Tìm người hiếm muộn muốn xin trẻ sơ sinh làm con nuôi ở đâu?

Hiếm muộn hay vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không áp dụng biện pháp ngừa thai. Hiếm muộn nguyên phát là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một cặp vợ chồng chưa có thai lần nào. Hiện nay, tình trạng hiếm muộn xảy ra tương đối nhiều và nhu cầu của các cặp vợ chồng hiếm muộn xin con nuôi ngày càng tăng.

Trong khi đó, tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong vài năm trở lại đây đang ở mức đáng báo động, đặc biệt thế giới nói chung và nước ta nói riêng vừa trải qua đại dịch Covid-19, hệ quả có rất nhiều trẻ em bị mồ côi vì dịch bệnh này đã cướp đi vĩnh viễn bố, mẹ của các em. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc bị mồ côi thường được cá nhân, tổ chức phát hiện, bệnh viện chăm sóc hoặc gửi vào các cơ sở nuôi dưỡng. Để đảm bảo cuộc sống về sau cho đứa trẻ và dựa trên tinh thần nhân đạo, bệnh viện hoặc các cơ sở nuôi dưỡng thường tìm kiếm những người hiếm muộn có nhu cầu xin con nuôi để nhận các trẻ sơ sinh làm con nuôi. Vậy, tìm người hiếm muộn xin trẻ sơ sinh làm con nuôi ở đâu?

Căn cứ pháp lý:

  • Luật nuôi con nuôi năm 2010;
  • Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi;

1. Quy định về việc đăng ký nhu cầu nuôi con nuôi:

Những người là người hiếm muộn hoặc cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi thì có quyền đăng ký nhu cầu nhận nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 16 Luật nuôi con nuôi năm 2010.

Điều 16. Đăng ký nhu cầu nhận con nuôi

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

Như vậy, khi người hiếm muộn hoặc cá nhân có nguyện vọng nhận nuôi con nuôi thì người đó cần đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó cư trú. Sở Tư pháp sẽ tiếp nhận thông tin đăng ký của người có nguyện vọng và khi có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu người có nguyện vọng đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

2. Quy định về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em:

Bất kể một đứa trẻ nào sinh ra cũng có quyền được có một gia đình đầy đủ, được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi bố, mẹ, ông bà hoặc những người thân thích. Nhưng đứa trẻ bị bỏ rơi là những đứa trẻ kém may mắn hơn những đứa trẻ khác khi sinh ra. Cá nhân, tổ chức, cơ quan nào phát hiện trẻ em bị bỏ rơi đều có trách nhiệm tạm thời nuôi dưỡng đứa trẻ và tìm gia đình hoặc cơ cở nuôi dưỡng để nhận nuôi đứa trẻ, đảm bảo sự sống và phát triển bình thường của bé.

Điều 15 Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định rõ trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

Điều 15. Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em

Xem thêm: Nuôi con nuôi là gì? Mục đích, ý nghĩa, hệ quả của việc nuôi con nuôi

“1. Trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó.…”

Việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được chia thành các trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất, trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi thì có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

Trường hợp thứ hai, trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

Khi tiếp nhận sự việc này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi. nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định. Nếu thời hạn thông báo, niêm yết mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

Trường hợp thứ ba, trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế thì cơ sở nuôi dưỡng phải lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp khi tiếp nhận sự việc phải lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế và có trách nhiệm thông báo 03 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp;

Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Xem thêm: Tư vấn luật nuôi con nuôi trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Như vậy, có thể thấy khi người hiếm muộn là Công dân Việt Nam có nhu cầu nhận con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú, Sở tư pháp sẽ có danh sách người có nhu cầu và đủ điều kiện nhận con nuôi. Đồng thời, khi trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng, trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế cũng được Uỷ ban nhân dân cấp xã và Sở Tư pháp quản lý danh sách này. Cho nên, khi cần tìm người hiếm muộn muốn xin trẻ sơ sinh làm con nuôi thì cần phải liên hệ với Sở Tư pháp, khi này Sở Tư pháp xác định có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi và cũng tìm được người nhận nuôi đảm bảo cả về nguyện vọng nhận con nuôi và các điều kiện của người nhận con nuôi theo quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì ở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

Khi người hiếm muộn được Sở Tư pháp giới thiệu trẻ em làm con nuôi thì cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi và Điều 7 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi (được sửa đổi, bổ sung bới Nghị định số 19/2019/NĐ-CP), bao gồm:

  • Đơn xin nhận con nuôi;
  • Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định điều kiện về độ tuổi và sức khỏe của người nhận con nuôi.

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi bao gồm:

– Giấy khai sinh;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

Xem thêm: Điều kiện được nhận con nuôi, cho nuôi con nuôi tại Việt Nam

– Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

– Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày. Tức là nếu trẻ sơ sinh vẫn còn cha đẻ, mẹ đẻ thì việc cho và nhận con nuôi chỉ được thực hiện khi đứa trẻ đã được 15 ngày tuổi trở lên.

Như vậy, để tìm người hiếm muộn muốn xin trẻ sơ sinh làm con nuôi thì cha đẻ, mẹ đẻ, người giám hộ hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cần liên hệ và đăng ký tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi cư trú, khi có người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và có nguyện vọng xin con nuôi thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi xêm xét, giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về nội dung Tìm người hiếm muộn muốn xin trẻ sơ sinh làm con nuôi ở đâu? Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo số hotline để được hỗ trợ và tư vấn.