Một số loại u buồng trứng thường gặp: Cách phát hiện và xử trí – Khám chữa bệnh, phổ biến kiến thức y học – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội

Theo nghiên cứu khoảng 90% khối u buồng trứng gặp ở phụ nữ trẻ là lành tính, trong đó trên 75% u cơ năng, 25% u to lên thành u tân sinh thực sự ở phụ nữ tuổi sinh sản, với 10% là u ác tính.

Bệnh lý lành tính của buồng trứng thường gặp ở những phụ nữ độ tuổi hoạt động sinh dục bao gồm những nang cơ năng hoặc khối u tân sinh lành tính. Xử lý các bệnh lý này phụ thuộc vào tình trạng khối u khi được chẩn đoán.

Đa số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, khối u thường được phát hiện tình cờ và sẽ thoái triển sau một thời gian. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần được theo dõi và đánh giá sau 6 tuần. Trường hợp khối u vẫn tồn tại cần được xem xét. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng như xuất huyết do vỡ nang, đau bụng do khối u xoắn….

Dưới đây một số dạng u buồng trứng lành tính thường gặp:

1. Nang đơn thùy

Nang đơn thùy buồng trứng là một loại u nang buồng trứng do rối loạn nội tiết tố gây nên. Đặc điểm nhận dạng là chỉ có một vách ngăn, mô mỏng, u không nhú, echo (tiếng vang) kém, kích thước không lớn (phổ biến).

Thông thường đa số u nang đơn thùy đều là lành tính, một thời gian có thể tự tiêu đi.

Đối với một số trường hợp đặc biệt u nang đơn thùy phát triển lớn, gây biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh (phổ biến nhất là xoắn nang, vỡ nang).

Tương tự như một số loại u nang buồng trứng khác, biểu hiện lâm sàng của nang đơn thùy thường khá ít và khó nhận biết. Một số dấu hiệu nhận biết u nang đơn thùy phổ biến như: đạu ở vùng bụng dưới, sau đó là đau khắp cả ổ bụng. Cơ thể mệt mỏi, đôi khi sốt cao, buồn nôn,… Rối loạn nhịp tim. Kỳ kinh nguyệt thất thường (chậm, trễ hoặc rong kinh)

Thực tế những dấu hiệu này, khá trùng lặp với các bệnh lý liên quan đến buồng trứng khác. Bệnh chỉ có thể xác định chính xác khi khám phụ khoa.

Các u nang đơn thùy buồng trứng thường nếu không tiêu đi trong chu kỳ kinh nguyệt đó, nó có thể tiêu ở 2 đến 3 kỳ kinh tiếp theo. Vì thế thông thường loại u này không nguy hiểm.

Tuy nhiên, những trường hợp u nang thùy ngày càng phát triển, không tiêu đi dẫn đến xảy ra biến chứng thì khá nguy hiểm, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai.

2. Nang xuất huyết

Xuất huyết có thể xảy ra trong bất kỳ nang nào, có thể là do chảy máu bên trong một hoàng thể, có khi biểu hiện lâm sàng là tình trạng đau vùng chậu cấp.

U nang buồng trứng xuất huyết là hiện tượng mô mạch máu nhỏ bị vỡ điều này có thể xảy ra trong quá trình trứng phóng noãn hoặc u buồng trứng vỡ. Tình trạng này gây nên hiện tượng xuất huyết, gây đau ở vùng bụng dưới cho người bệnh.

Cần phân biệt tình trạng này với hiện tượng nang buồng trứng xuất huyết sinh lý xảy ra hàng tháng khi có trứng rụng ở phụ nữ. Ở cơ chế sinh lý bình thường của người phụ nữ, mỗi tháng đều có hiện tượng rụng trứng. Khi trứng rụng thì buồng trứng sẽ bị xuất huyết. Đa phần hiện tượng xuất huyết này sẽ tự cầm không cần điều trị.

Trong một số trường hợp phụ nữ có u nang buồng trứng, khi mạch máu bị vỡ gây xuất huyết nhiều bệnh nhân có thể bị thiếu máu cấp tính thì cần phải can thiệp ngay tránh nguy hiểm tính mạng.

3. Nang hoàng thể

Nang hoàng thể được hình thành sau khi phóng noãn do nang không thoái hóa được, kích thước của nang hoàng thể thay đổi có thể từ 3cm đến 10cm. Nang sinh lý sẽ tự biến mất trong vài chu kỳ.

