Xu hướng “ăn sạch, sống xanh” đang ngày càng được ưa chuộng. Để nâng cao sức khỏe của bản thân, nhiều người bắt đầu tìm hiểu về những chế độ ăn lành mạnh hơn. Trong những năm gần đây, chế độ ăn thực dưỡng dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Vậy bạn đã biết gì về thực dưỡng?
1. Chế độ ăn thực dưỡng là gì?
Chế độ ăn thực dưỡng còn có tên gọi khác là phương pháp thực dưỡng Ohsawa, được đặt theo tên của người sáng lập Georges Ohsawa. Điểm chính của phương pháp này là sử dụng gạo lứt kết hợp với các thực phẩm có tính cân bằng âm – dương. Không chỉ vậy, thực dưỡng còn bao gồm một kế hoạch ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục thích hợp và thay đổi hành vi. Tất cả đều hướng đến việc tạo ra lối sống tự nhiên và an tĩnh hơn.
Đây là chế độ ăn lành mạnh cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em, nhờ vào sự kết hợp giữa chọn lựa thực phẩm sạch và bồi dưỡng tâm hồn. Nhiều người mắc các bệnh lý về tim mạch hay béo phì theo đuổi chế độ ăn thực dưỡng nhằm giảm bớt những triệu chứng và hỗ trợ phục hồi. Thực dưỡng khuyến khích việc ăn thường xuyên, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt và duy trì tinh thần lạc quan.
2. Những thực phẩm nên và không nên ăn
2.1. Nên ăn
Ăn theo chế độ thực dưỡng phụ thuộc rất nhiều vào việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt thường chiếm khoảng 50% lượng thức ăn hằng ngày của mỗi người. Một số loại ngũ cốc nguyên hạt điển hình là kiều mạch, gạo lứt, lúa mì bulgur, diêm mạch… Ngũ cốc nguyên hạt được cho là thích hợp hơn so với mì ống và bánh mì. Dù vậy, bạn vẫn có thể sử dụng mì ống, bánh mì với số lượng ít.
Các loại rau chiếm khoảng 1/3 lượng thức ăn hằng ngày của bạn. Một số loại rau bạn có thể ăn bao gồm: cải xoăn, súp lơ, bông cải xanh, bí ngô, cải thìa, củ hành, củ cải, cà rốt, mùi tây, bắp cải xanh…
Phần còn lại trong lượng thức ăn của bạn có thể bao gồm: dưa muối, đậu, sản phẩm từ đậu nành, rong biển, dầu thực vật, gia vị tự nhiên (chẳng hạn như muối biển chế biến tự nhiên)…
Chuẩn bị thực phẩm bằng cách hấp hoặc xào được khuyến khích.
2.2. Không nên ăn hoặc hạn chế
Để thực hiện chế độ ăn thực dưỡng có hiệu quả, bạn cần lưu ý tránh dùng một số thực phẩm nhất định.
Cá, hải sản, sản phẩm từ bơ sữa, thịt gia cầm, trứng… chỉ nên sử dụng vài lần mỗi tháng.
Các thực phẩm mà bạn cần phải loại bỏ khỏi bữa ăn của mình:
- Một số loại rau, bao gồm khoai tây, ớt và cà chua.
- Đồ uống có cồn và caffeine.
- Thực phẩm chế biến, chẳng hạn như bánh mì trắng và bánh mua ở cửa hàng.
- Bất kỳ thực phẩm nào có thành phần nhân tạo.
- Soda, cả loại thường và loại dành cho người ăn kiêng.
- Đường và các sản phẩm có chứa đường hoặc xi-rô ngô.
- Vanilla.
- Thịt heo.
- Trái cây nhiệt đới, chẳng hạn như dứa và xoài.
- Thức ăn cay, nóng.
- Gia vị, chẳng hạn như tỏi và kinh giới.
Lưu ý
- Bạn cần ăn một cách tập trung, chậm rãi mà không bị phân tâm, chẳng hạn như vừa ăn vừa xem tivi.
- Bạn chỉ nên ăn để thỏa mãn cơn đói và cần nhai thức ăn nhiều lần cho đến khi nó gần như thành chất lỏng.
- Khi khát, bạn có thể uống nước lọc và các loại nước khác như trà rễ bồ công anh, trà gạo lứt và cà phê hạt ngũ cốc.
>> Đọc thêm về chế độ ăn có ích cho sức khỏe khác: Chế độ ăn Keto là gì?
3. Điểm trừ của chế độ ăn thực dưỡng
Dù là một phương pháp tốt cho sức khỏe, song không vì vậy mà thực dưỡng không có khuyết điểm. Có thể liệt kê một số điểm trừ của chế độ ăn thực dưỡng như sau:
- Một số người có thể thấy chế độ ăn này quá nghiêm khắc.
- Nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều muối.
- Chế độ ăn uống thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định.
>> Muối là chất cần thiết cho hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng bổ sung muối thế nào là hợp lý? Đọc thêm: Trẻ cần bổ sung bao nhiêu muối trong khẩu phần ăn của mình?
Có thể thấy, thực dưỡng không dành cho tất cả mọi người. Nếu thích ăn cay hoặc cần cà phê để duy trì sự tỉnh táo thì đây hẳn không phải lựa chọn hợp lý cho bạn. Chế độ ăn có nhiều muối cũng không tốt cho những người bị cao huyết áp hoặc mắc bệnh thận. Ngoài ra, do ăn ít chất béo động vật, trái cây và sữa nên cơ thể có thể không được cung cấp đủ chất đạm, sắt, magiê, canxi, vitamin bao gồm B12.
4. Quan niệm sai lầm: ăn thực dưỡng giúp chữa bệnh ung thư
Như đã phân tích ở trên, bạn có thể thấy rằng, chế độ ăn thực dưỡng giảm tiêu thụ sản phẩm từ động vật và ăn trong chừng mực. Các thành phần trong rau củ hay ngũ cốc nguyên hạt về cơ bản rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy thực dưỡng có thể chữa bệnh ung thư. Rất nhiều người đang tuân thủ chế độ ăn này với niềm tin nó có thể giúp họ khỏi bệnh. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Nếu không biết cách áp dụng hợp lý, bạn thậm chí còn có thể không cung cấp đủ một số chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến suy nhược cơ thể. Người mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư cần phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất và calo cho cơ thể. Do vậy, trước khi ăn thực dưỡng, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có nhiều kinh nghiệm.
Đối với những người có thể tránh được tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, chế độ ăn thực dưỡng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nó như là một lựa chọn thay thế cho phương pháp điều trị y tế truyền thống. Kết hợp với thói quen sinh hoạt khoa học, chế độ ăn thực dưỡng có thể giúp bạn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, hòa hợp với môi trường tự nhiên và luôn hạnh phúc, yêu đời.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!