Người bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? – Sở Y tế Nam Định

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi thực phẩm hoặc nước uống bị lây nhiễm mầm bệnh, khiến người mắc phải vô cùng khó chịu. Vậy sau khi bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Bù nước và chất lỏng: Nôn và tiêu chảy không chỉ làm cơ thể mệt mỏi và suy yếu mà chúng còn làm mất nước và các chất điện giải quan trọng đối với cơ thể. Do vậy, nguyên tắc là phải bù đủ nước và các chất điện giải bằng cách uống oresol, ngoài ra có thể uống nước lọc, nước trà, nước trái cây, nước canh.

Ăn cơm hoặc cháo trắng: Cơm gạo trắng là thức ăn hoàn hảo sau ngộ độc thực phẩm do không kích thích dạ dày và đủ năng lượng cho cơ thể.

Ăn trái cây: Trái cây bao gồm các carbohydrate phức tạp và đường tự nhiên cung cấp cho cơ thể năng lượng. Nhưng không phải loại trái cây nào cũng sẽ có lợi cho cơ thể sau khi bị ngộ độc thực phẩm. Nên lựa chọn chuối và ăn ít một sẽ giúp làm dịu dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn.

Bánh mỳ: Bên cạnh cơm hay cháo trắng, bánh mỳ là thực phẩm dễ dung nạp có thể đưa vào thực đơn.

Gừng: Trên thực tế, gừng được biết là có tác dụng làm dịu dạ dày. Vì vậy, bạn có thể thử uống trà gừng, hoặc nhai vài lát gừng tươi. Uống trà gừng kết hợp một vài giọt nước gừng với một ít mật ong pha vào cốc nước ấm để uống cũng là một lựa chọn tốt.

Mật ong: Mật ong là một lựa chọn tốt để ăn bởi có thể giải quyết hậu quả của ngộ độc thực phẩm. Trong mật ong có chứa chất kháng khuẩn tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa.

Về mặt dinh dưỡng, 1 thìa mật ong (21 gam) chứa 64 calo và 17 gam đường, bao gồm fructose, glucose, maltose và sucrose. Vì vậy mật ong cũng góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, mật ong hầu như không chứa chất xơ, chất béo hoặc protein. Có thể dùng 1 thìa mật ong ở dạng nguyên chất hoặc bỏ vào một cốc trà nóng rồi uống.

Chanh: Chanh có tính kháng khuẩn, có tác dụng chống viêm mạnh và chống lại virut, có thể diệt vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm. Vài cốc nước chanh ấm sau khi ngộ độc thực phẩm sẽ có tác dụng hữu hiệu.

Khoai tây:

Khoai tây có thành phần chủ yếu là tinh bột và chứa một lượng vừa phải protein và chất xơ – nhưng hầu như không có chất béo. Hơn nữa, khoai tây là một nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, như kali, vitamin C. Vì vậy, khoai tây thực là loại thực phẩm phù hợp cho bạn sau khi bị ngộ độc thực phẩm.

Nhật Minh (t/h)