Môn Hóa – Khó mà dễ! | Báo Dân trí

Theo thầy Phạm Văn Nhĩ, Trưởng phòng đào tạo – trung tâm đào tạo tỉnh Nam Định, thì môn Hoá tuy “khó nhằn” là thế nhưng cũng lại là môn dễ đạt điểm cao nhất trong các môn thi khối A, B.

Những phong cách không thể “dung hoà” trong môn Hoá

Tài tử: Chương trình Hóa học là chương trình đồng tâm, kiến thức nọ lồng trong kiến thức kia. Các kiến thức đan kết, móc nối với nhau. Nếu học kiểu tài tử, dù thí sinh có tư chất thông minh, có hiểu bài nhưng nếu không có một nền tảng kiến thức cơ bản và vững chãi thì khi làm bài thí sinh sẽ rất dễ bị nhầm và khó đạt được điểm cao. Nhất là đối với dạng bài trắc nghiệm, luôn có vô số những câu hỏi cài bẫy và đối với kiểu học tài tử, môn Hoá càng khiến cho thêm nhiều thí sinh bị “sập bẫy”.

Thụ động: Học Hóa không cần học thuộc lòng, càng không “ưa” những thí sinh chỉ biết cắm cúi nghe giảng rồi cắm cúi chép như những cái máy. Trong kỳ thi ĐH, CĐ nhiều năm qua hoàn toàn không có phần nào dành cho việc học thuộc.

Học môn Hoá phải hiểu mới làm được bài tập. Muốn tránh được cách học thụ động thì khi học Hoá, thí sinh phải luôn đi cùng việc giải bài tập. Ở môn Hoá, giải bài tập sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc học lý thuyết và ngược lại.

So với các môn khoa học tự nhiên khác thì quan hệ giữa lý thuyết và bài tập trong môn Hoá đặc biệt khăng khít và tác động rất tích cực cho nhau. Để dễ nhớ kiến thức môn Hóa, học sinh học lý thuyết đến đâu tự viết luôn các phản ứng hóa học ra giấy đến đấy.

Lắt léo: Môn Hoá tối kỵ với phong cách học lắt léo và suy diễn cho dù điều kiện không thể thiếu để đạt được điểm cao môn Hoá là thí sinh phải có năng lực tư duy tốt trên một nền tảng kiến thức phải vững vàng, không hiểu được bản chất thì không làm được bài.

Tuy nhiên, môn Hoá cũng khiến thí sinh dễ rơi vào suy diễn nếu học theo kiểu học xong một vài lượt thì cảm thấy như “cái gì cũng biết” nhưng khi hỏi cụ thể vào một phần nào đó thì quên hẳn hoặc trả lời rất bập bõm nên trả lời… bừa.

Theo thầy Nguyễn Dũng, giảng viên khoa Hoá trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), khi chấm bài thi môn Hoá của thí sinh, nhiều lần thầy đã phải rất ngạc nhiên khi bắt gặp những phương trình đầy chất suy diễn, bộc lộ những lỗ hổng rất cơ bản trong kiến thức của thí sinh.

Thầy Dũng cho biết, các bài tập của môn Hoá phần lớn không lắt léo, phức tạp và không quá nặng. Các bài tập Vô cơ chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, liên quan đến phản ứng của các kim loại và hợp chất của kim loại. Các bài tập Hữu cơ vẫn quen thuộc là các bài toán xác định công thức và các hợp chất hữu cơ…

Những nghịch lý tồn tại trong môn Hoá

Học lý thuyết rất khó… vào: Mặc dù trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ không có “đất” dành cho phần học thuộc lòng đối với môn Hoá nhưng trong cách học ôn môn Hoá, phần lý thuyết chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Nếu không nắm tốt các kiến thức lý thuyết, không viết đúng các phương trình phản ứng thì cũng không thể tìm được phương án nào đúng trong đề thi trắc nghiệm môn Hoá năm nay.

Đòi hỏi rất cao về lý thuyết nhưng môn Hoá lại “từ chối” những thí sinh nào chỉ biết học thuộc lòng. Vì vậy, học lý thuyết thế nào cho hiệu quả đối với môn Hoá là một thách thức rất lớn cho thí sinh.

Nếu chỉ chăm chú nghe thầy giảng để chép lại bài rồi học thuộc bài cũng không được vì sẽ không có gì đọng lại trong đầu. Không chăm chú nghe cũng như chỉ chép bài sơ sài thì càng không được vì chắc chắn sẽ hổng kiến thức. Hậu quả của cả hai điều này là đến khi đi thi, thí sinh có thể nhớ láng máng nên nhầm lẫn là chuyện khó tránh khỏi.

Trong môn Hoá, học lý thuyết cũng là học bài tập và ngược lại.

Hay đẩy thí sinh vào “sa lầy”: Đối với môn Hoá, rất khó phân biệt được độ khó dễ thực sự của các câu hỏi để thí sinh có thể chọn những bài dễ, hợp “gu” với mình làm trước. Đã thế, môn Hoá cũng rất dễ khiến thí sinh rơi vào sự “sa lầy” loanh quanh không dứt ra được và rất mất thời gian trước khi khi đưa ra được quyết định cuối cùng chọn đúng hoặc sai.

Các bài toán Vô cơ và Hữu cơ thì hay khiến thí sinh bị hiểu lầm. Nếu không đọc đi đọc lại đề bài thì khó hiểu đúng được nội dung yêu cầu của bài ra để viết đúng công thức của các chất và các phương trình phản ứng…

Khổ vì sách tham khảo: Môn Hoá đòi hỏi thí sinh cần cố gắng dành thời gian đọc thêm các tài liệu tham khảo. Để nắm vững kiến thức cơ bản, thí sinh không chỉ học phần lý thuyết trong SGK mà còn nên đọc thêm một số tài liệu tham khảo để tăng cường kiến thức.

Đối với môn Hoá, trung thành với chỉ một cuốn sách giáo khoa thì luôn khó đạt được kết quả thi “hoàn hảo”. Trong khi đó, tài liệu tham khảo môn Hoá thì nhiều vô kể và thực sự thí sinh nếu không có bản lĩnh thì không thể bình tĩnh để chọn được một cuốn sách tham khảo hữu ích cho mình.

M.M