Đối với những người lười đọc sách hoặc không có thời gian để đọc sách đôi khi bị đẩy vào hoàn cảnh phải nói về chuyện sách vở thì đó có lẽ là một hình huống nan giải. Vậy làm sao để thoát ra được tình cảnh éo le ấy? Cuốn sách Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc? sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Cuốn sách của tác giả Pierre Bayard như cuốn tiểu luận của ông về vấn đề không đọc sách. Đây có lẽ trái ngược lại với quan niệm xưa nay về việc đọc sách. Chẳng ai khuyên người khác nên không đọc sách hoặc ca ngợi, cổ vũ việc không đọc sách cả. Những phân tích, dẫn chứng và lập luận của ông cho ta có cái nhìn mới mẻ hơn về khía cạnh đó.
Tôi sẽ không bình luận nhiều về cuốn sách này, vì ắt hẳn, những lý do, lập luận của tác giả và những phần trích dẫn dưới đây sẽ giúp bạn dễ cảm cuốn sách hơn, đồng thời tham khảo ý kiến của tác giả về vấn đề làm sao để bàn luận về những cuốn sách chưa đọc.
Các cách thức không đọc
Không nhất thiết phải đọc cuốn sách đó mới có thể bàn luận, ngay cả khi không đọc bạn vẫn nói về nó với cách suy nghĩ, lập luận của mình. Sẽ có nhiều cách thức không đọc khác nhau. Với mỗi trường hợp, tác giả cho ta những ý kiến và kinh nghiệm trong đó.
Những cuốn sách mà ta không biết
Sự đọc trước hết là sự không-đọc, và, kể cả ở những người đọc uyên bác dành cả đời để đọc, động tác cầm mở một cuốn sách luôn che giấu một động tác trái ngược được thực hiện đồng thời và do đó thoát ra ngoài chủ ý: chính là động tác, không chủ tâm, không-cầm và đóng lại mọi cuốn sách mà lẽ ra, trong một trật tự khác của thế giới, đã được chọn đọc thay cho cuốn sách may mắn kia.
Một cuốn sách không còn xa lạ nữa ngay khi nó lọt vào tầm nhận thức của chúng ta, và việc không biết gì về nó không ngăn cản ta nghĩ hoặc thảo luận về nó.
Thậm chí trước khi bạn mở một cuốn sách ra, chỉ một thông tin về tên sách hoặc một cái nhìn lướt qua trang bìa cũng đủ để khơi gợi, nơi người có học thức và ham hiểu biết, một loạt hình ảnh và cảm tưởng chỉ chờ để được biến thành quan điểm ban đầu, cái quan điểm được tạo điều kiện thuận lợi nhờ hình ảnh đại diện mà văn hóa nói chung nói về sách vở. Thế nên, đối với người không-đọc, một cuộc gặp thoáng qua với một cuốn sách, cho dù anh ta sẽ chẳng bao giờ mở nó ra, có thể nó cũng đã để lại một ký ức về cuốn sách đó.
Những cuốn sách ta đọc lướt qua
Lướt qua những cuốn sách nhưng không đọc thật sự chẳng hề ngăn cản bạn việc bình luận chúng. Thậm chí có thể đó còn là cách thức hiệu quả nhất để thấu hiểu sách đồng thời vẫn tôn trọng bản chất sâu xa và đặc tính làm giàu kiến thức của sách mà lại tránh được việc bị sa đà vào những chi tiết. Bên cạnh đó, bạn không nhất thiết phải theo một lối mòn nào, có thể mở ra những hướng và cách thức bình luận mới.
Khái niệm đọc lướt này có thể được hiểu theo ít nhất hai cách. Trường hợp thứ nhất là kiểu đọc lướt tuyến tính. Người đọc bắt đầu đọc từ đầu tác phẩm, rồi nhảy cóc nhiều dòng hoặc nhiều trang, và hướng đến đoạn kết, nhưng có thể đọc hoặc không. Trường hợp thứ hai là kiểu đọc lướt xoay vòng, người đọc không chọn đọc theo trật tự, mà dạo chơi trong tác phẩm, đôi khi bắt đầu đọc từ đoạn kết. Cũng như cách thứ nhất, cách đọc thứ hai không hề mang hàm ý xem nhẹ. Đây là một trong những cách thức quan hệ quen thuộc với một cuốn sách, và không tạo ra định kiến trong quan điểm của người đọc.
Những cuốn sách ta đã nghe bình luận
Ngoài ra, có một cách khác để có được ý niệm khá chính xác về nội dung một cuốn sách mà không phải đọc nó. Muốn vậy, chỉ cần đọc hoặc nghe những gì người khác viết hoặc nói về cuốn sách, có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Nó cũng có thể được áp dụng khi bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc cuốn sách đó không còn tái bản hoặc xuất bản nữa.
