Với những ai yêu thích thủy sinh, việc lên kế hoạch cho vị trí đặt một bể thủy sinh trong ngôi nhà mới của mình là điều cần thiết ngay từ khi tất cả còn nằm trên bản vẽ. Một số điều cần lưu ý dưới đây sẽ giúp cho kế hoạch của bạn trở nên suôn sẻ hơn, giảm thiểu những tình huống éo le mà chỉ khi bể thủy sinh đi vào hoạt động rồi mới bạn mới nhận ra, và lúc này thì dường như là quá muộn.
Một số yêu cầu về thiết kế
Một bể thủy sinh tiêu chuẩn có những đòi hỏi riêng mà chỉ khi ta đáp ứng đủ chúng mới có thể phát huy được vẻ đẹp vốn có cũng như sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Bạn nên xác định ngay từ đầu một câu hỏi quan trọng mà thường bị bỏ qua: Bạn có bao nhiêu thời gian để chăm sóc bể thủy sinh của mình?
- Nếu bạn có quỹ thời gian kha khá (khoảng 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 2 đến 3 tiếng), bạn có thể chơi những bể thủy sinh lớn một chút (trên 200 lít nước) hoặc những bể có bố cục cầu kỳ với những loài cây đẹp nhưng khá khó chăm.
- Quỹ thời gian ở mức trung bình (khoảng 2 lần/tuần, mỗi lần 1 tiếng) cho phép bạn chăm những bể thủy sinh cỡ 60 lít nước (đến dưới 200 lít).
- Hoặc với thời gian eo hẹp và cũng là tối thiểu (1 lần/1 tiếng/1 tuần) thì bạn nên bằng lòng với những bể nhỏ (dưới 60 lít) và chọn những loài cây đơn giản, phổ biến cùng khả năng sống tốt trong nhiều môi trường khác nhau.
Chiều rộng tối thiểu của một bể thủy sinh nên là 30cm, với những bể hẹp, sẽ thật khó để trồng được nhiều loại cây với các lớp trước – sau nhằm tạo chiều sâu cho bể. Đặc biệt với những bể mỏng treo tường, cây trồng chỉ có thể nắm tay dàn hàng ngang mà thôi. Vì giới hạn về không gian nên số lượng cây có thể sẽ không đủ để rậm rạp và bạn sẽ thấy hồ thật xơ xác dù nó đang phát triển xanh tốt. Cho dù bạn chăm được cho cây phát triển rồi chúng cũng sẽ nhanh chóng thiếu chỗ để có thể xòe tán đẹp.
Chiều cao tối đa của một bể thủy sinh nên là 60cm để đảm bảo ánh sáng có thể chiếu xuống thảm thực vật dưới đáy hồ và bạn cũng sẽ không quá vất vả mỗi khi phải với tay xuống nền hồ. Hiện nay công nghệ đèn led đã phát triển mạnh, bạn cũng có thể chọn những hồ có chiều cao lớn hơn, tuy nhiên bạn cần biết hồ càng cao thì độ dày kính sẽ phải tăng lên theo, từ đó làm gia tăng chi phí.
Kích thước tổng thể của bể thủy sinh cần dựa theo các quy chuẩn nhất định để có thể tương thích một cách cao nhất với các phụ kiện (đặc biệt là đèn), bạn nên tham khảo các kích thước chiều dài (45cm, 60cm, 90cm, 120cm, 150cm…) và chiều rộng (30cm, 45cm, 60cm…) hợp lý để có được một bể thủy sinh cân đối và đẹp mắt.
Bạn đặt bể thủy sinh lên tủ, giá, kệ có sẵn thì cần đảm bảo chúng được làm bằng vật liệu chịu nước, ít cong vênh theo thời gian và chịu được sức nặng của hồ, ngoài ra thì yếu tố chắc chắn cũng cần được cân nhắc để hồ không bị rung lắc trong quá trình sử dụng. Nếu hồ được kê trên một mặt cong vênh (không phẳng) thì khả năng cao hồ sẽ bị vặn và xé kính, do đó yếu tố này cũng rất quan trọng khi chọn lựa vị trí kê hồ.
Việc vệ sinh, thay nước định kỳ là cần thiết để duy trì một bể thủy sinh đẹp và khỏe mạnh nên bạn cần chú ý đặt hồ không quá xa nguồn nước và khu vực xả nước để thuận tiện cho các thao tác về sau. Đầu nguồn cấp nước nên có các vòi nước có thể lắp vừa những ống nước phi 12 phổ biến (hoặc phi 16).
Thiết kế hồ thủy sinh cần tránh có nắp đậy, có thể bạn nghĩ chúng ngăn bụi hoặc gia tăng thêm không gian trang trí đồ đạc nhưng chính điều đó lại làm nhiệt độ nước hồ về mùa hè tăng cao và cây trồng nói chung không thích điều này. Thiết kế bể thủy sinh hiện đại không còn sử dụng đến nắp hồ nữa (trừ những trường hợp đặc biệt hoặc thiết kế có chủ đích).
