Phóng viên: Sinh năm Canh Dần (1950), tính đến nay, ông đã 66 tuổi. Thế nhưng ông lại muốn tổ chức sinh nhật mình ở tuổi 40. Chắc chắn là có nguyên nhân?
– NSƯT Minh Vương: Bốn năm trước, tôi may mắn được hiến thận từ chàng trai 36 tuổi trong tình trạng chết não. Sức khỏe của tôi tốt lên từ sau ca ghép thận này. Tôi cảm nhận mình đang sống với sức khỏe của chàng trai đang ở tuổi 40. Tôi chọn sinh nhật tuổi 40 cũng là để tạ ơn người đã cho tôi mạng sống. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là tôi muốn quên đi cuộc đời thật của mình, ở đó có quá nhiều nỗi đau trong lòng. Tôi bước xuống giường bệnh sau ca ghép thận đã là Minh Vương khác rồi, nên cố quên hết chuyện buồn trong đời và chỉ nhớ mình mới 40 tuổi.
Nhưng cuộc đời Minh Vương 66 tuổi đầy vinh quang trên sân khấu cũng đáng để ông tự hào?
– Tôi đón nhận vinh quang cũng nhiều nhưng tủi nhục cũng không ít. Trong sự nghiệp, phải nói là tôi quá may mắn. Từ một cậu bé đi vớt lăng quăng bán làm thức ăn cho cá ăn để kiếm tiền, tôi được thầy Bảy Trạch ở cầu Chữ Y cho theo học ca và đã lĩnh giải Khôi nguyên Vọng cổ 1964 năm 14 tuổi. Khi bầu Long đưa tôi về Đoàn Cải lương Kim Chung, ông ấy đã sửa tên khai sinh Nguyễn Văn Vưng của tôi thành Minh Vương và nói: “Từ đây, tôi cho cậu làm vua”. Quả không sai. Tôi quá thành công trong sự nghiệp. Nhờ giọng ca mà mua nhà, sắm xe hơi, lập gánh hát… Về cuộc đời, tôi là người nhiều thất bại. Đời tôi có 2 lần ra tòa. Một lần ly dị vợ và một lần bị kiện tụng đòi trả tiền mua ngôi nhà mà một nữ đại gia tặng cho tôi vì ái mộ nghệ sĩ.
Hai lần ra tòa, tôi đều trong thế đơn độc, tự biện hộ cho mình, chứ không có ai bên cạnh. Khi tôi ly dị vợ, tòa nhiều lần mời lên hòa giải. Tôi đã nói nếu cứ ép tôi chung sống thì sẽ có án mạng xảy ra. Ban đầu, con trai tôi buồn và trách tôi nhưng rồi cháu lớn lên, hiểu biết và có sự cảm thông. Bây giờ, mỗi khi nghĩ đến mái ấm gia đình phải ly tán tôi đau lòng lắm!
Nhưng đó là khúc quanh của một đời người. Tôi lúc nào cũng cố gắng vượt qua chông gai để đi tới. Xét về khía cạnh đời người, tôi không có gì hối tiếc. Những gì tuổi trẻ mình vay thì lớn lên phải trả, đó là quy luật. Khi đổ bệnh, sức khỏe khốn khó mới thấy món nợ vay của mình lớn lắm.
Bất hạnh lớn nhất trong đời ông là gì?
– Tôi có giấy tờ xuất cảnh, đáng lý ra đã sang Úc định cư để đoàn tụ với ba má tôi. Hiện ông bà vẫn đang sống khỏe mạnh tại Úc. Thế nhưng, tôi hủy bỏ vào giờ chót. Lúc đó, tôi cảm thấy mình có lỗi với ba má, không báo đáp cho tròn chữ hiếu. Thế nhưng, ba má tôi đã hiểu, cảm thông khi biết tôi phấn đấu theo nghề hát, không lẽ buộc con phải bỏ cái nghề nó đeo mang. Tôi đã ở lại với sân khấu cải lương.
Trải qua nhiều thăng trầm dâu bể của cuộc đời, ông đúc kết được điều gì cho bản thân?
– Mỗi va đập, tùy theo mức độ nặng nhẹ, mình chọn cách bảo dưỡng cơ thể, tâm hồn. Có cái tôi ngã quỵ, có cái tôi cố đứng lên nhưng đều cho tôi thêm sức bền để đương đầu với thử thách. Nếu cuộc đời nghệ sĩ mà thiếu trải nghiệm thì không thể diễn xuất trên sân khấu với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Cho nên, khi đọc kịch bản, tôi cảm thấy hình như thân phận nào của nhân vật đều có chút ít biến cố cuộc đời tôi trong đó: một chút nông nổi, một chút liều lĩnh, một chút lãng mạn và trên hết là một khối tình rung động.
