Đâu cũng có hàng “làm” từ mãnh thú
Đến Buôn Đôn, Đắk Lắk, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán các sản phẩm được cho là chế tác từ ngà, lông đến xương của voi hoang dã. Kẻ bán thì luôn “nổ”, còn người mua đều tin sái cổ đó là những sản phẩm “thần tiên” của quê hương dũng sĩ bắt voi AmaKông – người sống thọ hơn 100 tuổi, năm 80 tuổi vẫn lấy được vợ đẹp và sinh con.
Nhắc đến vùng đất voi Buôn Đôn là người ta luôn nhớ đến “vua voi” Amakông cũng như bài thuốc ngâm rượu do ông tìm kiếm, bào chế có thể chữa được nhiều thứ bệnh, mà nổi tiếng nhất là thứ bệnh “yếu sinh lý” của các bậc mày râu. Còn bây giờ, khi đến vùng đất này, bước chân vào các cửa hàng bán đồ lưu niệm, người ta còn râm ran nhiều điều kỳ diệu khác từ những sản phẩm của Buôn Đôn như: Hàn gắn tình cảm vợ chồng, tô điểm các cuộc tình, giúp cải lão hoàn đồng… (?)
Còn nhớ, ngày 3/11/2012, ngày “vua voi” AmaKông lìa xa cõi trần, du khách và những người quý mến cụ đến tiễn đưa rất đông. Ai mà chẳng muốn chứng kiến khoảnh khắc về với đất của một huyền thoại Tây Nguyên kỳ bí, nguyên sơ này? Cái sự đông người ấy, đó là câu chuyện của ngày hôm qua. Còn bây giờ, khách đến Buôn Đôn chỉ để “săn” những sản phẩm độc – dị – lạ được chế tác từ voi chứ không còn mấy ai đến Buôn Đôn để thăm viếng nhà mồ của “vua voi” nữa. Mặc dù, mộ cụ nằm ở đầu buôn, là một trong những điểm đến luôn được giới thiệu trong Trung tâm thông tin du lịch của Buôn Đôn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây, hầu như quầy hàng lưu niệm nào cũng bày bán các sản phẩm liên quan đến các loài mãnh thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam (đặc biệt là gấu, hổ, voi) như nanh, vuốt, móng, lông, da… Nhưng “nổi tiếng”, phổ biến và được nhiều khách du lịch mua là những mặt hàng liên quan đến “biểu tượng của Buôn Đôn” như vòng đeo tay bằng xương voi, ngà voi, lông đuôi voi.
Những thần diệu “nổ” từ voi
Đuôi voi nhà bị chặt trộm bán lấy lông. Ảnh: T.L
Thấy chúng tôi hỏi chuyện, chủ quầy lưu niệm B.Đ đưa những chiếc lông đuôi voi với nhiều kích cỡ lớn nhỏ, dài ngắn ra rao bán với giá từ 100.000 – 300.000 đồng/chiếc. “Lông đuôi voi tốt lắm, may mắn lắm, có nó trong người xua đuổi được tà khí, đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, cầu gì, ước gì đều được hết”(?), người chủ quán trạc tuổi 40 oang oang nói.
Tiếp đến, chủ cửa hàng giới thiệu về nhẫn lông đuôi voi – món trang sức được nhiều người săn tìm. Ông khẳng định, chỉ có nhẫn lông đuôi voi ở Buôn Đôn mới “chất”. Như để tạo độ tin tưởng cho chúng tôi, người chủ mở tủ lấy ra một vài sợi lông đuôi voi và cặp nhẫn. Theo quan sát, lông đuôi voi đen bóng được luồn vào chiếc nhẫn vàng có nhiều lỗ, trông rất bắt mắt. “Cặp nhẫn lông đuôi voi này giá 2,5 triệu. Những cặp đôi nào đeo nhẫn này cũng đều sống rất hạnh phúc, viên mãn”, chủ cửa hàng đon đả nói.
Dạo quanh một số cửa hàng bán đồ trang sức ở ngay gần khu lăng mộ của cụ AmaKông và khu “nghĩa địa voi”, không khó để tìm mua được sản phẩm được chế tác từ các bộ phận của voi. Đặc biệt, một số cửa hàng còn bán nguyên sợi lông voi nếu khách có nhu cầu mua. Giá lông đuôi trắng hiếm hơn nên đắt gấp rưỡi lông đuôi đen, có khi lên tới hơn cả triệu đồng/chiếc. Nhiều người còn tin rằng dùng lông voi để xỉa răng hoặc đốt lên lấy muội nhét vào chỗ răng sâu sẽ hết đau nhức(?).