Lý thuyết về định hướng kép, hiểu biết chính là khả năng định vị những cuốn sách trong thư viện tập thể và định vị mình trong mỗi cuốn sách, dẫn đến việc trong một chừng mực nào đó, không cần phải cầm trên tay những cuốn sách mà ta bình luận thì mới có ý niệm về chúng và diễn đạt ý niệm đó, và ý niệm về việc đọc rốt cuộc tách rời hẳn khái niệm cuốn sách vật chất để liên tưởng đến ý niệm về sự gặp gỡ, hoàn toàn có thể thực hiện được với một đối tượng phi vật chất.
Phần lớn thời gian, chúng ta tiếp cận với sách bằng phương cách này. Nhiều cuốn sách mà chúng ta phải bàn đến, thậm chí một số cuốn còn rất quan trọng trong cuộc đời ta, trên thực tế lại chưa từng qua tay ta (dù đôi khi ta cứ tin chắc điều ngược lại). Nhưng, cách thức mà người khác nói với nhau, trong các bài viết hoặc các cuộc thảo luận, cho phép chúng ta có được ý niệm về nội dung của chúng, và thậm chí giúp ta đưa ra một đánh giá chắc chắn về chúng.
Những cuốn sách ta đã quên
Đọc sách không chỉ là để hiểu biết một văn bản hay để có tri thức. Ngay từ giây phút khởi đầu, đọc còn là bước vào chu trình chuyển động không thể chế ngự của lãng quên.
Có những cuốn sách bạn đã đọc rồi, nhưng vì đã đọc quá lâu hoặc nó không gây ấn tượng nhiều đối với bạn nên sẽ rất dễ quên nội dung của cuốn sách đó, hoặc nếu có thì chỉ là những ý nghĩ mơ hồ. Và vì vậy chúng ta có quyền tự hỏi liệu sự đọc mà thậm chí ta không nhớ có còn được gọi là đọc hay không.
Ý tưởng cho rằng đọc là để mất – cho dù là để mất sau khi đọc lướt một cuốn sách, sau khi nghe người khác nói hay do lãng quên dần – thay cho ý tưởng đọc là thu về là một động lực tâm lý quan trọng với người nào muốn xây dựng các chiến lược hiệu quả để thoát khỏi nhiều tình huống nan giải mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, những tình huống mà đã đến lúc chúng ta phải lưu tâm, sau khi đã xác định các loại hình không-đọc khác nhau.
Những tình huống phải phát biểu
Trong những hình huống phải phát biểu về biểu về những cuốn sách mình chưa đọc chắc chắn sẽ khó xử và lúng túng. Trong đời sống giao tiếp hằng ngày hoặc trước mặt người khác sẽ tùy mỗi trường hợp và cách nhìn nhận, suy nghĩ khác nhau để xử lý những tình huống như thế.
Trong đời sống giao tiếp
Giữa chúng ta với nhau, đừng bao giờ chỉ thảo luận về một cuốn sách duy nhất, mà cùng một lúc nên bàn luận về một loạt nhiều cuốn sách đan xen qua lại với nhau thông qua một nhan đề cụ thể nào đó, mỗi lần như thế bạn sẽ biết thêm về những cuốn sách hay, bổ ích. Bên cạnh đó, bạn đã có người hướng dẫn và đã đọc qua cuốn sách ấy cho bạn những nhận xét để đưa ra quyết định là có nên đọc nó hay không. Đồng thời, qua những cuốn sách mà đối phương nói với bạn, bạn có thể hiểu được người đó sâu sắc, suy nghĩ như thế nào. Biết đâu được, bạn lại tìm được một tri kỉ. Đôi khi cũng có thể xảy ra chút mâu thuẫn trong quá trình bàn luận vì mỗi người có cách nhìn khác nhau về cuốn sách, nhưng đừng bao giờ đụng chạm hoặc chỉ trích đến những cuốn sách tâm đắc hay yêu thích của người khác, vì ở cuốn sách đó gần như là tâm hồn của họ.
Những lời lẽ đụng chạm đến sách vở trong các thư viện nội tâm của chúng ta, khi chê trách thứ đã trở thành một phần bản sắc của chúng ta, đôi khi khiến chúng ta tổn thương đến tận nơi sâu kín nhất.
Trước mặt một nhà văn
Làm thế nào để đối mặt với chính nhà văn? Trường hợp gặp tác giả cuốn sách ta chưa đọc, thoạt nhìn có vẻ là tình huống gai góc, bởi lẽ nhà văn được xem như phải biết rõ mình đã viết gì, nhưng trên thực tế, lại chính là tình huống đơn giản nhất trong tất cả các tình huống.
