Hướng dẫn chuẩn bị hành trang đi tù

Hiện nay, vấn đề chấp hành án (vào tù) là việc Tòa án kết án đối với một cá nhân phạm tội, cá nhân này có trách nhiệm chấp hành quyết định của bản hoặc hoặc các quyết định của Tòa án khi bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Vậy trước khi chấp hành án phạt tù hay trước khi đi tù cần chuẩn bị những gì? Vào tù phải làm gì?

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2021);

– Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

1. Trước khi đi tù cần chuẩn bị những gì?

Để xác định được những việc cần làm và chuẩn bị trước khi thi hành án phạt tù thì cần nắm được nội quy mà phạm nhân phải thực hiện. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân ban hành kèm theo Thông tư 17/2020/TT-BCA ban hành, dựa vào nội quy cơ sở giam giữ mà chuẩn bị những vật dụng cần thiết:

Phạm nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định sau:

– Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân; nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải, tự giác tu dưỡng, sửa chữa lỗi lầm và giúp đỡ phạm nhân khác cùng tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội; Quyết định, bản án của Tòa án, các quy định của pháp luật, chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân;

– Có trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn và tố giác, báo cáo kịp thời, trung thực các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân của phạm nhân hoặc người khác. Tôn trọng, tự giác thực hiện nếp sống, sinh hoạt, học tập, lao động có trật tự, kỷ luật chặt chẽ.

– Chấp hành nghiêm sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, điểm danh, kiểm diện hằng ngày; Thực hiện đúng quy định về thời gian, hiệu lệnh, lễ tiết trong sinh hoạt, học tập, lao động, nghỉ ngơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí. Khi có lệnh tập hợp phải nhanh chóng xếp hàng theo đội, tổ, mặc quần áo gọn gàng và giữ trật tự. Trường hợp có báo động hoặc sự việc đột xuất phải giữ nguyên vị trí và tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, chỉ dẫn của cán bộ.

Khi ra, vào cổng cơ sở giam giữ phạm nhân, phải bỏ mũ, nón và cầm ở tay phải, báo cáo rõ họ, tên, đội (tổ) với cán bộ có trách nhiệm. Cầm mũ, nón ở tay phải đối với hàng đi bên phải, cầm mũ, nón ở tay trái đối với hàng đi bên trái; nếu đi theo đội (tổ) thì đi thành hàng đôi. Đội (tổ) trưởng phạm nhân phải báo cáo rõ tên đội (tổ), số người với cán bộ có trách nhiệm.

– Đến giờ quy định, phạm nhân được nhận khẩu phần ăn của mình và phải ăn đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nằm đúng vị trí đã được quy định trong buồng giam, ngủ, nghỉ đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, buồng giam và những nơi công cộng.

– Trừ trường hợp phạm nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt trong giao tiếp, phạm nhân chỉ được dùng tiếng Việt. Phạm nhân xưng hô với cán bộ là “tôi” và “cán bộ”, với khách đến thăm hoặc làm việc là “tôi” và “quý khách”; trong học tập, lao động, học nghề, hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, sinh hoạt tập thể xưng hô với nhau là “tôi”, “anh” hoặc “chị”. Tùy theo lứa tuổi hoặc quan hệ gia đình, họ hàng mà xưng hô, giao tiếp, ứng xử với nhau cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nếu đội (tổ) phạm nhân gặp cán bộ hoặc khách đến thăm, làm việc, thì Đội (tổ) trưởng phạm nhân hô tất cả đứng nghiêm, bỏ mũ, nón, cầm ở tay phải và thay mặt tập thể phạm nhân “chào cán bộ” hoặc “chào quý khách”. Khi gặp cán bộ hoặc khách đến thăm, làm việc, phạm nhân phải đứng nghiêm cách xa từ 5m đến 7m, bỏ mũ, nón, cầm ở tay phải và nói: “Chào cán bộ” hoặc “chào quý khách”.

– Được đưa vào buồng giam quần áo, khăn mặt, chăn, màn, chiếu, dép do cơ sở giam giữ phạm nhân cấp và 02 bộ quần áo thường, 01 gối vải cá nhân, cốc nhựa, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, kẹp tóc nhựa, sách, báo đã được kiểm duyệt, sử dụng giấy trắng, bút viết theo quy định, kính thuốc gọng nhựa, thuốc chữa bệnh theo chỉ định của cán bộ y tế cơ sở giam giữ phạm nhân, đồ dùng cho vệ sinh phụ nữ.

Trường hợp có con ở cùng trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì có thêm đồ dùng sinh hoạt cho trẻ em và túi đựng đồ dùng theo quy định. Chăn, màn, chiếu, khăn mặt, quần áo, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân phải được gấp, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, để và phơi đúng nơi quy định.

