Tác hại của việc ép con học quá nhiều, phụ huynh cần cảnh giác

Nhiều phụ huynh Việt Nam thường đặt kì vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của con em. Tuy nhiên, đối với học sinh, vấn đề này thường được suy nghĩ theo hướng ngược lại, khiến con em rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, áp lực và tệ hơn là bị rối loạn tâm thần….

Tháng 6 năm ngoái, một nữ sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, tâm trạng thất thường và thậm chí muốn tự tử. Em bỏ ăn, người gầy rộc, mắt thâm quầng, thường nhốt mình trong phòng.

Những biểu hiện đó khiến cha mẹ em lo lắng, vội đưa em đi khám. Kết quả cho thấy em mắc chứng trầm cảm, phải nhập viện điều trị tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103.

Cuối cùng, nữ sinh dừng bước trước kỳ thi THPT quốc gia, sau quãng thời gian dài ôn thi căng thẳng. Trên thực tế, em không phải trường hợp duy nhất rối loạn tâm thần vì áp lực học tập, thi cử.

1Rối loạn tâm thần vì học quá nhiều

“Hàng năm, bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM tiếp nhận không ít học sinh đến khám rối loạn tâm thần (stress, lo âu, trầm cảm)” – TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115, cho biết.

Theo một nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố rằng: áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở nước ta gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, hiện tượng trẻ bị trầm cảm, âu lo, rối loạn cảm xúc vì học tập có chiều hướng tăng.

Giờ học ở Việt Nam thường bắt đầu từ rất sớm, khoảng 6h45-7h sáng. Chính vì vậy, hàng ngày, chỉ mới hơn 6h sáng, lúc đường phố còn thưa người, nhiều học sinh đã phải sẵn sàng để chuẩn bị đến trường. Đặc biệt tại các thành phố lớn, các em phải đi học từ rất sớm để tránh tình trạng kẹt xe.

Đối với các em học sinh, mọi thứ đều phải tranh thủ để có thời gian cho lịch học dày đặc, sau giờ học ở trường, các em còn học thêm ở các trung tâm, tại nhà giáo viên hay học với gia sư tại nhà.

Trước câu chuyện học thêm sau giờ học tại trường của học sinh tiểu học, một phụ huynh than thở: “Cháu học bán trú cả ngày ở trường đã căng thẳng lắm rồi, tối về nhà cháu lại phải bơi trong 1 đống bài tập nữa. Về đến nhà tắm rửa và ăn vội bát cơm tối để kịp 7 giờ tối gia sư đến dạy. Vợ chồng tôi đều làm kinh doanh bận rộn đành phải thuê gia sư về dạy. Thế nhưng, hôm nào gia sư về rồi, con bé vẫn phải ngồi lại bàn học hàng giờ nữa để làm tiếp bài tập về nhà. Cao điểm nhất là thời kỳ cháu chuẩn bị ôn thi học kỳ. Nhìn phiếu bài tập cô giáo phát về của con mà chúng tôi choáng. Phiếu đề toán có 50 bài. Phiếu bài tập Tiếng Việt cũng 30 bài cả tập làm văn và tiếng Việt. Ngoài ra còn phiếu câu hỏi ôn tập môn Địa lý, Lịch sử, tiếng Anh… Những ngày đó vợ chồng tôi phải thuyết phục gia sư tăng giờ và trả tiền 2 ca cho gia sư. Thấy con học căng thẳng mà rớt nước mắt vì thương con”.

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân là học sinh đến khám và xin tư vấn về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập căng thẳng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, các cháu thường đến khám rải rác ở các thời điểm khác nhau trong năm và tập trung nhiều ở thời điểm đầu năm học, trước và sau các kỳ thi học kỳ.

Nếu cứ bắt con em học quá nhiều, phụ huynh sẽ phải trả giá

Áp lực này nguyên nhân một phần do sự kỳ vọng quá lớn từ phía bậc phụ huynh. Họ ép con học vì tương lai mà nhiều khi quên mất cần dạy con cách học như thế nào là đúng, bao nhiêu là đủ và học thứ con thực sự đam mê.

Trong phóng sự do VTV thực hiện tại một trường điểm ở Hà Nội, các em không có đủ không gian để vui chơi vào giờ giải lao và thiếu các tiết thực hành trong chương trình học.

Học sinh được giao quá nhiều bài tập. Tuy nhiên, có lẽ áp lực lớn hơn đến từ việc các em bị cha mẹ ép phải học những môn mình không thích, để đạt thành tích tốt cho bằng bạn bằng bè hay thậm chí bị yêu cầu phải có thành tích vượt trội hơn những bạn khác.

2Đừng đẩy trẻ vào bệnh viện vì áp lực học tập quá lớn

Đồng ý rằng cha mẹ không nên ép buộc con cái học quá nhiều, nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc cha mẹ bỏ bê việc học tập của con cái. Bắt con học đôi khi là cần thiết, tuy vậy cần phải theo phương pháp khoa học, phù hợp với từng đối tượng. Căn cứ vào độ tuổi, tính cách, tâm lí của con, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bồi dưỡng những môn học thế mạnh của mình, đồng thời tìm cách để phát triển môn học năng khiếu đó.

Cha mẹ cũng cần đóng vai trò bác sỹ tâm lí cho con bằng cách xây dựng môi trường học tập thoải mái. Dạy con học bằng một thái độ tích cực. Dành thời gian trao đổi để con hiểu kết quả không quan trọng bằng sự cố gắng và nỗ lực của con, đồng thời không gây áp lực đỗ-trượt, điểm thi lên con.

Cùng với đó, xây dựng thời gian biểu hợp lí, cân bằng giữa học tập, vui chơi và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Đối với trẻ đang trong độ tuổi phát triển, mỗi ngày nên ngủ đủ từ 6-8 tiếng để giúp cơ thể được phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, ngoài những môn học ở trường, cha mẹ cũng có thể khuyến khích con em mình học những môn thể thao, nghệ thuật để phát triển khả năng tư duy, sáng tạo một cách toàn diện. Những môn học ở trường chỉ là nền tảng, học sinh cần phải tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn để có sự phát triển một cách tốt nhất.

Nếu cứ bắt con em học quá nhiều, phụ huynh sẽ phải trả giá

Giáo dục con cái là một vấn đề phức tạp, qua bài viết này, hi vọng bạn đã tìm được đáp án của câu hỏi có nên ép con cái học quá nhiều hay không? Tùy vào từng đối tượng, trường hợp, mà phụ huynh cần chọn phương pháp học tập phù hợp cho con em, tránh gây ra sự ép buộc, gò bó. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, thể trạng, mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới tâm lý của trẻ, khiến cho trẻ căng thẳng, áp lực, thậm chí là sợ việc học. Hãy khuyến khích trẻ học tập bằng những hình thức tích cực nhất, kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, vui chơi khoa học, phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH