Khảo sát địa hình – Công Ty TNHH Tư Vấn Xây Dựng, Địa Kỹ Thuật và Môi Trường

MỤC ĐÍCH KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH

  • Thu thập bổ sung các số liệu về địa hình, khu vực dự án và khảo sát chi tiết để phục vụ công tác lập hồ sơ thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng công trình và tổng mức đầu tư.
  • Cung cấp tài liệu khảo sát địa hình, thuỷ văn phục vụ bước: lập bản vẽ thiết kế cơ sở xây dựng công trình.
  • Thu thập những tài liệu nhằm xác định chính xác về khối lượng và tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH

Công tác khảo sát địa hình bao gồm: Thành lập lưới khống chế mặt bằng (lưới đường chuyền cấp 1) và độ cao (lưới đường chuyền cấp 2) phục vụ cho việc đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công.

Lưới đường chuyền cấp 1

Lưới khống chế tọa độ đường chuyền cấp 1 được đo bằng công nghệ GPS, đo nối với 02 điểm tọa độ Nhà nước. Việc thành lập lưới đường chuyền cấp 1 được thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Xây dựng mốc đường chuyền cấp 1. Mốc đường chuyền cấp 1 được làm bằng bê tông, tim mốc làm bằng mốc sứ. Mốc được chôn ở nơi có nền địa chất ổn định, vững chắc, ngoài khu vực đang xây dựng và thuận lợi cho việc phát triển lưới cấp thấp và đo vẽ chi tiết. Khi chọn điểm chôn mốc phải thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật sau:

  • Đảm bảo góc nhìn xung quanh điểm không bị che khuất, phải đảm bảo số lượng vệ tinh được phân bố đều trên bầu trời xung quanh điểm đặt máy.
  • Không bị ảnh hưởng của các đài phát sóng điện (Cách xa đài phát sóng ≥ 500m) làm nhiễu tín hiệu vệ tinh ảnh hưởng đến kết quả tính toán.
  • Chọn nơi thông thoáng, xa nhà cao tầng, hồ nước mặn, nhằm tránh hiện tượng phản xạ từ những mặt vât thể khác.

Bước 2: Đo lưới đường chuyền cấp 1. Mạng lưới đường chuyền cấp 1 được đo theo chế độ đo GPS tĩnh (Static), các máy thu vệ tinh liên tục trong thời gian hơn 1 giờ 00 phút trong điều kiện thuận lợi theo lịch vệ tinh đã tính toán từ trước, máy thu được đặt ở chế độ thu tự động 05 giây ghi vào bộ nhớ 1 trị đo.

Bước 3: Đo lưới thủy chuẩn hạng IV. Xuất phát từ hai điểm độ cao hạng III nhà nước trở lên có trong khu vực, sử dụng máy Leica LS10 do Thụy Sĩ sản xuất (hoặc máy có độ chính xác tương đương) để chuyền độ cao đến các mốc trong lưới đường chuyền cấp 1 với độ chính xác đo thủy hạng IV.

Lưới đường chuyền cấp 2

Lưới đường chuyền cấp 2 được phát triển dựa trên các điểm đường chuyền cấp 1. Việc thành lập lưới đường chuyền cấp 2 cũng được thực hiện theo 3 bước:

Bước 1: Xây dựng mốc đường chuyền cấp 2. Mốc đường chuyền cấp 2 được làm bằng bê tông, tim mốc làm bằng đinh vít và mốc được chôn tại những vị trí có kết cấu ổn định.

Bước 2: Đo lưới đường chuyền cấp 2. Đo lưới đường chuyền cấp 2 dựa trên các điểm đường chuyền cấp 1.

Bước 3: Đo lưới thủy chuẩn kỹ thuật. Từ các điểm thủy chuẩn hạng IV có trong khu vực tiến hành lập các điểm thủy chuẩn kỹ thuật. Đo thủy chuẩn kỹ thuật tiến hành theo phương pháp đo cao hình học từ giữa theo một chiều.

Đo vẽ bản đồ địa hình

Trên cơ sở lưới khống chế đường chuyền cấp 1và cấp 2 đã thành lập, sử dụng máy toàn đạc điện tử để đo vẽ chi tiết bản đồ địa hình trong khu đất và các khu vực có công trình tiếp giáp.

Việc đo vẽ bản đồ địa hình chi tiết được tiến hành theo đúng qui trình lập bản đồ. Máy toàn đạc điện tử dùng để đo vẽ ngoài hiện trường là máy Leica hoặc máy có độ chính xác tương đương. Các số liệu đo vẽ như tọa độ và độ cao của các điểm yêu cầu được tính toán, ghi lại tự động vào bộ nhớ của máy sau đó được truyền vào máy tính cá nhân bằng cách sử dụng các phần mềm chuyên dùng.

Số liệu đo được trút từ máy toàn đạc điện tử vào máy tính bằng phần mềm chuyên dụng dưới dạng cột XYH và được xử lý bằng phần mềm trắc địa. Bản đồ địa hình thể hiện rõ các đặc trưng địa hình khác.

TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG

  • TCVN 9398:2012 “Công tác trắc địa trong công trình xây dựng – Yêu cầu chung”.
  • TCVN 9401:2012 “Kỹ thuật đo và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình”.