Một tháng tóc dài ra bao nhiêu cm? Làm thế nào để tóc mọc nhanh hơn?

Trên đầu mỗi người có đến hàng trăm ngàn sợi tóc. Giai đoạn ngay sau khi sinh ra là lúc mà chúng ta có nhiều nang tóc nhất. Mật độ nang tóc lúc này là 1.000 nang tóc trên mỗi cm2 da đầu nhưng theo thời gian, số lượng nang tóc sẽ giảm đi, chẳng hạn ở độ tuổi 20 – 30 tuổi sẽ có khoảng 1.000 sợi tóc bị tiêu giảm. Mật độ nang tóc lúc này giảm xuống 600 nang tóc/cm2, tiếp tục giảm xuống 500 nang tóc/cm2 khi bước sang độ tuổi 40 – 50 và khi ở độ tuổi 60 – 70 thì chỉ còn 400 nang tóc/cm2 da đầu. Điều này có nghĩa là càng lớn tuổi thì số lượng tóc sẽ càng ít. Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu các giai đoạn phát triển của tóc, tốc độ mọc của tóc và các cách chăm sóc tóc để tóc dài nhanh hơn.

Tốc độ mọc và cấu tạo của tóc

Tóc được tạo ra từ các “tế bào nang tóc” nằm ở độ sâu khoảng 1 – 2mm dưới da đầu. Tóc dài ra khoảng 0,5 – 1,27cm mỗi tháng hay 0,423mm mỗi ngày. Tuy nhiên, tóc của trẻ em và phụ nữ dài ra nhanh hơn. Mỗi nang tóc có thể có từ 1 – 4 sợi tóc nhưng nếu tính trung bình cả đầu thì 1 nang tóc thường có 2 – 3 sợi tóc. Mỗi sợi tóc được tạo nên từ 50,65% carbon, 20,85 oxy, 17.14% nitơ, 6,36%, hydrogen, 5,0% lưu huỳnh cùng một lượng nhỏ các khoáng chất khác như magie, sắt, crom,…

Các giai đoạn trong chu kỳ tăng trưởng của tóc

Mái tóc có chức năng bảo vệ da đầu, ngoài ra còn có chức năng làm đẹp và thể hiện tính cách của mỗi người. Mỗi một sợi tóc đều trải qua một “vòng đời” gồm có giai đoạn mọc và rụng. Trung bình mỗi người có khoảng 100.000 – 120.000 sợi tóc trên đầu và mỗi ngày rụng khoảng 50 – 100 sợi tóc. Nếu bạn gội đầu và phát hiện có đến 200 sợi tóc rụng thì đó cũng là điều bình thường theo vòng đời của sợi tóc. Chu kỳ tăng trưởng hay vòng đời của tóc gồm có 4 giai đoạn. Không phải toàn bộ tóc trên đầu đểu ở cùng một giai đoạn. Điều này có nghĩa là thời điểm rụng của mỗi sợi tóc là không giống nhau.

Giai đoạn anagen (giai đoạn phát triển)

Giai đoạn anagen hay giai đoạn phát triển là giai đoạn mọc tóc mới. Lúc này nang tóc nằm ở vị trí sâu nhất trong lớp hạ bì, được cung cấp chất dinh dưỡng bởi nhiều mạch máu xung quanh. Khi còn nhỏ, giai đoạn anagen kéo dài khoảng 3 – 5 năm nhưng khi lớn lên, giai đoạn này sẽ rút ngắn lại. Ở giai đoạn anagen, tóc mọc dài khoảng 1cm mỗi tháng (bình thường, 80 – 90% tóc trên đầu ở giai đoạn anagen, 10 – 15% ở giai đoạn telogen và chỉ có một phần nhỏ ở giai đoạn catagen).

Giai đoạn catagen (giai đoạn ngưng triển/giai đoạn chuyển tiếp)

Giai đoạn catagen là sự kết thúc của giai đoạn anagen. Lúc này nang tóc ngừng phân chia tế bào và dần dần di chuyển lên cao hơn. Giai đoạn catagen kéo dài khoảng 2 – 3 tuần. Sợi tóc tách khỏi đáy nang tóc, sự cung cấp máu cùng chất dinh dưỡng giảm dần và tóc chuẩn bị rụng. Đây là giai đoạn ngắn nhất trong chu kỳ tăng trưởng của tóc.

Giai đoạn telogen (giai đoạn thoái triển/giai đoạn nghỉ ngơi)

Đây là giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của sợi tóc. Giai đoạn này, nang tóc sẽ ngừng mọc tóc hoàn toàn. Giai đoạn telogen kéo dài khoảng 3 tháng. Ở cuối đoạn telogen, những sợi tóc mới sẽ mọc lên và đẩy những sợi tóc cũ ra ngoài. Tóc mới mọc càng nhiều thì sẽ càng có nhiều tóc rụng.

Giai đoạn exogen (giai đoạn rụng tóc cũ, mọc tóc mới)

Giai đoạn exogen thực chất là một phần của giai đoạn telogen. Ở giai đoạn exogen, tóc cũ rụng khỏi da đầu, thường là trong khi gội và chải đầu. Thường có khoảng 50 đến 100 sợi tóc rụng mỗi ngày ở giai đoạn này. Khi tóc cũ rụng, sợi tóc mới sẽ mọc lên. Càng có tuổi, chu kỳ tăng trưởng của tóc sẽ ngày càng rút ngắn lại và đó là lý do tại sao chân tóc không còn được chắc khỏe như khi còn trẻ. Do đó, cần chú ý chăm sóc tốt cho tóc để giữ cho tóc chắc khỏe, giảm tình trạng rụng tóc và bạc tóc.

