Ăn đuôi bổ chi? – Báo Thanh Niên

Không ít thầy thuốc giỏi về Đông y ở TP.HCM cho rằng, đuôi của một số động vật có xương sống như heo, bò, nai… có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, có ích cho cơ thể trong việc phòng bệnh và chữa bệnh.

Bổ nhiều khúc

Khi ăn đuôi bò, đuôi heo…là bạn đang thưởng thức những tinh túy của xương, tủy, gân, da ở chúng. Đặc biệt, đối với những loại đuôi bò, nai, dê, chúng ta còn được ăn phần da tươi ở dạng dễ hấp thu nhất.

Không những thế, theo Đông y, đuôi và xương sống của động vật có vị ngọt, mặn, tính hàn. Những bộ phận này giúp bồi bổ thận tinh, ích não tủy, bổ âm, làm mạnh tỳ vị, làm mạnh xương sống và thắt lưng, đồng thời giúp tăng cường chức năng hoạt động của da, giúp phát triển cơ bắp và thông huyết mạch. Theo đó thức ăn ngon từ đuôi của những động vật vừa kể có thể trợ giúp những người bị một hoặc nhiều chứng sau: thận suy, tinh kém, đau lưng, đau xương sống, cổ lưng cứng đờ khó cúi ngửa, rối loạn tâm thần, động kinh, suy nhược thần kinh, da bị lão hóa.

Ở các động vật heo, bò… đuôi của chúng là phần nối dài của xương sống và có cấu tạo đặc biệt hơn. Đông y cho rằng đuôi là phần đầu của Đốc mạch (chạy từ đuôi đến huyệt Hội âm, vào huyệt Trường cường rồi dọc theo giữa xương sống cho tới huyệt Phong phủ ở sau cổ, vào não, lên đỉnh đầu, sang trán đến mũi, kết thúc ở chân hàm răng trên). Đốc mạch có ảnh hưởng đến hoạt động của tạng thận, tử cung, xương sống, tủy não và có liên quan đến chức năng hoạt động của các tạng phủ khác trong cơ thể.

Ngày nay, nguời ta biết rằng trong đuôi của bò, heo… chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích như: protein 26,4%, lipid 22,7%, glucid 4% và nhiều chất khoáng vi lượng như Ca, P, Fe…Chất protein của đuôi động vật, chủ yếu là ở da, gồm nhiều chất hợp thành như: collagen, elastin, keratin, albumin, globulin… Và các công trình nghiên cứu hiện đại còn cho biết chất collagen, có ở lớp hạ bì của da động vật và ở nhiều thực phẩm khác. Chất này có tác dụng liên kết chặt chẽ cấu trúc của tế bào, tăng cường sự hấp thụ oxy của da, giữ độ ẩm và làm tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa da, bảo vệ làn da truớc sự tấn công của các yếu tố bất lợi của môi trường, thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục ở trẻ nhỏ…

Một điều thú vị khác là đuôi động vật có công dụng làm tăng khả năng xúc giác, vì đuôi của chúng có thể giúp điều chỉnh thân nhiệt, giữ thăng bằng và định vị. Mọi thông tin đến đuôi đều truyền qua tủy sống. Và cái đuôi được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình giao hợp của động vật. (Theo tiến sĩ Pablo Pacheco ở Viện Neuroethology, ĐH Veracruz, Mexico).

Đuôi bổ theo bài

Trong phương pháp thực trị của Đông y, đuôi bò, đuôi heo… thường được dùng dưới dạng hầm nhừ cùng với một số dược liệu. Những dược liệu này có tác dụng bổ thận, ích tinh, kiện cường gân cốt, kiện tỳ vị, thông khí hoạt huyết như: đỗ trọng, ngưu tất, câu kỷ tử, đậu đen, tục đoạn, ý dĩ, đương quy, đan sâm, củ sen…

