Ngày 29 tháng 7 hàng năm là Ngày quốc tế bảo tồn Hổ

“Đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ để có thể bảo tồn loài hổ – loài có vị trí quan trọng đối với đa dạng sinh học và gắn liền với nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bảo tồn loài hổ và sinh cảnh của chúng là bảo tồn sự đa dạng, phong phú của loài và hệ sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngày quốc tế về Bảo tồn Hổ là một cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này”

(Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường Việt Nam).

“Một trong các mục đích của những hoat động nâng cao nhận thức này là để thay đổi hành vi của người dân và chính quyền để ngăn chặn việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ và ủng hộ việc bảo vệ hổ hoang dã”

Tiến sĩ William Schaedla, Giám đốc TRAFFIC khu vực Đông Nam Á

WWF Việt Nam:

Quần thể hổ hoang dã đang suy giảm ở tất cả các quốc gia có hổ phân bố ở lục địa Đông Nam Á. Gần như chắc chắn rằng các quốc gia này còn ít hổ hơn so với năm 2010 – thời điểm đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp. Việt Nam có thể đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực trong việc cứu hổ hoang dã bằng việc tăng cường các giải pháp kiểm soát nạn buôn bán và tiêu thụ hổ bất hợp pháp.

Stuart Chapman, người đứng đầu Sáng Kiến Tiger Alive của WWF cho biết: “Các quần thể hổ ở Đông Nam Á đã suy giảm tới mức báo động bất chấp những cam kết tăng quần thể hổ trên toàn cầu cách đây một thập kỷ. Nhưng vẫn không quá muộn nếu chúng ta hành động khẩn cấp để tăng cường nguồn lực và quản lý những thành trì cuối cùng của loài mèo lớn mang tính biểu tượng của châu Á này.”

“Các nước như Ấn Độ, Nepal và Nga là những ví dụ điển hình cho thấy với những biện pháp can thiệp đúng đắn, quần thể hổ có thể phục hồi, và trong một số trường hợp, tăng gấp đôi trong một khoảng thời gian ngắn. Chỉ cần đủ môi trường sống, thú mồi và được bảo vệ khỏi nạn săn trộm, hổ có thể quay trở lại,” ông nói thêm.

Bẫy dây là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á. Ước tính có tới hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam – những quốc gia đã từ lâu không tìm thấy dấu hiệu hổ sinh sản trong tự nhiên. Đây là tình trạng mà cả khu vực sẽ phải đối mặt nếu không có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.

Bất chấp sự suy giảm chung về số lượng hổ trong khu vực, vẫn có những tín hiệu lạc quan từ những câu chuyện thành công. Các cuộc tuần tra chống săn trộm do các thành viên cộng đồng người bản địa thực hiện tại Khu Bảo tồn Belum Temengor của Malaysia đã góp phần giảm 94% số bẫy dây kể từ năm 2017. Ở Việt Nam, từ năm 2011, trong khuôn khổ dự án CarBi, WWF-Việt Nam và các đối tác đã gỡ bỏ 134.000 bẫy dây. Và ở Thái Lan, hổ phân bố rải rác từ Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Huai Kha Khaeng tới các khu bảo tồn khác nhờ các biện pháp quản lý và kết nối khu bảo tồn được thực hiện quyết liệt.

Các mối đe dọa lớn khác bao gồm mất môi trường sống do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển nông nghiệp, và buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Từ 2000-2018, các bộ phận của hổ – tương đương với khoảng 1004 cá thể – đã bị thu giữ tại Đông Nam Á, cùng khoảng 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam tiếp tục thách thức các nỗ lực thực thi pháp luật và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.

“Là một quốc gia đang phát triển nhanh trong khu vực, Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở Việt Nam; loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ; tăng cường nguồn lực cho các khu bảo tồn để ngăn chặn săn trộm và phục hồi quần thể thú mồi của hổ nhằm chuẩn bị môi trường sống đầy đủ và an toàn cho việc tái thả hổ tại Việt Nam trong tương lai ”, Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình, WWF nhận xét.

Các chính phủ ở Đông Nam Á có cơ hội đảo ngược tình trạng suy giảm hổ bằng cách thông qua Kế hoạch Hành động Phục hồi Hổ ở Đông Nam Á sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Châu Á về Bảo tồn Hổ lần thứ tư, do Chính phủ Malaysia tổ chức vào tháng 11/2021 tới đây. Kế hoạch được bàn thảo có thể bao gồm tăng ngân sách cho các khu bảo tồn trong đó có ngân sách cho cán bộ kiểm lâm làm việc trên thực địa và thành lập các Uỷ ban Quốc gia về Bảo tồn Hổ do người đứng đầu chính phủ chủ trì. Ngoài ra, kế hoạch cũng xem xét một số vấn đề khác như cơ hội di chuyển và tái thả hổ, đồng thời giải quyết việc buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ.

“Mặc dù dấu vết về hổ tại Việt Nam trong tự nhiên gần như không thấy, nhưng Việt Nam vẫn đang và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang được triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức bảo tồn và mong đợi nhận được các đóng góp nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam thực hiện được các cam kết ngắn hạn là trở thành nơi an toàn cho loài hổ trở lại, tiến tới thực hiện việc tái thả hổ về tự nhiên để tăng quần thể hổ ở Đông Dương”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Đã có nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ hổ thành công. Ấn Độ đang áp dụng các quy chuẩn tốt nhất trong quản lý các khu bảo tồn hổ. Ngày 27/9, nước này công bố 14 Khu Bảo tồn đã được phê duyệt theo Quy chuẩn CA|TS – một công cụ bảo tồn gồm các tiêu chuẩn quản lý các loài mục tiêu và tiến độ đánh giá. Hiện có hơn 100 khu đạt CA|TS và 70% trong số này là nơi sinh sống của quần thể hổ trên toàn cầu, bao gồm các địa điểm ở Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nepal và Nga. Thế giới và cộng đồng bảo tồn trông đợi Việt Nam và các nước láng giềng cho hổ một không gian sống an toàn và sớm đưa chúng trở lại nơi chúng từng sinh sống.

Hổ là loài thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Sách Đỏ Việt Nam 2007: xếp hạng Rất Nguy cấp (CR).

“Là loài động vật ăn thịt bậc trên, hổ giúp đảm bảo số lượng các loài động vật làm mồi trong tầm kiểm soát, điều này giúp duy trì sự cân bằng và ổn định của hệ sinh thái, hổ mang lại những lợi ích cho các loài khác, bao gồm cả con người, loài đang phụ thuộc vào hệ sinh thái cho sinh kế và an ninh sinh thái như nước sạch, lương thực”

(Nick Cox, Quản lý Chương trình về các khu Bảo tồn, loài và buôn bán động vật hoang dã của WWF- Greater Mekong)

Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động. Là nơi có sinh cảnh sống lý tưởng của loài Hỗ Đông Dương và đã có sự hiện diện của chúng.