Chỉ có một lời khuyên hợp lý dành cho những người rơi vào tình huống phải bàn về một cuốn sách chưa đọc với chính tác giả của nó: chỉ nói ý kiến tích cực mà không cần đi vào chi tiết. Tác giả không hề mong chờ một bài tóm tắt hay một bào bình luận chặt chẽ cho cuốn sách của ông, thậm chí tốt hơn hết là không làm những việc đó trước mặt tác giả, bởi ông chỉ mong chờ người khác nói thích những gì ông đã viết, đồng thời duy trì sự mập mờ càng nhiều càng tốt.
Với người mình yêu
Bạn đã bao giờ yêu một người có cùng sở thích đọc sách? Hay người đó làm bạn yêu chỉ vì hai người cùng thích một cuốn sách chưa? Được như vậy thì thật tốt. Nhưng nếu để theo đuổi một chàng trai hay một cô nàng mọt sách, trong khi chưa biết nhiều về sách thì phải làm thế nào?
Quả là tầm thường khi nói rằng các mối quan hệ tình cảm của chúng ta chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của sách, và chuyện ấy có từ thuở chúng ta còn thơ ấu. Trước hết, điều này đúng bởi các nhân vật tiểu thuyết có ảnh hưởng lên việc chúng ta chọn lựa ý trung nhân, bằng cách vẽ ra những hình mẫu lý tưởng không có thật và chúng ta cố bắt người khác thay đổi theo nhưng thường là không thành công. Nhưng, tinh tế hơn, những cuốn sách ưa thích tạo nên một thế giới nơi ta bí mật trú ngụ, và ta mong người ấy cũng tham gia vào thế giới riêng này như một nhân vật.
Nếu không đạt được việc đọc giống hệt nhau, thì ít nhất cũng phải có được những sự đọc tương đồng với người kia – điều này còn có nghĩa là những sự đọc không giống nhau, đó là một trong những điều kiện để hòa hợp trong tình yêu. Do đó, ngay khi mới bắt đầu mối quan hệ, cần phải thể hiện đúng tầm mong đợi của người yêu, bằng cách khiến người ấy nhận thấy sự tương hợp của những thư viện nội tâm.
Các cách ứng xử nên áp dụng
Bạn đừng tự ti vì mình chưa đọc cuốn sách này hay cuốn sách kia, ai cũng từng gặp những trường hợp như thế. Thay vì mất tự tin hay né tránh sao không nhìn theo cách lạc quan và đơn giản hơn, thể hiện quan điểm cá nhân hoặc đôi ba câu hỏi với đối phương để cuộc bàn luận trở nên lý thú hơn, đồng thời qua đó bạn cũng biết thêm những điều hay về cuốn sách được nói đến.
Đừng hổ thẹn
Chúng ta đừng cố tìm hiểu xem một khi người tự nhận mình đã đọc một cuốn sách, họ có đọc thật sự hay không, bởi hai lý do sau đây. Lý do thứ nhất là cuộc sống bên trong không gian này sẽ nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng nổi nếu tính mơ hồ về sự thật trong các phát ngôn không được duy trì, và nếu phải có câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi được đặt ra. Lý do còn lại là ngay cả khái niệm thành thật cũng bị mang ra xem xét bên trong không gian này, bởi lẽ như ta đã thấy, việc hiểu thế nào là đã đọc một cuốn sách là một vấn đề lớn.
Trong bối cảnh văn hóa này, những cuốn sách, đã đọc hay chưa đọc, tạo nên một kiểu ngôn ngữ thứ hai mà ta dùng để nói chính mình, để thể hiện mình trước mặt người khác nhiều hơn là để giao tiếp với họ. Những cuốn sách giúp chúng ta diễn đạt đồng thời cũng giúp ta hoàn thiện, bằng cách cung cấp, thông qua những trích dẫn lấy từ sách và đưa những lời bình của mình vào đó.
Và những ngôn từ, bằng việc thể hiện chúng ta, sách làm biến đổi bản chất của ta. Quả thực, ta không thể trùng khớp hoàn toàn với hình ảnh mà sách phản ánh, một hình ảnh đứt quãng, lý tưởng hoặc hạ thấp, đằng sau hình ảnh đó những đặc tính riêng của chúng ta tan biến đi. Và, vì những cuốn sách này thường tồn tại trong chúng ta như những mảnh ghép ít được biết đến hay đã bị lãng quên, nên chúng ta luôn ở trong thế chơi vơi trước những đại diện không phù hợp, không đầy đủ ấy, cũng giống như bất kỳ ngôn ngữ nào.
Như vậy, bàn luận về sách còn hơn cả việc chúng ta thảo luận về những yếu tố xa lạ của văn hóa, mà chính là sử dụng những phần trong chính chúng ta, trong những tình huống đáng lo ngại ẩn chứa nguy cơ tự mãn, để duy trì mạch liên kết nội tâm. Phía sau cảm giác hổ thẹn, chính bản sắc của chúng ta bị đe dọa bởi những thảo luận này.