Đôi khi những nang này còn tăng trưởng lớn hơn cả buồng trứng. Chúng có thể tự xuất huyết trong nang hoặc gây xoắn buồng trứng. Lúc đó sẽ rất đau. Khi một nang chứa đầy máu vỡ ra, nó sẽ gây ra đau đột ngột và dữ dội ở bụng.

Chẩn đoán nang hoàng thể vỡ dựa vào các triệu chứng đau bụng hạ vị âm ỉ, đột ngột…Siêu âm bụng sẽ có dấu hiệu dịch ổ bụng lượng ít, vừa hay nhiều. Đa số vỡ nang hoàng thể sẽ tự khỏi. Tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ phải mổ cấp cứu cầm máu vì xuất huyết ổ bụng.

4. Nang lạc nội mạc ở buồng trứng

Nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là bệnh lý lành tính (không phải ung thư). Tuy vậy nang có thể là nguyên nhân gây nên một số vấn đề khó giải quyết, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm: Đau vùng chậu mạn tính; Khó thụ thai hoặc vô sinh; Rối loạn chức năng bình thường của buồng trứng; Suy chức năng buồng trứng sớm.

Bên cạnh đó, có một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải như: Vỡ nang:, xoắn phần phụ, u nang quá to gây chèn ép và rối loạn chức năng các cơ quan vùng chậu…Trong số các vấn đề trên, đau vùng chậu mạn tính là triệu chứng thường gặp và gây ảnh hưởng nhất đến người bệnh. Đặc điểm đau thường âm ỉ nhẹ, đau tăng lên trước hoặc trong khi chu kỳ kinh. Đôi khi đau khi giao hợp. Khi kích thước u to, có thể quan sát hoặc sờ thấy khối u nhô lên ở vùng bụng dưới rốn. Mức độ đau thường có liên quan với kích thước nang và các sang thương lạc nội mạc tử cung kèm theo ở các vị trí khác.

Mặc dù một số trường hợp nang lạc nội mạc tử cung không gây triệu chứng rõ ràng, nó có thể âm thầm làm suy giảm chức năng buồng trứng, hậu quả là người phụ nữ có thể khó có thai trong tương lai. Mức độ suy giảm chức năng buồng trứng được cho là có liên quan với thời gian tồn tại của nang lạc nội mạc tử cung.

Bên cạnh đó, khi thời gian tồn tại lạc nội mạc tử cung càng kéo dài, các tổn thương viêm do lạc nội mạc tử cung ở vùng chậu sẽ càng nặng nề hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Do đó, người bệnh khi phát hiện bệnh lý lạc nội mạc tử cung được khuyên nên lập kế hoạch mang thai sớm trước khi tình trạng viêm xảy ra nặng nề hơn. Hãy khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản sớm nếu bạn khó có thai hoặc vô sinh (không có thai sau 12 tháng không sử dụng biện pháp ngừa thai).

5. U nang bì

U nang bì còn gọi là u quái (teratoma), thường nằm ở một bên buồng trứng chứa các mô như răng, lông, tóc, bã đậu. Nang bì thường lành tính nhưng cũng có thể trở thành ác tính, tỷ lệ ác tính 1-5%. Hay được phát hiện ở lứa tuổi 20-30 tuổi. Các dấu hiệu của u nang bì thường rất khó phát hiện hoặc gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nhưng phần lớn, bệnh nhân sẽ thấy các dấu hiệu như: Đau bụng kéo dài, tần suất cũng như mức độ của cơn đau sẽ tùy thuộc tình trạng bệnh của mỗi người. Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, người bệnh có thể bị rong kinh hoặc trễ kinh. Có hiện tượng đau rát hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục. Người bệnh thường xuyên xuất hiện cảm giác chán ăn, đầy hơi. Cân nặng tăng hoặc giảm đột ngột.

Khối u buồng trứng là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ và đa số là các u lành tính. Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ thấp khối u là ung thư buồng trứng-một loại ung thư có độ ác tính cao và thường không có triệu chứng gì trong giai đoạn sớm, chỉ có thể phát hiện khi khám phụ khoa và siêu âm,… Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 4 – 6 tháng/ lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của u nang buồng trứng cũng như các bệnh phụ khoa khác.

Hà Khanh (Theo Sức khỏe & đời sống)

Dương Hồng Hạnh