Các loại hình nghiên cứu marketing – Góc học tập – Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Duy Tân

Dựa vào mục tiêu thì nghiên cứu marketing có: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

– Nghiên cứu cơ bản: là nghiên cứu nhằm mục đích phát triển toàn thể các hiểu biết cho mọi người nói chung và chuyên nghành nói riêng. Ví dụ: nghiên cứu chỉ số giá, chỉ số tăng trưởng kinh tế, chỉ số tăng trưởng dân số… Nghiên cứu cơ bản thường công bố công khai để mọi người có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này cho việc nghiên cứu của mình.

– Nghiên cứu ứng dụng: là nghiên cứu được dùng để giải quyết một vấn đề đặc biệt hay hướng dẫn đi đến một quyết định đặc biệt mang tính chất cá biệt cho cá nhân hoặc tổ chức. Ví dụ khi doanh số sụt giảm bất kỳ công ty nào cũng phải thực hiện các nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao. Nghiên cứu ứng dụng là trọng tâm của nghiên cứu marketing.

Dựa vào cách thức nghiên cứu thì được chia làm hai loại: nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu tại hiện trường.

– Nghiên cứu tại bàn là phương pháp nghiên cứu mà các thông tin cần thu thập là dữ liệu thứ cấp. Đó là dữ liệu đã được thu thập và xử lý cho mục đích nào đó trước đây và được tiếp tục sử dụng để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình.

– Nghiên cứu tại hiện trường là nghiên cứu mà các thông tin cần thu thập là dữ liệu sơ cấp. Đó là những dữ liệu mà công ty thu thập trực tiếp từ hiện trường chứ không phải là những dữ liệu được sử dụng hay xử lý trước đây.

Dựa vào đặc điểm thông tin thì có: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.

– Nghiên cứu định tính có thể coi là một phương pháp dùng để khảo sát một vấn đề qua đó biết được “nội cảm” của người tiêu dùng. Kỹ thuật phân tích định tính áp dụng trong nghiên cứu động cơ của khách hàng khi thực hiện việc phỏng vấn trực tiếp với đối tượng người tiêu dùng.

– Nghiên cứu định lượng là các nghiên cứu mà thông tin thu thập mang tính lượng hóa, nghĩa là có thể đo lường chúng bằng con số cụ thể, có ý nghĩa thống kê.

Dựa vào mức độ am hiểu thị trường có: nghiên cứu khám phá, nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu thăm dò.

– Nghiên cứu khám phá là bước đầu của nghiên cứu, mục đích là nhằm phát hiện vấn đề cần nghiên cứu.

– Nghiên cứu sơ bộ nhằm mục đích làm rõ vấn đề phát hiện trong nghiên cứu khám phá

– Nghiên cứu thăm dò nhằm tìm hiểu một cách sâu sắc những sự cố và mức độ rủi ro có thể xảy ra.

Dựa vào cách thức xử lý số liệu định lượng có: nghiên cứu mô tả và nghiên cứu nhân quả.

– Nghiên cứu mô tả dùng để diễn tả thị trường như các đặc điểm, thói quen tiêu dùng, thái độ của họ đối với các thành phần marketing của công ty và đối thủ cạnh tranh. Nghiên cứu mô tả là dạng nghiên cứu phổ biến nhất và thường được thực hiện thông qua kỹ thuật nghiên cứu định lượng.

– Nghiên cứu nhân quả nhằm tìm ra mối quan hệ giữa các biến số của thị trường như mối quan hệ của chi phí quảng cáo với mức độ nhận biết nhãn hiệu, doanh số hay tác động của một chương trình khuyến mãi đối với mức tiêu thụ. Nghiên cứu nhân quả thường được thực hiện qua các kỹ thuật thực nghiệm.

Dựa vào tần suất có: nghiên cứu đột xuất và nghiên cứu thường xuyên.

– Nghiên cứu đột xuất là các nghiên cứu cần giải quyết các vấn đề cụ thể nảy sinh mà công ty đang gặp phải [tung sản phẩm mới, doanh số tụt giảm hoặc tăng nhanh]. Nghiên cứu này thường được thực hiện theo đơn đặt hàng hay yêu cầu riêng biệt của công ty.

– Nghiên cứu thường xuyên: là nghiên cứu được thực hiện đều đặn theo kế hoạch định trước để theo dõi việc kinh doanh của công ty như theo dõi chi phí quảng cáo, khuyên mãi, lượng hàng bán ra tại các siêu thị.

TRẦN THANH HẢI – KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH