhanh lành. Không cần thiết phải kiêng thịt gà, trừng hay rau muống như nhiều người vẫn quan niệm.
Thức ăn giàu dinh dưỡng
Sau khi nhổ răng khoảng 2 – 3 ngày, vết thương đã giảm sưng đau gần như lành hẳn. Bạn có thể trở lại ăn uống như bình thường, chú ý vào việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để không bị giảm cân. Tuy nhiên, bạn nên ăn ở bên không nhổ răng, tránh để thức ăn rơi vào chỗ phẫu thuật. Nếu chẳng may thức ăn bị rơi vào vùng phẫu thuật mà bạn không vệ sinh sạch được hãy liên hệ với nha sĩ để nha sĩ gắp ra giúp bạn. Bạn cũng không được sử dụng tăm hay các dụng cụ không được thiệt trùng để đâm chọc vào vùng nhổ gây ra chảy máu hoặc nhiễm trùng vết nhổ.
Nhổ răng khôn xong nên kiêng ăn gì?
Thức ăn cứng, dai, giòn
- Đồ ăn chưa được chế biến kỹ càng, quá dai cứng làm cho hàm phải hoạt động mạnh, từ đó vô tình làm tổn thương vết thương mới nhổ răng. Ăn những món phải dùng nhiều lực nhai cũng sẽ khiến hàm căng thẳng, bạn bị đau nhiều hơn.
- Không nên ăn bánh quy, đồ chiên rán vì khi mới nhổ vết thương vẫn chưa hoàn toàn đóng khít. Lúc này những mảnh vụn của bánh quy rất dễ lọt vào ổ nhổ răng khiến cho vết thương dễ bị nhiễm trùng.
Thức ăn cay nóng
Nhổ răng sẽ làm hình thành vết thương trong khoang miệng. Khi ăn cần lưu ý không ăn thức ăn quá cay; nên ăn thức ăn nhẹ hơn, tránh kích thích vào vùng tổn thương.
Không ăn thực phẩm quá nóng vì nhiệt độ cao của thực phẩm sẽ làm giãn mạch máu, khiến cục máu đông tan ra, máu tiếp tục chảy ở vị trí mới nhổ răng. Bạn sẽ cảm thấy đau đớn và vùng phẫu thuật có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Đồ ngọt, chua
- Không ăn đồ ngọt, bánh kẹo, nước ngọt bởi chất đường trong bánh kẹo khi vào miệng sẽ gây nên tình trạng viêm sưng tấy kéo dài.
- Không ăn thực phẩm chứa axit nhiều như chanh, bưởi, me,…
Kiêng rượu bia
Nên kiêng rượu bia từ 5 – 7 ngày khi vết nhổ đã được ổn định. Đặc biệt khi dùng kháng sinh thì việc uống rượu bia cũng không hề tốt.
Những vấn đề cần lưu ý ngay sau khi nhổ răng khôn
Nghỉ ngơi hợp lý, tránh việc vận động mạnh
Trong 1 – 2 ngày đầu sau khi nhổ răng bạn cần tránh việc vận động mạnh. Tuy nhiên, cũng không cần ở nhà nghỉ ngơi hoàn toàn, bạn vẫn có thể đi làm bình thường nhưng không nên làm việc nặng nhọc. Khi nằm nghỉ hãy kê cao gối, có thể lót sẵn một chiếc khăn để vào gối để nếu chẳng may có bị rỉ ra một chút máu sẽ không bị dính ra gối hoặc các vật dụng khó vệ sinh khác.
Hạn chế không được hút thuốc sau khi nhổ răng khôn
3 ngày sau khi phẫu thuật tuyệt đối phải kiêng thuốc lá bởi trong thuốc lá có 3 thành phần chính là nicotin, carbon oxit và axit cyanhyrid khiến co mạch ngoại vi, rồi loạn chức năng tế bào đa nhân trung tính. Từ đó làm nồng độ oxy trong mô bị giảm, giảm đáp ứng miễn dịch, quá trình liền thương sẽ trở nên chậm hơn.
Kiểm soát việc chảy máu sau khi nhổ răng
Sau khi nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ cho bạn cắn một miếng gạc trong miệng. Sau 30 phút sẽ thay gạc một lần, nghỉ ngơi 10 – 15 phút tại phòng khám trước khi về nhà.
Việc chảy máu sau khi nhổ răng là chuyện hoàn toàn bình thường bởi khi nhổ một chiếc răng dài chân thì sẽ bị lộ cả xương hàm, rách lợi cũng như có thể bị dập nát tổ chức nếu chẳng may nha sĩ sử dụng lực quá lớn. Nếu nhổ răng xong bác sĩ khâu đóng thì việc chảy máu sẽ được hạn chế hơn, sau 5 – 10 ngày sẽ có lịch hẹn cắt chỉ.
24h đầu tiên sau khi nhổ răng, máu sẽ rỉ ra một chút ở vị trí nhổ răng, hoặc thậm chí sang ngày thứ 2. Bạn cần nghe theo lời khuyên của nha sĩ cắn chặt miếng gạc để tạo ra lực ép lên vị trí vừa nhổ răng, hỗ trợ việc cầm máu. Thời gian cắn gạc thường là 30 phút nhưng có có vài trường hợp phải cắn tới vài tiếng. Bạn phải cắn cho tới khi chắc chắn máu đã được cầm hẳn.