Làm thế nào để tóc mọc nhanh hơn?

Ở một số người, tóc mọc chậm hơn bình thường. Điều này có thể là do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như di truyền, chế độ ăn uống, thói quen không lành mạnh hay chăm sóc tóc không đúng cách. Nếu bạn muốn tóc dài nhanh hơn thì có thể tham khảo các cách dưới đây.

1. Gội đầu đúng cách

Gội đầu đúng cách là một điều quan trọng để tăng tốc độ mọc tóc. Điều đầu tiên cần lưu ý là tần suất gội đầu. Nên gội đầu cách ngày hoặc vài ngày gội đầu một lần, tùy thuộc vào lượng dầu trên da đầu. Khi gội đầu, hãy lấy một lượng dầu gội vừa đủ, thêm nước và tạo bọt, sau đó mát xa nhẹ nhàng lên đầu rồi vuốt xuống chân tóc. Gội đầu đúng cách sẽ giúp bảo vệ tóc chắc khỏe, ngăn ngừa gãy rụng và giúp tóc mọc dài nhanh hơn.

2. Gội đầu bằng nước lạnh

Một cách đơn giản khác là sử dụng nước lạnh để gội đầu. Gội đầu bằng nước ấm hay nước nóng sẽ làm mất đi lượng dầu của tóc và da đầu, khiến cho tóc bị khô, hư tổn và dễ gãy rụng.

3. Ăn thực phẩm giàu protein/biotin

Bên cạnh việc chăm sóc mái tóc từ bên ngoài, nuôi dưỡng mái tóc từ bên trong cũng rất quan trọng. Nên ăn các loại thực phẩm chứa chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy mọc tóc như protein, vitamin B12, canxi, sắt và vitamin B7 (biotin). Những chất dinh dưỡng này có trong hải sản, trứng và rau.

4. Thường xuyên mát-xa da đầu

Đặt năm đầu ngón tay lên da đầu (ngón cái đặt ở thái dương) và day nhẹ 10 – 15 lần. Di chuyển ngón tay sang vị trí khác và lặp lại cho đến khi mát xa đều toàn bộ đầu. Điều này sẽ giúp tăng cường sự lưu thông máu đến da đầu và sẽ giúp tóc mọc nhanh hơn. Hãy cố gắng thực hiện đều đặn hàng ngày.

5. Không buộc tóc quá chặt

Nên hạn chế buộc tóc đuôi ngựa, tết tóc hay búi tóc chặt vì những kiểu tóc này sẽ khiến tóc bị kéo căng, làm suy yếu chân tóc và dẫn đến rụng tóc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho mái tóc trở nên thưa mỏng và thậm chí hói đầu.

6. Sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc chứa keratin và biotin

Nên chọn các loại dầu gội đầu, serum và dầu dưỡng tóc có tác dụng kích thích mọc tóc với thành phần keratin hoặc biotin. Những thành phần này sẽ nuôi dưỡng tóc chắc khỏe. Một khi tóc chắc khỏe thì sẽ khó gãy rụng và mọc nhanh hơn.

7. Ăn thực phẩm có lợi cho tóc

Một số loại thực phẩm có lợi cho tóc là đậu nành và vừng đen. Hai loại thực phẩm này có chứa các vitamin nhóm B và khoáng chất có tác dụng nuôi dưỡng. Các chất dinh dưỡng này còn có lợi cho các bộ phận khác của cơ thể như da, xương… Ăn đậu nành và vừng đen thường xuyên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình mọc tóc, tóc mọc lên chắc khỏe và đen bóng tự nhiên.

8. Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính khiến tóc rụng nhiều và còn gây ra nhiều tác hại khác đến cơ thể:

Hút thuốc tạo ra một lượng lớn gốc tự do. Gốc tự do có thể ảnh hưởng đến các tế bào nang tóc và khiến cho tóc mọc chậm hơn hoặc rụng nhiều hơn bình thường.

Hút thuốc làm suy giảm chức năng của hệ tuần hoàn, thu hẹp các mạch máu và làm tăng huyết áp. Huyết áp cao sẽ gây tổn thương mao mạch – các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho nang tóc. Điều này sẽ gây rụng tóc và làm giảm tốc độ mọc tóc.

Hút thuốc làm tăng nồng độ hormone testosterone và DHT lên tới 14% và những hormone này là nguyên nhân chính gây rụng tóc.

9. Dùng sản phẩm dưỡng tóc sau khi gội đầu

Khi gội đầu nên dùng thêm dầu xả và sau khi gội nên thoa dầu hay serum dưỡng tóc để bổ sung thêm dưỡng chất cho tóc, giúp tóc bóng khỏe và dài nhanh hơn. Nên thoa dầu dưỡng khi tóc còn ẩm và thoa cách da đầu khoảng 1 gang tay. Không nên thoa dầu lên da đầu và chân tóc vì điều này có thể khiến tóc rụng nhiều hơn.

10. Tránh dùng nhiệt trên tóc

Nhiệt độ cao là một trong những kẻ thù lớn nhất của mái tóc. Nhiệt độ cao không chỉ khiến tóc hư tổn mà còn làm tóc mọc chậm và yếu hơn. Nên chọn chế độ sấy mát thay vì sấy nóng và sử dụng xịt bảo vệ tóc trước khi sấy. Ngoài ra, nên hạn chế dùng máy duỗi tóc hay uốn tóc.

Tóm tắt bài viết

Để tóc dài nhanh hơn thì cần phải nuôi dưỡng tóc từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Bạn cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng, tránh các tác nhân gây hại cho tóc và kết hợp sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp.