Nằm Ngủ Nghe Kinh, Niệm Phật Có Tội Không?

Nằm Ngủ Nhe Kinh Phật Có Lỗi Không?
Nằm Ngủ Nhe Kinh Phật Có Lỗi Không?

Hỏi: Kính bạch thầy, con năm nay 26 tuổi vì quá bận rộn với công việc nên không thể lên chùa thường xuyên. Con thường hay nghe các thầy tụng kinh và giảng pháp qua đài hoặc điện thoại nhưng vì con có chứng bênh đau xương sống, ngồi lâu không được. Vậy con xin hỏi Nằm Ngủ Nghe Kinh, Niệm Phật Có Tội Không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Trả Lời: Phật Tổ thường dạy chúng ta là niệm Phật trong 4 oai nghi: Đi, Đứng, Nằm, Ngồi. Nghĩa là, niệm Phật trong tất cả thời gian và nơi chốn. Vì vậy, trên tinh thần phương tiện, nếu quá mệt mỏi hay tranh thủ lúc nghỉ ngơi quý phật tử có thể nằm ngủ nghe kinh, niệm phật mà không mang tội bất kính. Tuy nhiên, niệm phật trong tư thế ngồi là tư thế tối ưu nhất cho việc nhiếp tâm, giữ tâm định tĩnh, chánh niệm. Vì vậy nên các thời khóa tụng kinh, tọa thiền hay tịnh niệm tại đạo tràng đông đảo hay những lúc hành trì riêng một mình cũng đều chú trọng đến tư thế ngồi, thỉnh thoảng mới thay đổi tư thế bằng cách đi (kinh hành, thiền hành) hay lễ lạy rồi tiếp tục ngồi tu niệm.

Trường hợp, khi bị bệnh tật, nhất là những bệnh liên quan đến cột sống và xương khớp không thể ngồi lâu thì hành giả có thể thay đổi tư thế và cách thức tu tập sao cho phù hợp với thực tiễn. Người tu Tịnh độ, muốn niệm Phật được bền lâu, phải tùy theo tinh thần, sức khỏe, và hoàn cảnh mà chúng ta nên uyển chuyển linh động cho thích hợp. Không nên quá cố chấp câu nệ vào hình thức mà làm trở ngại cho bước tiến trong việc hành trì niệm Phật của mình.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được trình bày 3 cách niệm Phật thành tiếng, mà trong kinh điển Phật Tổ đã chỉ dạy, để cho phật tử hiểu rõ thêm. 3 cách niệm phật đó là: Mặc Trì, Cao Thinh Trì, Kim Cang Trì.

* Mặc Trì: là niệm Phật bằng ý, thường thường trong đời sống thì ý thức con người hay bị dong rủi theo duyên, ngoại cảnh chi phối đủ điều, không bao giờ dừng nghỉ. Lúc gặp chánh pháp, có đủ duyên lành gặp đúng pháp môn tu. Thời gian thực tập chuyên tu tịnh nghiệp, tam nghiệp được phục chế, nghiệp lực không còn lừng lẫy, lửa tham sân si cạn dần theo sự thuần thục công đức siêng tu.

Lúc hành đạo, chư liên hữu thực hiện ngồi bán già hay kiết già, kiết ấn tín qua thời gian khởi động ban đầu, hành giả bắt đầu dùng ý niệm Phật, tức niệm Phật bằng ý thức, không niệm Phật ra tiếng, không niệm Phật nhép bằng miệng.

Ý thức luôn tinh tiến công phu niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật cho đến khi thuần thục, lần lần các căn khác cũng nương theo ý mà thuần thục cho đến khi thân an, thần tịnh, thân tâm an lạc trong sâu lắng, liên hữu tiếp tục thực tập điều hoà ngày đêm nhị thời, tam thời, tứ thời, lục thời, chắc chắn sẽ đạt đến đỉnh điểm định lực, tam muội. Tuy nhiên cách nầy nếu liên hữu tu không khéo dễ bị hôn trầm.

* Cao Thinh Trì: thì miệng kết hợp với ý niệm, tức là niệm bằng miệng, nhưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật lớn tiếng, tuỳ theo hoàn cảnh niệm thật lớn, niệm vừa phải, niệm vừa đủ nghe để trấn áp các tiếng động bên ngoài, hạn chế cho nhĩ thức bị động bởi những tiếng động bên ngoài. Chủ yếu niệm Phật cao thinh trì là dùng miệng niệm Phật lớn tiếng đánh động nhĩ thức tỉnh thức phan duyên theo tiếng niệm Phật, mà buông bỏ những tiếng động âm thinh bên ngoài; liên hữu chỉ còn nghe tiếng niệm Phật cho đến khi thuần thục tịnh tâm, an lạc, định lực nảy sanh mà thôi. Cách tu thường dễ bị tán loạn, nếu liên hữu niệm cẩu thả, dễ duôi.

* Kim Cang Trì: gần giống như cách niệm mặc trì, cao thinh trì, nhưng niệm không ra tiếng, mà chỉ nhép miệng, hở môi thật dịu dàng, không mở miệng quá lớn, không hé miệng quá nhỏ, làm cho ý bị động, không thể thực hiện hành pháp niệm Phật được. Hành giả liên hữu nhép miệng một phần ba môi, đánh lưỡi thật nhẹ nhàng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, rất dễ thuần thục sâu vào định, chánh niệm vững vàng không bị các ma ám ảnh, chư thiên lai hộ trì, phi nhơn không phá hoại, pháp giới thật an tịnh. Cách tu nầy thuộc của hàng Tăng Ni và Cư Sĩ thực hành thời điểm độc cư, nhập thất. Ở đây chỉ được minh triết, ở phần sau nói về phương pháp, cách thức niệm Phật sẽ được hướng dẫn rõ ràng hơn.

Nói tóm lại, 3 cách niệm Phật nói trên, phật tử tùy nghi linh động mà chuyển đổi. Không nhất thiết phải theo một cách nào cố định. Việc tu hành niệm Phật, ta phải khéo léo tùy thời mà uyển chuyển, nhất là phải thích hợp với tinh thần, sức khỏe và hoàn cảnh của mình. Vì sự tu hành niệm Phật không phải một ngày một bữa, mà nó đòi hỏi chúng ta phải gắng sức bền chí dẻo dai lâu dài.

Do đó, người học Phật đừng quá theo hình thức bên ngoài, chỉ huy tu hành chân thật. Hàng Cư Sĩ tại gia không cần phải cạo tóc mặc đồ đà, tự có thể để tóc mặc áo tràng mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Người ưa thích thanh vắng, không cần phải đánh chuông đánh mỏ, tự có thể yên lặng mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Người sợ công việc phiền phức, không cần kết bè lập hội, tự có thể đóng cửa mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Nếu như Phật tử không thể ngồi lâu, thì Phật tử nằm ngủ nghe kinh niệm Phật bằng cách niệm thầm nói trên, thì cũng không có lỗi chi cả.