Khuynh hướng sử thi là gì?

Tác phẩm viết theo huynh hướng sử thi là những tác phẩm đề cập đến những đề tài có ý nghĩa lịch sử và mang tính dân tộc. Vậy Khuynh hướng sử thi là gì? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi.

Khuynh hướng sử thi là gì?

Khuynh hướng sử thi (hay còn được gọi là tính sử thi): là những sự kiện và biến cố quan trọng, có ý nghĩa lớn lao đối với một dân tộc, dành để ca ngợi những vị anh hùng và chiến sĩ dân tộc.

Đặc điểm của khuynh hướng sử thi

Thường đề cập đến những vấn đề chung của xã hội trước những sự kiện mang tính lịch sử dân tộc

Các nhân vật, những hình tượng được xây dựng trong tác phẩm đều mang tính sử thi, dù là người ở tầng lớp nào, lứa tuổi nào hay ở dân tộc nào…

Nhân vật chính thường là đại diện cho những lí tưởng và khát vọng, luôn luôn hướng tới ánh sáng, luôn gắn bó số phận của từng cá thể cùng với số phận của cả một cộng đồng. Đồng thời nhân vật chính còn là kết tinh của những phẩm chất tốt đẹp nhất của cả một tập thể.

Lời văn sử thi thường mang vẻ đẹp ngợi ca, trang trọng, ngôn từ mang tính cách điệu, hào hùng, giàu hình ảnh, mang tính tưởng tượng cao..

Các tác phẩm mang tính sử thi luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, tin tưởng vào thắng lợi của đất nước.

Sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật: cường điệu, so sánh, lặp từ nhằm nhấn mạnh khắc họa nổi bật đối tượng.

Đề tài sử thi trong đấu tranh đánh giặc, thống nhất đất nước

+ Trong suốt 30 năm ròng, dân tộc ta phải liên tục kháng chiến chống lại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp, Mỹ. Bởi vậy, đề tài đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước là một đề tài nổi bật, thu hút nhiều tài năng văn học như Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê, Tố Hữu, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu…

+ Văn học thể hiện những đau thương mất mát của nhân dân khi đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo.

+ Văn học thể hiện khí thế ra trận hăm hở, hào hùng, mãnh liệt của những con người khát khao độc lập, tự do. Ra trận chiến đấu với kẻ thù là nhiệm vụ của toàn dân tộc, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là sự kiện lịch sử lớn, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh, số phận của nhân dân. Ra trận không có gì đáng sợ mà được ra trận là niềm vui, là hạnh phúc.

+ Văn học thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, không ngại gian khổ, hi sinh của những người lính trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ra trận, đối diện với kẻ thù, sự sống và cái chết gần nhau trong tấc gang nhưng họ không lùi bước, dẫu bị thương vẫn sẵn sàng xung phong đánh giặc.

VD: Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

+ Đề tài: Cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ

+ Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca sức sống mãnh liệt, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường và ý chí một lòng hướng về Đảng, về Cách mạng của đồng bào Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

VD: Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi

+ Đề tài: Nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ

+ Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

VD: Tây Tiến – Quang Dũng

+ Đề tài: Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp

+ Chủ đề: Ngợi ca vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến, những con người vừa hào hùng lại rất hào hoa, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.

Đề tài sử thi về Tổ quốc

Đây là một đề tài lớn, bao quát thơ ca kháng chiến. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi các tác giả nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt cá nhân mình mà chủ yếu là con mắt có tầm bao quát lịch sử, dân tộc và thời đại. Tố Hữu gọi đó là con mắt « nhìn bốn hướng – trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau – Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu », còn Chế Lan Viên gọi là « Con mắt Bạch Đằng – con mắt Đống Đa ». Với cái nhìn sử thi, các tác giả đã tập trung khám phá, thể hiện hình tượng Tổ quốc Việt Nam trong chiều sâu văn hóa suy tưởng và hình tượng Tổ quốc hào hùng trong chiến tranh.

+ Kế thừa những quan niệm về Tổ quốc của ông cha ta, những nhà thơ thời kháng chiến đã có cái nhìn mới mẻ về Tổ quốc trong chiều sâu văn hóa, lịch sử.

VD: Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm đã có những cảm nhận mới mẻ về Đất Nước từ chiều sâu văn hóa, lịch sử. Đất Nước là của Nhân Dân, chính nhân dân là người hóa thân làm nên sông núi, chính những con người bình dị, vô danh ấy đã làm nên Đất Nước.

+ Hình tượng Tổ quốc hào hùng trong chiến tranh.

VD : Đất nước – Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi đã ghi lại một cách sâu sắc hình ảnh Đất Nước từ những năm tháng đau thương đến khi vùng dậy đấu tranh với khí thế hào hùng mãnh liệt, rung trời chuyển đất, quét sạch lũ giặc cướp nước :

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều »

« Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Trên đây là một số thông tin chúng tôi muốn chia sẻ về Khuynh hướng sử thi là gì? Khách hàng quan tâm bài viết, có vướng mắc khác liên quan vui lòng phản ánh trực tiếp để chúng tôi hỗ trợ được nhanh chóng, tận tình.