- Tweet
Vài năm trở lại đây, ở xã Thượng Quan (Ngân Sơn) xuất hiện nhiều mô hình nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và làm giàu.
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch của gia đình ông Hoàng Văn Phong, thôn Bằng Lạng, xã Thượng Quan.
Gia đình ông Hoàng Văn Phong ở thôn Bằng Lạng là hộ nuôi ngựa bạch nhiều nhất tại xã Thượng Quan. Ông Phong chia sẻ, trước đây, ông đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt nhưng gặp nhiều rủi ro vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, nhân một lần đến thăm gia đình người thân ở huyện Na Rì, nhận thấy triển vọng kinh tế từ giống ngựa bạch được người địa phương nuôi, ông đã dồn tiền và vay vốn thêm để mua 2 con ngựa bạch giống về nuôi. Những năm gần đây, ngựa bạch bán được giá cao, ông Phong đã gây giống và phát triển tăng đàn, có thời điểm tổng đàn lên tới 20 con. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, ông còn trồng hơn 1ha ngô và 2.000m2 cỏ voi để bổ sung thêm thức ăn cho đàn ngựa béo, khỏe. Đầu năm nay, gia đình ông xuất bán 3 con ngựa bạch giống hơn 1 năm tuổi, giá trung bình 35 triệu đồng/con, thu được trên 100 triệu đồng. Ông Phong khẳng định: “So với các loài vật nuôi truyền thống khác thì nuôi ngựa bạch không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”. Hiện, gia đình ông có 13 con ngựa giống bố mẹ, trong đó có 11 con cái.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, ông Phong cho biết: Để nuôi ngựa bạch, việc quan trọng đầu tiên là chọn con giống, phải chọn con thân hình đẹp, khỏe mạnh. Việc chăm sóc ngựa cũng rất nhàn, người nuôi không cần phải chăn hằng ngày như trâu, bò, mà thả chúng đi rông tự nhiên. Hầu hết các loại cây cỏ chúng đều ăn được nên khi ở ngoài đồng hay các triền núi là tự đi tìm thức ăn. Chỉ đến khi ngựa về chuồng mới cho thêm thức ăn là hạt ngô, cám gạo hoặc cỏ voi để bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa béo tốt. Ngựa bạch có sức kháng bệnh tốt nhưng không phải là không mắc bệnh. Vài năm trở lại đây, một số con ngựa xuất hiện các loại bệnh như: tụ huyết trùng, viêm màng não, sưng mõm…, người nuôi cần chú ý theo dõi và tiêm phòng bệnh để tránh gặp rủi ro.
Hộ ông Hoàng Văn Lang ở thôn Thuận Hưng cũng có nhiều năm gắn bó với chăn nuôi ngựa bạch. Trước đây, cuộc sống gia đình ông Lang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên nhiều năm gia đình ông thuộc hộ nghèo. Nhận thấy nhiều hộ chăn nuôi ngựa bạch cho thu nhập cao, ông đã mua 1 con ngựa bạch cái về nuôi. Hiện tại, gia đình ông nuôi 3 con ngựa bạch. Vừa qua, gia đình ông bán 3 con được gần 150 triệu đồng. Ông Lang chia sẻ: “Nhờ nuôi ngựa bạch mà gia đình có thêm khoản trang trải cuộc sống, có tiền sửa sang nhà cửa và cho con cái ăn học. Tới đây, sẽ tiếp tục nhân đàn lên với số lượng lớn hơn”.
Ngựa bạch là giống ngựa quý, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh. Giá một con ngựa bạch bình thường dao động từ 20 – 30 triệu đồng, ngựa trưởng thành (4 – 5 tuổi) có giá từ 40 – 50 triệu đồng. Theo các hộ nuôi ngựa bạch ở Thượng Quan, nuôi ngựa bạch không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên hay vườn nhà như: ngô, thóc, cỏ… luôn có sẵn ở địa phương. Mặt khác, nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại gia súc, gia cầm khác. Việc thu hồi vốn nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định nên khá nhiều hộ dân ở xã chọn mô hình này và xem đây là hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như: Hộ ông Hoàng Văn Vượng, Đặng Tuần Tôn, Hoàng Đức Báu… đã vươn lên khá giả từ mô hình chăn nuôi ngựa bạch.
Đồng chí Hoàng Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Quan cho biết: “Chăn nuôi ngựa là tập quán lâu đời của người dân và là thế mạnh trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, chăn nuôi ngựa bạch được nhiều hộ dân chú trọng phát triển trong những năm gần đây. Ngựa bạch được tư thương nhiều nơi tìm mua và có giá trị kinh tế cao nhất. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa bạch tại xã hứa hẹn sẽ thay đổi mạnh mẽ đời sống người dân trong tương lai. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền khuyến khích các hộ mở rộng quy mô đàn ngựa bạch, nhất là các thôn nuôi ít như Nà Ngần, Nà Kéo, Ma Nòn”.
Thượng Quan hiện là địa phương sở hữu nhiều ngựa bạch nhất huyện Ngân Sơn, với tổng đàn trên 200 con, tập trung nhiều ở các thôn Bằng Lạng, Khuổi Khương, Thuận Hưng… Là xã còn nhiều khó khăn, bởi vậy với hiệu quả kinh tế mang lại, nghề chăn nuôi ngựa bạch đang là hướng đi đúng đắn giúp bà con nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi ngựa bạch đòi hỏi vốn ban đầu lớn, đây là thách thức không nhỏ đối với các hộ dân ở xã Thượng Quan muốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hơn nữa, quy trình chăm sóc ngựa bạch của người dân chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật chăn nuôi bài bản nên chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, ngựa bạch là loài gia súc quý hiếm nên mua giống ngựa không phải lúc nào cũng thuận lợi, việc nhân giống ngựa bạch khó hơn ngựa màu. Mặc dù một số hộ ở Thượng Quan cũng nhân giống thành công vật nuôi này nhưng số con giống còn ít so với nhu cầu chăn nuôi… Bởi vậy, người dân xã Thượng Quan rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng trong việc định hướng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kiến thức về thú y để chủ động phòng, chữa bệnh cho ngựa; kỹ thuật nhân giống và bảo tồn nguồn gen đối với đàn ngựa bạch ở địa phương để yên tâm phát triển tổng đàn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững./.
Đồng Lai (Ngân Sơn)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!