Nghiệp tụ vành môi

“Tem tém cái mồm lại, bớt khẩu nghiệp đi! Nghiệp tụ vành môi nghiệp trôi xuống bụng rồi có ngày chết trương lên đấy!”

“Gớm, cái con bé đấy nghiệp tụ vành môi, nói năng ngoa ngoắt chả sợ gì ai. Đừng dây vào nó!”.

Cùng với “khẩu nghiệp” thì “nghiệp tụ vành môi” là một cụm từ ngày càng được dùng nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là trong giới trẻ. Thậm chí, rất nhiều hình ảnh “chế”, các meme trên mạng xã hội được sáng tạo cho các từ ngữ này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tiếng Phạn, thì “nghiệp” – karma, kamma có nghĩa là hoạt động, hành động hay một công việc. Theo nguyên lý tâm linh trong tôn giáo thì khi các ý định hay hành động của một người có thể sẽ ảnh hưởng đến chính họ trong tương lai.

Các ý định tốt, hành vi tốt sẽ tạo nên nghiệp tốt và hạnh phúc trong tương lai. Ngược lại, các ý định xấu hay các hành vi xấu thì sẽ tạo nên nghiệp xấu và mang đến đau khổ trong tương lai. Như vậy, về bản chất thì nghiệp có tốt có xấu.

Tuy nhiên, đa phần dân gian đều có thiên hướng cho rằng “nghiệp” là xấu, và e sợ “nghiệp quật”, tức là bị quả báo, tức là gặp phải điều xui rủi, đau khổ. Trong “khẩu nghiệp” thì chữ “khẩu” tức là miệng. Khẩu nghiệp tức là nghiệp do miệng mà ra, chủ yếu là đề cập đến lời ăn tiếng nói.

Không gì nhanh bằng lời nói, mà lời đã nói ra khó rút lại. Lời nói không hình không dạng nhưng có thể gây tổn thương, thậm chí là gây sát thương mạnh mẽ, lâu dài.

Lời nói cũng như một mũi tên, tưởng rằng là bắn vào người khác, nhưng cũng có thể quay lại bắn thẳng vào chính bản thân người nói. Bởi vậy, dân gian thường khuyên lựa lời mà nói, uốn lưỡi bẩy lời trước khi nói. Thậm chí, rất nhiều cuốn sách dạy ăn nói cho rằng: Khéo ăn nói có cả thiên hạ.

Nhiều người “ác miệng”, thích gì nói nấy, không ngần ngại dùng lời nói làm tổn thương người khác. Người nói thì vô tâm nhưng người nghe lại hữu ý. Các vết thương do lời nói gây ra được ví như những vết đinh cắm sâu vào tâm hồn người tiếp nhận.

Đinh có thể rút ra, những lỗ đinh vẫn còn mãi. Lời đã nói ra, dù có thể dùng lời khác để xin lỗi, nhưng tổn thương tâm lý sẽ là mãi mãi, rất khó phai. Rồi đôi khi lại vì mạnh miệng mà tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Tới khi gặp chuyện rất khó lý giải là vì sao.

“Nghiệp tụ vành môi” ý chính là miệng nói là quá nhiều lời xấu, đến nỗi mà không thể nói lên những điều tốt đẹp. Sau này, mọi chuyện xui rủi đau khổ trong đời, tất thảy đều do lời ăn tiếng nói, mồm miệng mà ra cả.

Vậy nên, dân gian cũng thường khuyên nên tu lấy cái miệng. Lời không hay tốt nhất không nên nói. Lời giả dối tốt nhất không nên gieo.

Độc mồm độc miệng chính là gieo tương lai xấu cho mình. Ngậm máu phun người thì miệng mình tanh trước. Hết rồi cái thời “khẩu xà tâm phật”. Nhất là trong môi trường online nghìn trùng lớp lớp người follow. Tâm thiện thì khẩu thiện.

Nói lời hay cũng chính là rèn ý đẹp. Chuyển hoá “nghiệp” lành tụ lại vành môi thì tương lai sẽ thanh thản, bình an hơn.