Giá nhãn Ido tăng mạnh, đây là giống nhãn gì mà thương lái thích mua?

Giá nhãn Ido tăng mạnh, thật ra đây là giống nhãn gì mà thương lái thích mua?

Do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng, giá trái nhãn Ido tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang tăng hơn 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022.

Nông dân thuộc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) thu hoạch nhãn

Tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL như TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… nhãn Ido được nhà vườn bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá từ 21.000-24.000 đồng/kg. Trong khi hồi đầu năm, giá nhãn Ido chỉ ở mức 10.000-13.000 đồng/kg.

Đơn cử, giá nhãn Idor tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tăng cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Ông Huỳnh Hữu Thuận – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Hiện, nhãn Idor được nhà vườn bán cho thương lái với giá từ 24.000-25.000 đồng/kg. Thời gian qua, giá nhãn tăng mạnh là nhờ nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa tăng, trong khi nguồn cung giảm mạnh. Dự báo, giá nhãn sẽ tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới”.

Theo nông dân và tiểu thương kinh doanh trái cây, giá nhãn Ido đang ở mức cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm tháng 7 và tháng 8/2021.

Những tháng gần đây, giá nhãn Ido liên tục phục hồi và tăng trở lại ở mức cao như các năm chưa xảy ra dịch COVID-19 là nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung giảm mạnh.

Mô hình trồng nhãn Ido theo hướng VietGAP của anh Nguyễn Hữu Thanh (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Xây Ly

Nguyên nhân do các loại nhãn cho trái tự nhiên theo mùa như nhãn xuồng, thanh nhãn…đã hết mùa thu hoạch. Trong khi nhãn Ido có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm nhưng hiện nay cũng không có nhiều nhà vườn trồng nhãn có trái cho thu hoạch vào thời điểm này.

Nhãn Ido là giống nhãn Thái Lan được du nhập về nước ta khoảng những năm 90 của thế kỉ trước. Đây là giống nhãn phù hợp với vùng đất của nhiều địa phương, cho trái to, cơm dầy, hạt nhỏ, vỏ cứng, dễ thu hoạch và được thị trường ưa chuộng.

Nhãn Ido có ưu điểm nổi trội hơn các giống nhãn hiện có trong vùng đó là dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp. Đặc biệt loại nhãn này có thể xử lý ra hoa, cho quả theo ý muốn.

Ông Nguyễn Văn Đừng (Bảy Đứng) ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) cho biết thêm, ngoài những ưu điểm trên, giống nhãn Ido kháng được bệnh chổi rồng. Nếu tỷ lệ mắc ở nhãn da bò đến hơn 90% thì nhãn Thái chỉ từ 5 – 10%.

Ngoài kỹ thuật bón phân, làm gốc, trừ sâu bệnh, ông còn thành thạo về biện pháp xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ (tháng 2,3,4) để bán với giá cao gấp 2 lần nhãn mùa thuận.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, sau khi thu hoạch, ông tiến hành cắt tỉa cành già, cành thừa. Mùa nắng đóng bờ, đậy gốc, giữ độ ẩm, cách ba ngày mới tưới một lần.

Chất lượng nhãn Ido không thua kém nhãn da bò. Quả có hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt lịm. Chính vì thế, giống nhãn Ido ngày càng được bà con nông dân trồng nhiều.

Theo đánh giá của Công ty CP Cây xanh Gia Nguyễn, nhãn IDO là giống cây trồng có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài khoảng trên 30- 40 năm. Năng suất đạt 19 tấn/vụ trái, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ phát triển rất tốt, cho năng suất trung bình khoảng 250kg/cây.

Bà con có thể trồng xen nhiều loại cây trồng khác như: Cam, quýt, ca cao… để khai thác hiệu quả hơn trên 1 đơn vị diện tích canh tác.