Chị Hương, một du khách từ Hà Nội cho hay: “Tôi có nghe nhiều người nói khi đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ tránh được tà ma, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nên cũng sắm cho mình một chiếc. Tôi cũng thắc mắc không hiểu nó có tác dụng thế nào nhưng cứ đeo vậy thôi”. Tâm lý của chị Huơng cũng là tâm lý của nhiều người khi muốn sở hữu một chiếc nhẫn lông đuôi voi. Và từ những lời đồn thổi vô căn cứ và niềm tin “thần thánh” của nhiều người như chị Hương khiến cho thị trường nhẫn lông đuôi voi ngày càng bát nháo. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng những truyền thuyết hư cấu về tác dụng của những sản phẩm từ voi để trục lợi lòng tin mù quáng của người dân.
Da voi không có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như đồn thổi. Ảnh C.Tuân
Cũng tại xã Krông Na, nhiều cửa hàng còn bán công khai da voi phơi khô bên cạnh các loại hàng lưu niệm bằng xương đầu lợn rừng, xương voi, ngà voi, lông đuôi voi. Da voi bán tại khu vực này được cắt thành những miếng vuông khoảng 4cm mỗi cạnh và bán với giá 200.000-300.000 đồng/miếng. Theo lời của chủ cửa hàng, da voi sấy khô có thể dùng để chữa bệnh đau dạ dày. Khi dùng chỉ cần thái nhỏ đưa vào chảo rang vàng rồi tán thành bột hòa vào nước uống thì bệnh dạ dày lâu năm cũng lành(?).
Còn các sản phẩm trang sức được chế tác từ ngà voi được nhiều người truyền miệng có công dụng chữa bệnh phong thấp, phòng nhiễm độc… Đây chính là nguyên nhân khiến ngà voi được đẩy lên với giá trên trời. Vì lợi nhuận, bọn “đạo chích” còn nhổ trộm lông đuôi voi hoặc chặt cả đuôi voi. Tại Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều vụ việc voi bị giết hại để lấy ngà, lấy lông, đuôi và da voi.
Tiền thật mua công dụng “ảo”
Sản phẩm mà chủ cửa hàng giới thiệu là đầu lợn rừng xịn được bày bán công khai ở Buôn Đôn. Ảnh C.Tuân
Bàn về tác dụng của các sản phẩm nói trên, TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Phòng Động vật có xương sống (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết: “Ngà voi tuy đắt nhưng thực tế không có tác dụng gì đối với sức khoẻ. Một chiếc vòng đeo tay nhỏ bằng ngà voi cũng có giá vài triệu đồng. Đeo vòng ngà voi hay vuốt hổ tránh gió, phòng nhiễm độc… mới chỉ là những quan niệm dân gian truyền miệng, chưa có nghiên cứu khoa học nào về tác dụng của nó”.
“Xét về cấu tạo cơ học thì ngà voi thực chất chỉ là một chiếc răng. Nó không có tác dụng gì ngoài việc để trang trí, nhưng có lẽ càng cấm thì càng quý nên nó mới bị săn lùng. Vì sao ngà voi lại trở nên đắt như vậy là một câu hỏi không có lời giải đáp. Sử dụng ngà voi với mong muốn chữa bệnh hoặc phòng bệnh là một quan niệm rất phi khoa học. Thậm chí, trong ngà voi có nhiều thành phần phức tạp khiến người dùng có nguy cơ bị dị ứng và nhiễm độc”, TS Phạm Trọng Ảnh nhấn mạnh.
Trước thông tin phóng viên cung cấp, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân (Ban quản lý dự án bảo tồn Voi) cho biết: “Voi Buôn Đôn thuộc nhóm voi Châu Á trong danh mục cấm tuyệt đối buôn bán tất cả các sản phẩm từ voi. Việc buôn bán các sản phẩm được chế tác từ voi như Báo GĐ&XH phản ánh, là việc trái pháp luật. Cơ quan chức năng và cơ quan quản lý thị trường phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra. Nếu phát hiện hành vi buôn bán các sản phẩm được chế tác từ voi phải tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Nếu buôn bán với khối lượng lớn phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”.
Là cán bộ có nhiều năm làm nghiên cứu về voi, bà Vân cũng cho hay: “Hiện nay, chưa có bất kỳ một công trình khoa học nào kiểm chứng về tác dụng của da voi, ngà voi và lông đuôi voi đối với người sử dụng. Tất cả chỉ là đồn thổi không căn cứ. Cũng vì tin vào tâm linh nên nhiều người đã rơi vào cảnh tiền mất tật mang cũng như tiếp tay cho những kẻ xấu tận diệt voi rừng”.
Từ xưa, voi là con vật thân quen, được người bản địa tôn thờ, làm lễ cúng “nhập buôn” cho voi rừng vừa bắt được, lễ cúng đặt tên voi được tổ chức trang trọng. Sự tôn thờ đó đã đưa voi đến vị trí con vật thiêng liêng. Rồi từ vật thiêng, voi trở thành mặt hàng kinh doanh không thương tiếc của các con buôn và sự cuồng tin của con người. Khách du lịch đến Buôn Đôn săn tìm mua nhẫn đuôi voi, vòng đeo tay và các trang sức từ ngà voi khiến những chú voi Buôn Đôn ngày càng bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!