Áp đặt quan điểm cá nhân
Một cuốn sách mà bạn chưa đọc thì hãy nên thẳng thắn thừa nhận nó, đừng trốn tránh thể hiện quan điểm về nội dung cuốn sách. Chưa đọc một cuốn sách là trường hợp điển hình chung nhất, và thừa nhận việc chưa đọc mà không thấy hổ thẹn là một điều kiện tiên quyết để bắt đầu quan tâm tới yếu tố cốt lõi, vốn không phải là cuốn sách mà là một tình huống phát biểu phức tạp, ở đó cuốn sách chủ yếu là hệ quả chứ không còn là đối tượng.
Quả nhiên, cuốn sách không vô cảm với những bình luận xung quanh, mà bị biến đổi, ngay cả trong thời gian diễn ra thảo luận. Tính linh hoạt của văn bản là sự không chắc chắn thứ hai trong không gian mơ hồ của thư viện ảo. Thư viện này bổ sung cho loại thư viện chúng ta vừa phân tích, liên quan đến hiểu biết thực tế về sách của những người bàn về chúng, và tạo nên yếu tố quyết định trong việc xác định các chiến lược phải áp dụng. Nhưng chiến lược này lại càng xác đáng hơn khi không dựa trên một hình ảnh những cuốn sách cố định, mà người đối thoại tham gia thảo luận có thể thay đổi bản chất của tác phẩm, nhất là khi họ đủ sức áp đặt quan điểm riêng của mình.
Sáng tạo những cuốn sách
Sách không chỉ là sách mà là toàn bộ tình huống diễn ngôn trong đó cuốn sách lưu truyền và bị thay đổi, do vậy ta cần phải nhạy cảm với tình huống đó để có thể bàn chính xác về một cuốn sách ta chưa đọc. Bởi lẽ, vấn đề không liên quan đến cuốn sách, mà liên quan đến thứ nó đã trở thành trong cái không gian phê bình nơi nó tham dự vào và không ngừng biến đổi, và đối tượng biến đổi mới này là thứ dệt nên mạng lưới bất ổn và của các mối liên hệ giữa tác phẩm và con người, và ta phải đủ khả năng để đưa ra những nhận xét xác đáng về đối tượng biến đổi mới đó vào đúng thời điểm.
Phải chăng những cuốn sách ta bình luận không chỉ là những cuốn sách thực tế mà việc đọc tưởng là trọn vẹn của chúng ta tìm được trong tính vật chất khách quan của chúng, mà còn là những cuốn sách-ma xuất hiện khi có sự giao thoa giữa những tiềm năng chưa khai khác trong mỗi cuốn sách và trong vô thức của chúng ta, và sự tiếp diễn của những tiềm năng chưa khai khác ấy nuôi dưỡng những giấc mơ của chúng ta và những thảo luận còn vững chắc hơn những đối tượng thực tế, nơi xuất phát của chúng theo lý thuyết.
Nói về cái tôi
Tự mình trở thành người sáng tạo ra những tác phẩm cá nhân là một kết quả hợp lý và đáng mong đợi trong việc học cách bình luận những cuốn sách chưa-đọc. Sự sáng tạo này đánh dấu một bước tiến trong hành trình tìm kiếm cái tôi và trong sự giải thoát khỏi gánh nặng văn hóa, vốn hay cản trở việc sống và mang lại sức sống cho tác phẩm, đối với những ai chưa học được cách chế ngự nó.
Bình luận những cuốn sách chưa đọc thực sự là một hoạt động sáng tạo, cũng danh giá như các hoạt động được xã hội thừa nhận, cho dù nó có kín đáo hơn.
Kết
Như vậy, với tất cả các lý do trên, tác giả cho chúng ta cách nhìn mới mẻ hơn về sự không-đọc, và những bí kíp giúp những người không đọc và vẫn phải nói chuyện sách vở.
Như vậy, với tất cả các lý do đã nêu trong tiểu luận này, về phần mình, tôi sẽ tiếp tục bàn luận về những cuốn sách tôi chưa đọc với lòng kiên định và sự bình tâm, không để những lời phê bình khiến tôi chệch đường.
Nếu như tôi làm khác và tham gia đám đông những đọc giả thụ động, có lẽ tôi sẽ cảm thấy như đang phản bội chính bản thân mình và tệ bạc với nơi xuất thân của mình, với con đường mà lẽ ra tôi đã phải vượt qua giữa những cuốn sách để có thể sáng tạo, và với nghĩa vụ tôi đang cảm thấy lúc này, nghĩa vụ giúp đỡ người khác chiến thắng nỗi sợ kiến thức và dám rời xa kiến thức để bắt đầu viết.
Tác giả: Linh Tuyền –
Bookademy
–
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!