Cách chế biến các loại đuôi thường là trụng nước sôi để cạo sạch lông hoặc thui trên lửa cho cháy hết lông. Nếu bạn thui, khi da đuôi có màu vàng sậm thì cho vào chậu nước lạnh ngâm, dùng dao cạo bỏ lớp màu vàng, rửa sạch, chặt từng khúc ngắn khoảng 3cm ở ngay phần đốt xương. Trụng nước sôi, xả lại bằng nước sạch, để ráo. Bạn có thể ướp đuôi với củ sả, gừng, giấm, rượu, tùy theo món. Sau đó, bạn hầm đuôi với các dược liệu thích hợp…

Một số món ăn chế biến từ đuôi heo:

• Đuôi heo hầm củ sen:

Củ sen 300g, gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt khúc ngắn, đập cho hơi giập. Đuôi heo (cùng xương) 600g, chặt phần xương phía trên đuôi heo thành từng miếng vừa dùng, rửa sạch, phần đuôi cạo sạch lông, rửa sạch rồi cắt khúc ngắn 3-4 cm, cho vào xoong nước lạnh với 1 muỗng cà-phê muối và đầu hành đã rửa sạch, đập giập. Đun sôi, vớt bọt, để lửa nhỏ cho sôi liu riu. Hầm xương và đuôi heo khoảng 1 giờ thì cho củ sen; hành tím 5 củ đã nướng chín, bóc vỏ; 2 muỗng canh nước mắm; 1 muỗng cà-phê đường vào. Hầm thêm 1 giờ nữa cho củ sen mềm là được. Nêm nếm lại cho vừa ăn. Múc canh ra tô, rắc ít hành lá, rau ngò và ít tiêu lên trên. Dùng ăn nóng khi đói. Món ăn này rất tốt cho những người bị thận suy, tinh lực yếu, đau lưng mỏi gối, mất ngủ. Riêng phụ nữ dùng món này sẽ giúp điều hòa khí huyết, sắc mặt hồng hào, da mịn màng, trắng đẹp, chống nhăn da, nứt da, lão hóa da. Ngoài các món ăn thực trị nói trên, người ta còn dùng đuôi heo để chế biến nhiều món ăn ngon miệng và bổ dưỡng khác như: đuôi heo kho nước dừa, rất tốt cho thận và da. Đuôi heo chiên giòn, có ích cho thận và tỳ. Đuôi heo nấu ngũ vị: nấu cùng ngũ vị hương và các rau quả như cà-rốt, ớt chuông đỏ, cần tây, củ sả, rau thơm, tương cà chua. Ăn với bánh mì. Món này rất tốt cho thận, tỳ, giúp tăng trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa. Canh đuôi heo đu đủ, bổ thận, kiện tỳ, lợi sữa, dưỡng huyết. Canh đuôi heo bông hẹ, bổ thận, bổ phế, giải độc, trừ đàm, giảm ho và giúp thanh giọng.

Những món ăn chế biến từ đuôi bò:

• Đuôi bò hầm tiêu xanh:

Đuôi bò 1kg, rửa sạch, chặt khúc vừa ăn, 100g tiêu xanh, 2 củ cà-rốt, 2 quả cà chua, 2 quả ớt sừng, 1 cọng cần tây. Gia vị: bột nêm, đường, nước mắm, 1/2 quả cà bát, 10g quế, 10g đại hồi, 1 muỗng cà phê đinh hương. Cho đuôi bò, cà-rốt thái khoanh, cà chua cắt múi, cà bát cắt múi, quế, hồi, đinh hương cho vào nồi hầm 1 tiếng, tắt lửa. 30 phút sau, mở nồi ra, nêm gia vị. Cho tiêu xanh vào nồi, đun 5 phút, tắt bếp. Dọn bò hầm ra bát, rắc ớt sừng cắt sợi, rau cần thái nhỏ, dùng với bánh mì hoặc cơm. Món ăn này có tác dụng bổ thận trợ dương khí, kiện tỳ, ích khí, trừ phong hàn thấp, đau lưng mỏi gối, suy nhược sinh dục. Ngoài ra, người ta còn dùng đuôi bò để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác, có lợi cho tạng thận và tạng tỳ như: đuôi bò nấu ra-gu, đuôi bò hầm rượu vang, đuôi bò hầm với cà tím, có gia vị là đinh hương…

Lương y Đinh Công Bảy