Địa chỉ tạm trú là gì? Tạm trú khác thường trú ra sao? – hieuluat

Nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú… Vậy hiểu đúng về địa chỉ tạm trú thế nào?

Địa chỉ tạm trú là gì?

Địa chỉ tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Sau khi đăng ký tạm trú từ trước 01/7/2021, người dân sẽ được cấp Sổ tạm trú hoặc nhập tên vào Sổ tạm trú, sau thời gian này không còn được cấp Sổ tạm trú nữa mà là được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

dia chi tam tru la gi

Địa chỉ thường trú là gì?

Theo Luật Cư trú 2020 thì nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

Để xác định địa chỉ đăng ký thường trú phải thông qua việc đăng ký thường trú của người đó. Nếu một người sinh sống ổn định, lâu dài tại một địa điểm nhưng họ không đăng ký thường trú tại địa chỉ đó thì người đó không được coi là có địa chỉ thường trú tại đó.

Người dân khi ký thường trú từ trước 01/7/2021, người dân sẽ được cấp Sổ hộ khẩu hoặc nhập tên vào Sổ hộ khẩu, tuy nhiên, hiện nay Sổ hộ khẩu giấy không còn được cấp nữa, sau khi đăng ký thường thú người dân được cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Lưu trú là gì?

Khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định:

Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Có thể hiểu lưu trú là việc công dân Việt Nam đến và ở lại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định và thời gian đó ít hơn 30 ngày, ngoài nơi mà mình có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú.

Lưu trú không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú vì họ không sinh sống thường xuyên ở địa chỉ lưu trú; vì lý do như công việc, du lịch, có tính chất tạm thời nên họ sẽ thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

Tạm trú và thường trú khác nhau thế nào?

Tiêu chí

Thường trú

Tạm trú

Khái niệm

Là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (khoản 8 Điều 3 Luật cư trú 2020.)

Là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú (khoản 9 Điều 3 Luật cư trú 2020.).

Thời hạn cư trú

Không có thời hạn

Có thời hạn

Nơi đăng ký thời hạn cư trú

– Đối với thành phố trực thuộc Trung ương: Nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

– Đối với tỉnh: Nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Tại công an xã, phường, thị trấn.

Điều kiện đăng ký

– Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

– Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong một số trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2020.

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác với thời gian từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú. (Điều 27 của Luật cư trú 2020.)

Kết quả đăng ký

Được cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. (Khoản 3 Điều 23 Luật cư trú 2020.).

Được cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. (Khoản 2 Điều 28 Luật cư trú 2020.).

Đăng ký tạm trú là gì?

Theo khoản 5 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định:

5. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Như vậy, đăng ký tạm trú là 1 trong những thủ tục đăng ký cư trú nhằm thông báo sự lưu trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú tại một nơi trong một khoảng thời gian nhất định.

Điều kiện đăng ký

Được quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 như sau:

– Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

– Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

– Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định…

Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú

Theo Điều 28 Luật Cư trú 2020 gồm.

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Nếu người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, cần đến cơ quan đăng ký cư trú nơi sẽ đăng ký tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, đồng thời cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ sẽ được hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Không đăng ký tạm trú phạt bao nhiêu?

Điều 9 Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng từ ngày 01/01/2022 với 1 trong các hành vi dưới đây:

– Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

– Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

– Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, người dân nếu không đăng ký tạm trú theo quy định có thể sẽ bị phạt đến 01 triệu đồng.

HieuLuat vừa giải đáp thông tin cho câu hỏi địa chỉ tạm trú là gì? Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006199 để được tư vấn kịp thời.