Chiều cao của lòng trong chân tủ nên từ 50 đến 60cm, lý do bởi phần lớn các hệ thống lọc thùng hiện đều có chiều cao nhất định, hiếm bộ lọc nào có chiều cao khiêm tốn hơn mức bình thường. Đối với những bể có sử dụng lọc tràn nhiều ngăn phía dưới chân tủ thì bạn nên thảm khảo trước với đơn vị sản xuất để có được kích thước chân tủ phù hợp và không bị hạn chế trong các thao tác về sau.
Bể thủy sinh làm vách ngăn
Bể dạng này thường mỏng và cao để có thể phát huy tác dụng như một bức bình phong vậy. Tuy nhiên các bạn cũng nên cân nhắc đến các vấn đề được nêu phía trên kia để có kích thước bể phù hợp. Trường hợp bể đặt trong một hệ vách hoặc giá sách thì cần chú ý không gian thoáng phía trên mặt bể nên từ 20cm để có thể dễ dàng thao tác setup hoặc bảo dưỡng hồ. Hai bên vách hồ nên có khoảng trống nhỏ hoặc hộp kỹ thuật để việc lắp đặt đường ống lọc được thẩm mỹ.
Một đặc điểm nữa của bể thủy sinh dạng vách ngăn là thường được thiết kế bố cục cây trồng để ngắm từ cả 2 mặt nên chiều rộng của bể là yếu tố cần được cân nhắc kỹ. Với những bể mỏng quá thì 1 hoặc 2 hàng cây trồng không đủ để làm tốt vai trò của một bức bình phong. Với bể có chiều cao lớn thì nên có phương án cố định bể, tránh bị xê dịch, đổ vỡ trong trường hợp có trẻ em leo trèo, bám hoặc đu lên thành bể.
Bể thủy sinh trong hốc tường
Đặc biệt là những hốc tường quây kín 3 mặt của bể, chỉ còn để lại một mặt duy nhất để ngắm. Bể đặt ở vị trí này sẽ khó vệ sinh, bảo dưỡng về sau, ngoài ra thì không gian phía trên mặt bể cũng cần được đặc biệt chú trọng và cân nhắc vì hốc tường thì không dễ sửa chữa, cơi nới thêm. Ngoài ra, vị trí hốc tường cũng khá bí, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng giải nhiệt của bể về mùa hè, từ đó có thể làm cây trồng chậm lớn hoặc héo úa mà không tìm ra nguyên nhân.
Cần thận trọng với các thiết kế dạng ray trượt như ngăn kéo để có thể kéo bể ra khỏi hốc. Khối lượng của một bể thủy sinh đầy nước là rất lớn (có khi đến vài trăm cân) nên việc thiết kế được một hệ thống ray trượt chắc chắn và đảm bảo an toàn là không đơn giản. Cộng với việc cộng hưởng lực tác động theo phương ngang khi nước hồ sóng sánh thì trường hợp di chuyển một bể thủy sinh đầy nước tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Bể thủy sinh phong thủy
Phong thủy là một lĩnh vực khoa học rất thú vị và có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của gia chủ. Bạn nên làm việc với các thầy phong thủy có uy tín và mình thấy tin tưởng để có thể xác định được vị trí đặt bể hợp lý nhất. Về vấn đề nguyên vật liệu cấu thành nên một bể thủy sinh thì lại không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phong thủy, nếu bạn được tư vấn nhất nhất phải dùng vật liệu nào đó để làm bể thì thật sự bạn nên xem xét lại tình hình. Các nguyên vật liệu và phụ kiện cấu thành mà không đạt được sự đồng bộ thì chắc chắn bạn khó lòng có một bể thủy sinh đẹp được, chưa kể đến việc bạn gặp khó khăn trong việc chăm sóc, bảo dưỡng về sau.
Một bể thủy sinh với cây trồng tươi tốt, cá tép khỏe mạnh bơi lội tung tăng luôn là một món đồ phong thủy tuyệt vời nhất đối với gia chủ.
Bể thủy sinh trên tủ giày
Tủ giày rất hay được gia chủ chọn làm vị trí đặt một bể thủy sinh. Vẫn như trên, bạn cần cân nhắc đến cấu trúc, chất liệu và kích thước của tủ, ngoài ra còn vị trí đặt hệ thống lọc (và hoặc cả hệ thống co2 nữa) khi mà trong đủ đã chất đầy giày. Bạn cũng nên có phương án cố định bể cho chắc chắn và để ý khi đóng mở tủ (nhiều lần hàng ngày) có làm cá giật mình hoặc nhảy ra khỏi bể hay không.
Trên đây mà một số trường hợp cần lưu ý khi bạn có ý định đặt một bể thủy sinh trong tương lai cho ngôi nhà mới còn nằm trên bản vẽ của mình. Cũng cần lưu ý rằng ở trên bản vẽ, kiến trúc sư rất dễ dàng vẽ ra một bể thủy sinh nhưng khi đi vào thực hiện thì ít nhiều bạn sẽ vướng phải một số rắc rối do những đòi hỏi đặc trưng về mặt kỹ thuật của bể thủy sinh. Bạn hãy tham khảo thật kỹ và ngồi lại với kiến trúc sư một chút để đôi bên đều thuận lợi trong công việc của mình. Chúc các bạn sớm có bể đẹp.
-bouaqua-
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!