KÍCH THƯỚC THÙNG NUÔI ONG NỘI

Sau đây hướng dẫn các kích thước đối với ong nội:

1. Đõ ong

Nhân dân ta thường nuôi ong trong những thùng gỗ rỗng gọi là “đõ ong”. Đõ ong cũng được cải tiến từ đõ nằm sang đõ đứng. Hàng trăm năm trước, người nuôi ong ở nước ta đã dùng thanh tre, thanh gỗ đặt trên miệng đõ cho ong xây bánh tổ. Một số người nuôi ong cổ truyền còn biết đặt thanh tre, gỗ thụt xuống chừng 15-20 cm để ong xây lưỡi mèo dưới nắp, kéo dài chạm thanh tre, thanh gỗ và chỉ lấy mật ở phần trên gọi là mật núi.

2. Thùng nuôi ong cải tiến (Tùng hoá)

Gắn liền với việc cái tiến phương pháp thu mật là cải tiến thùng nuôi ong. Thùng nuôi ong cải tiến với cầu di động đã có trên thế giới từ năm 1614, đến nay có khoảng vài trăm mẫu thùng, phổ biến là các mẫu thùng Langtroth và Đađamt. Ở nước ta đã có loại thùng nuôi ong Ý kích thước 485 x 230mm. Riêng về đàn ong nội, trước năm 1960, ở các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện thùng nuôi ong cỡ 440 mm x 300mm, thùng có mái che. Từ năm 1963 đã sử dụng thùng ong 485 x 230mm, thùng 440 x230 mm và thùng Tùng Hoá 420 x 220 mm. Sau nhiều năm khảo nghiệm, loại thùng Tùng Hoá tỏ ra thích hợp với đàn ong nội nước ta vì:

Ong nội luôn luôn tụ đàn theo hình cầu với thế đàn nhỏ, nếu dùng cầu 485mm thì ong tụ đàn theo chiều dài, nhiều khi ong bỏ cả 2 đầu bánh tổ; ong nội vốn sống trong đõ ưa kín và tối, cần có loại thùng thích hợp luôn kín, cửa sổ chỉ sử dụng trong di chuyển; thùng Tùng Hoá còn thích hợp với sức khoẻ và tầm vóc của người nuôi ong là người già và phụ nữ.

3. Yêu cầu chung của một thùng nuôi ong

Gỗ thùng không được vênh nứt, có thể thoát ẩm và chịu được mưa nắng. Gỗ nhẹ để dễ di chuyển. Tốt nhất là dùng gỗ thông, dổi, mít. Độ dày ván 1,5 – 2cm để đảm bảo ổn định ẩm độ bên trong thùng.

Thùng ong cần được sơn các màu: xanh, trắng, vàng, lục để ong nhận biết và chống mưa ẩm.

Kích thước thùng phải bảo đảm chính xác theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đàn ong và trao đổi đàn ong giống.

4. Kích thước thùng ong nội

Chiều rộng thùng tùy theo thế đàn mạnh yếu mà có thể đóng to hoặc nhỏ theo công thức: R = (n+ 1 ) x 35 + 10 (mm)

Trong đó: R – chiều rộng thùng

n – số cầu

35 mm là khoảng cách từ tim cầu này đến tim cầu kia

10 mm là khoảng cách với thành thùng và ván ngăn

Hiện nay phổ biến là loại thùng 7 cầu + 1 ván ngăn và một số thùng 10 cầu + 1 ván ngăn để nuôi đàn lớn.

Thùng 7 cầu: R = (7 + l) x 35 + 10 = 290 mm, đóng 300 mm

Thùng 10 cầu: R = (10 + l ) x 35 + 10 = 395 mm, đóng 400 mm

Thùng nuôi ong nội có khoảng cách cầu 35mm là quá rộng vì bề dày của bánh tổ lớn hơn 20mm. Một số thùng ong đóng cầu có kích thước xà trên hơn 30mm, ong buộc phải xây lưỡi mèo ở giữa hoặc làm cầu nối giũa hai bánh tổ. Công ty ong Trung ương đã nghiên cứu và xây dựng Tiêu chuẩn ngành về thùng ong đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt và đưa vào sử dụng.

Đàn ong nội ở các tỉnh phía Nam nhỏ con, cần nghiên cứu cải tiến kích thước thùng cho phù hợp với chúng. (theo thực tế thùng nuôi ong ở các tỉnh phía nam có chiều rộng bằng 2/3 thùng bình thường)

5. Một số loại thùng nuôi ong kế

Để năng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến phương pháp nuôi dưỡng phù hợp với đặc điểm sinh học đàn ong, có thể nuôi ong nội theo phương pháp lên kế. Có hai loại thùng kế sau:

a/ Kế rời cầu 1/2 gọi là kế lửng nghiêng. Thùng dưới gọi là trệt có kích thước thùng như thùng nuôi ong 6 cầu có chiều rộng là 250 mm, xà trên cầu 22mm, thùng trên gọi là kế 1. Chiều rộng và dài vừa bằng thùng trệt, chiều cao bằng 1/2 trệt, tức là: chiều cao thân thùng 120mm; chiều dài cầu bằng cầu bình thường; chiều rộng là 110mm; xà trên cầu: 22mm

b/ Kế liền: Dùng nuôi ong với quy mô nhỏ. Kích thước chiều dài và rộng bằng với kích thước thùng bình thường, chiều cao bằng thùng trệt cộng với kế 1.

Hồng Sơn