Trong trường hợp máu vẫn mãi không được cầm, quan sát sẽ thấy trên cục gạc không có máu đông mà chỉ thấy thẫm đẫm máu tươi thì lúc này bạn cần liên hệ ngay với nha sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý không được súc miệng hoặc sử dụng nước sát khuẩn trong 24h đầu bởi sẽ làm cục máu đông bị trôi mất, cản trở quá trình lành thương.
Kiểm soát sưng
Sưng sau khi nhổ răng khôn là điều hoàn toàn bình thường. Do sau khi nhổ răng mạch máu bị giãn, lưu lượng máu đi vào mô tăng lên để mang các tế bào tới sửa chữa vết thương. Đối với các ca nhổ răng khó hơn như nhổ răng mọc ngầm, nhổ răng khôn mọc lệch, vùng sưng có thể rộng hơn và kéo dài hơn, do bác sĩ thường phải rạch lợi, cắt răng thành nhiều mảnh để gắp ra hoàn toàn.
Đọc thêm: Nhổ răng khôn – trường hợp nào phải khâu?
Ngoài ra còn do sự gia tăng tính thấm của thành mạch, cho phép chất lỏng và protein, tế bào bạch cầu di chuyển từ vòng tuần hoàn tới vị trí tổn thương mô hàm khiến quanh chỗ nhổ răng bị sưng. Tình trạng này sẽ mất sau một vài ngày.
Bạn có thể khắc phục bằng cách uống kháng sinh, kháng viêm. Lưu ý uống theo đủ liều lượng và thời gian mà bác sĩ đã dặn nếu không có thể gây ra hiện tượng nhờn thuốc, sau này khó điều trị các nhiễm trùng nếu không may gặp phải.
Trong 24h đầu bạn nên chườm đá ở má ngoài chỗ vừa nhổ răng, ấn và thả ra liên tục, không áp chặt vào một chỗ có thể gây hiện tượng bỏng lạnh. Nên chườm 30 phút sau đó nghỉ 30 phút rồi lại chườm, cứ như vậy trong 2 – 3h đầu sau khi nhổ.
Sau 2 ngày thì có thể thực hiện chườm nóng để làm tăng vận mạch và giúp vùng sưng mau tản.
Kiểm soát vấn đề vệ sinh răng miệng
Trong ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật, bạn không cần thiết phải súc miệng với các loại nước sát khuẩn. Sau nhổ răng 1 ngày bạn chỉ nên súc miệng bằng nước sát khuẩn có chlorhexidin hoặc nước muối sinh lý (Không nên dùng nước muối tự pha vì có thể nồng độ muối cao)
Sang ngày thứ 2 bạn có thể đánh răng, nhưng phải thật nhẹ nhàng. Tránh chà vào vết thương làm bật chỉ, rách vết khâu. Có thể súc miệng từ 4- 5 lần/ ngày, nhưng lưu ý chỉ súc miệng sau khi máu đã được cầm hoàn toàn nhé. Ngoài ra trong 2 tuần đầu tiên tuyệt đối không được sử dụng máy tăm nước.
Kiểm soát cơn đau sau khi nhổ răng
Sau khi nhổ răng xong thông thường nha sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn gồm có thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm nhẹ. Hãy uống thuốc đầy đủ theo đúng lời dặn của bác sĩ. Sau khi thuốc tê đã hết tác dụng, bạn cảm thấy có những cơn đau thì hãy uống ngay thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau hay được sử dụng nhiều nhất là efferalgan có thành phần chính là paracetamol. Bạn có thể dùng từ 1 – 2 viên khi đau, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ, 1 ngày không được phép dùng quá 8 viên.
Có nhiều loại thuốc chống viêm trong thành phần có chứa corticoid là nguyên nhân gây tình trạng kích ứng dạ dày, vì thế nếu bạn bị đau dạ dày thì hãy báo trước cho nha sĩ biết để nha sĩ kê cho bạn một đơn thuốc khác phù hợp hơn. Lưu ý là chỉ uống thuốc sau khi đã ăn no. Ngoài ra nếu trong đơn thuốc của nha sĩ sau khi uống bạn thấy có dấu hiệu bị dị ứng như mẩn ngứa, nổi mề đay thì hãy ngưng sử dụng ngay lập tức và báo cho nha sĩ để nha sĩ đổi đơn thuốc khác.
Tham khảo thêm: Kỹ thuật nhổ răng khôn siêu âm – ít đau hơn, an toàn hơn
Răng khôn là một cơ quan đơn giản, nhưng cũng phức tạp, vì có nhiều dây thần kinh trong hàm kết nối với nó. Vì vậy, Nha khoa Thúy Đức hi vọng bạn có thể nghiêm túc thực hiện những lưu ý của chúng tôi trong vấn đề ăn uống sau khi nhổ răng, để đảm bảo quá trình lành thương diễn ra tốt đẹp.
Để lại bình luận
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!