Ông từng nói đời kép hát nếu không có trái tim yêu mãnh liệt thì khó diễn hay. Và cái sự yêu mãnh liệt đó có là bi kịch của đời ông?
– Đúng! Rung động nhiều dễ biến mình thành kẻ đào hoa, dễ thương cảm, dễ bị chinh phục nhưng bù lại, tôi có được “bộ lọc cảm ứng” rất tốt cho các vai kiếm khách đa tình. Tôi ly dị vợ đầu cũng bởi bà ấy quá ghen và những cơn ghen làm tôi mệt mỏi. Đó là bi kịch của đời tôi.
Nhưng khán giả đồn đại hồi xưa ông yêu nhiều cô đào: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Thanh Tâm…?
– Nghề hát có nhiều cám dỗ. Số làm kép hát phải tỏ ra đào hoa, diễn để người ta tin mình đang yêu, đang say đắm cô đào trên sân khấu, khiến người xem cũng thổn thức theo câu ca, lời thoại của nhân vật, đó là những kỹ thuật giả tạo. Tôi chỉ rung động trên sàn diễn thôi. Còn ngoài đời, mình vẫn là cha, là chồng. Nếu nói dựa vào việc ỷ làm kép hát được quyền đào hoa, phá hoại gia can hạnh phúc người khác thì tôi không đồng tình.
So với những cái được lớn nhất trong đời, cái mất của ông có tương xứng?
– Ngang bằng đó chứ. Tôi tin Tổ nghiệp sân khấu rất linh nghiệm. Ông cho tôi nhiều lộc và cũng lấy lại nhiều điều. Cách đây 4 năm, khi bạn bè cùng thời với tôi đi hát khỏe re còn tôi ốm đau rề rề. Chạy hết thầy này đến hết phương thuốc nọ. Ở đâu có người chỉ lối là tôi tìm đến, từ chữa trị thuốc tây sang đông y. Tưởng không tìm ra được chứng bệnh là phải giải nghệ sớm chứ hát gì nổi. Thời gian đó tinh thần tôi suy sụp lắm. Nhưng vẫn phải giữ sự tươi tỉnh. Khi biết bệnh thận được cứu bằng cách ghép thận, tôi thấy mình như được xoa dịu nỗi đau.
Ngày 1-7-2012, tôi được các bác sĩ gọi vào Bệnh viện Chợ Rẫy gấp. Có người hiến thận cho tôi, đó là một chàng trai bị tai nạn chết não. Tôi cũng không biết tên, biết mặt. Trong danh sách hàng ngàn người đang chờ xét duyệt ghép thận, tôi đã có được vé ưu tiên, lại trên 60 tuổi, thì đó là một dịp may. Hạnh phúc hơn là sau khi ghép thận, sức khỏe tôi tiến triển tốt.
Có phải vì điều này mà ông lại đặt hàng soạn giả Đăng Minh sáng tác bài ca cổ “Nợ ân tình hẹn lại kiếp sau” để ông hát trong ngày triển lãm cuộc đời sự nghiệp của mình diễn ra trong ngày 1-7 vừa qua ?
– Tôi là anh kép hát nhận được quá nhiều sự ái mộ của khán giả, nhất là khán giả nữ, có người đòi làm người yêu, đòi làm vợ, đòi sống chết vì tôi… Ân tình đó không thể đáp đền cho hết nên hẹn lại kiếp sau, tiếp tục làm kép hát để trả bằng những vai diễn hay hơn, thành công hơn. Tôi nghĩ vậy!
Ông đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ lúc 14 tuổi. Nhưng các con ông lại không nối nghiệp cha?
– Tôi chắp nối với người vợ thứ hai tính đến nay đã 26 năm rồi. Con gái tôi đã lập gia đình, tôi đã có cháu ngoại. Tôi không muốn con mình theo nghề hát, cái nghề bạc và cực, tủi nhục lắm. Vinh quang nhiều khi chan đầy nước mắt. Nhưng số phận của mỗi người quyết định con đường đi của họ. Có thể con tôi không theo nghề hát nhưng cháu ngoại tôi theo thì sao! Thằng bé mới chút xíu đã thích múa, dạn dĩ, nghe nhạc là nhảy, nhạc sôi động nhảy mạnh mẽ, nhạc trữ tình nhảy êm dịu.
Cuộc sống của ông bây giờ thế nào?
– Trước mắt, sức khỏe tôi đang tốt. Nghe nói sau 10 năm, nếu khỏe và có thận thì lại phải ghép, còn nếu không khỏe thì phải chấp nhận số phận. Tôi đang thấy mình hạnh phúc vì có được sức khỏe của tuổi 40, cứ hát, cứ ca, cứ làm những việc có ích cho sân khấu cải lương và gây quỹ giúp con em nghệ sĩ nghèo, công nhân hậu đài có điều kiện đến trường.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!