Khai sinh cho con cần giấy tờ gì

Ý nghĩa của giấy khai sinh

Theo luật sư Trang Phan (Công ty Luật KCI Counsel), một đứa trẻ được sinh ra, có quyền được cấp giấy khai sinh theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Ngay cả khi trẻ là con ngoài giá thú, hoặc con được sinh ra mà bố mẹ chưa đăng ký kết hôn, hoặc trẻ không xác định được bố mẹ thì vẫn có quyền được cấp giấy này.

Căn cứ vào Điều 4 luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh.

Theo Điều 6 Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.

Cũng theo luật sư Trang, giấy khai sinh là một tài liệu gốc có giá trị pháp lý cao nhất chứng minh nguồn gốc của một cá nhân.

Giấy khai sinh cũng là căn cứ để thực hiện các quyền lợi như chăm sóc y tế, quyền được đi học, hỗ trợ pháp lý, quyền bầu cử, ứng cử… và được bảo vệ trước pháp luật với tư cách là công dân.

Làm giấy khai sinh cần thủ tục gì và làm ở đâu?

Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nuớc

SỸ ĐÔNG

Thủ tục làm giấy khai sinh

Người được quyền đi đăng ký khai sinh cho trẻ là người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ).

Hồ sơ cần chuẩn bị, gồm:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh.
  • Bản chính giấy chứng sinh.
  • Bản sao giấy đăng ký kết hôn (nếu có).
  • Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD của bố mẹ trẻ (nếu có).
  • Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc CMND hoặc thẻ CCCD hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh.

Tùy theo địa phương, UBND cấp xã sẽ yêu cầu đối chiếu một số tài liệu để xác minh sự chính xác của thông tin được người đi đăng ký khai sinh cung cấp.

Đối với trẻ không có giấy chứng sinh, phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh con. Nếu không có người làm chứng thì phải có văn bản cam đoan.

Trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì cần có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đối với trẻ sinh ra do việc mang thai hộ thì cần cung cấp giấy tờ chứng minh việc này.

Thủ tục làm giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài

Nếu trẻ sinh ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con, nếu có.

Trường hợp cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Nếu cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài mà người đó là công dân.

Nếu trẻ sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh trẻ cư trú tại Việt Nam (như hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh)…

Làm giấy khai sinh ở đâu?

Nộp giấy tờ tại UBND cấp xã, nơi cư trú của cha hoặc mẹ. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó (khoản 3, Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).

Trường hợp có yếu tố nước ngoài, người có yêu cầu nộp hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp quận, huyện hoặc Sở Tư pháp.

Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND xã, ghi nội dung khai sinh vào sổ đăng ký khai sinh, lấy số định danh cá nhân. Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy khai sinh cho người yêu cầu.

Thủ tục làm giấy khai sinh online

Người dân có thể truy cập https://dichvucong.gov.vn và thực hiện theo các bước yêu cầu.

Theo đó, người đăng ký thực hiện khai sinh online theo các bước sau:

  • Bước 1: Tạo tài khoản.
  • Bước 2: Sau khi tạo tài khoản, chọn mục Đăng ký khai sinh thông thường (khối xã) trong nộp trực tuyến.
  • Bước 3: Điền đầy đủ thông tin vào tờ khai đăng ký khai sinh trực tuyến, đính kèm ảnh chụp giấy chứng sinh, CMND/CCCD, hộ chiếu, đăng ký kết hôn của cha, mẹ (nếu có)…

Theo luật sư Trang, tùy theo tỉnh, thành sẽ có trang thông tin điện tử cho từng địa phương, khi có nhu cầu làm giấy khai sinh cho trẻ, người dân có thể tìm hiểu địa chỉ website bằng cách tra cứu trực tiếp tại https://dichvucong.gov.vn.