Khi gặp cán bộ, tham gia học tập, sinh hoạt tập thể, lao động, học nghề, ra vào cổng cơ sở giam giữ phạm nhân, khi được phép gặp thân nhân hoặc tiếp xúc với quý khách, người ngoài, phải mặc quần áo dài gọn gàng, sạch sẽ do cơ sở giam giữ phạm nhân cấp. Quần, áo phạm nhân sử dụng (trừ quần lót và áo lót ba lỗ) phải được đóng dấu “phạm nhân” ở phía trước quần, sau lưng áo. Phạm nhân nam phải cắt tóc ngắn. Phạm nhân nữ phải để tóc gọn gàng.

– Phạm nhân khi cần tương trợ vật chất lẫn nhau thì phải đề nghị và được sự đồng ý của cán bộ có trách nhiệm. Phạm nhân có tiền gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ phạm nhân được sử dụng mua lương thực, thực phẩm đã chế biến sẵn để ăn thêm và đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt, học tập của cá nhân theo quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân.

Đối với những tài sản như vàng, bạc, ngoại tệ, tiền Việt Nam, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, các loại thẻ ngân hàng, các loại máy móc, thiết bị, đồng hồ, đồ trang sức quý hiếm, căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, các loại giấy tờ có giá trị khác hoặc quần áo, tư trang chưa sử dụng phải gửi lưu ký cơ sở giam giữ phạm nhân. Nếu phạm nhân có nguyện vọng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể bàn giao số tài sản trên cho thân nhân phạm nhân.

– Tích cực lao động, học nghề theo sự hướng dẫn của cán bộ, không gây cản trở công việc của người khác, lao động, học nghề đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động. Nêu cao trách nhiệm bảo vệ tài sản của cơ sở giam giữ phạm nhân, của mình và của người khác, báo cáo kịp thời cho cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân về các hành vi xâm phạm đến tài sản đó. Phạm nhân ốm đau, bệnh tật có chỉ định, xác nhận của cán bộ y tế cơ sở giam giữ phạm nhân thì được nghỉ lao động.

– Chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của cán bộ trong tham gia các chương trình, hoạt động giáo dục, học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

Phạm nhân theo tôn giáo đăng ký với cơ sở giam giữ phạm nhân việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần.

Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho phạm nhân sử dụng.

2. Vào tù phải làm gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật thi hành án năm 2019, phạm nhân có chế độ học tập, học nghề như sau:

– Phạm nhân được phổ biến pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ; trường hợp phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt.

Trừ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật thì phạm nhân được bố trí 01 ngày trong tuần để học tập, học nghề.

– Căn cứ điều kiện thực tế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức dạy học cho phạm nhân; Căn cứ yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam tổ chức dạy học cho phạm nhân;

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật thi hành án năm 2019 chế độ lao động của phạm nhân như sau:

– Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng, theo đó:

+ Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.

+ Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam.

+ Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.

+ Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

Trại giam phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

– Ngoài ra, đối với các phạm nhân nữ không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động và phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính;

– Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tùy mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động.

– Trong các trường hợp sau đây thì phạm nhân được nghỉ lao động:

+ Phạm nhân không đủ sức khỏe lao động, bị bệnh và được y tế trại giam xác nhận;

+ Phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế;

+ Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận;

3. Điều kiện tiếp nhận người chấp hành án phạt tù:

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Thi hành án năm 2019, trai giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện được chỉ định thi hành án có trách nhiệm tiếp nhận người chấp hành án tù, cụ thể khi có đầy đủ các hồ sơ theo quy định nêu trên:

Hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù phải có đủ các tài liệu sau đây:

1) Quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với các trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có bản án sơ thẩm kèm theo;

2) Quyết định thi hành án phạt tù;

3) Quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự đưa người chấp hành án phạt tù đến trại tạm giam, trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

4) Danh bản của người chấp hành án phạt tù;

5) Đối với người chấp hành án phạt tù là người nước ngoài bản sao hộ chiếu, giấy tờ chứng minh quốc tịch;

6) Phiếu khám sức khỏe và tài liệu khác có liên quan đến sức khỏe của người chấp hành án phạt tù;

7) Đối với người bị tạm giam bản nhận xét việc chấp hành nội quy của trại tạm giam, nhà tạm giữ;

8) Tài liệu khác có liên quan.

Lưu ý:

Đối với trường hợp con của người bị kết án phạt tù theo mẹ vào trại giam thì phải có giấy khai sinh.

– Trường hợp chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh do cơ quan y tế nơi trẻ em được sinh ra cấp hoặc văn bản của người làm chứng nếu trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế;

– Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì cần phải có báo cáo bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại tạm giam chuyển người bị kết án phạt tù đến trại giam để chấp hành án kèm theo giấy cam đoan của mẹ về việc sinh con.

Theo quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch trại giam phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo mẹ vào trại giam.

Cơ quan có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ nêu trên là:

– Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;

– Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

– Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Các cơ quan nêu trên phải tiến hành tổ chức đưa người bị kết án phạt tù và hồ sơ kèm theo đen bàn giao cho trại giam, hại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã được chỉ định để thi hành án.