Ý NGHĨA TƯỢNG ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT – TÔN NGỘ KHÔNG

Trong các nền văn hóa, hình ảnh con khỉ thường là biểu tượng cho sự nghịch ngợm, tinh ranh, láu lỉnh, nhanh nhẹn. Cũng có khi, khỉ trở thành biểu tượng thần thánh như Tôn Ngộ Không trong văn hóa Trung Hoa, hay Hanuman trong văn hóa Ấn Độ.

– Trong văn hóa phương Tây, hình tượng con khỉ khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại khác như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư… Chỉ cho đến khi xuất hiện nhân vật King Kong – một nhân vật giả tưởng nổi tiếng trên màn ảnh – thì khỉ mới tạo nên một dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa đại chúng phương Tây.

– Trong văn hóa Trung Quốc, văn chương thời xưa cho khỉ là loài cao quý, ví như người quân tử chốn rừng xanh. Có những câu chuyện dân gian còn thêu dệt nên sự huyền bí cho loài khỉ, khi cho rằng chúng có thể sống tới nghìn năm, rồi thành tinh, hóa thành người.

Hình tượng khỉ nổi tiếng nhất trong văn hóa Trung Hoa phải kể tới nhân vật Tôn Ngộ Không – nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký”. Tôn Ngộ Không đã trở thành hình ảnh thân thuộc trong đời sống văn hoá của nhiều thế hệ người Trung Quốc và vẫn không ngừng truyền cảm hứng cho nghệ thuật đương đại. Là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của văn học Trung Hoa. Tôn Ngộ Không có hình thể của khỉ còn trí tuệ, năng lực thì siêu phàm. “Tây Du Ký” thuật lại cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra cho tới khi theo làm đệ tử của Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không tượng trưng cho lý trí. Lý trí dẫn dắt, soi đường cho hành động. Thế nên, trong phim, người xem luôn thấy Tôn Ngộ Không đi trước, dẫn đầu mấy thầy trò, là nhân vật luôn nhìn ra trước tiên và xoay xỏa với những khó khăn, kiếp nạn gặp phải trong suốt cuộc hành trình. Tuy vậy, lý trí cũng thường ưa nổi loạn, có thể trở thành tự kiêu, ngang tàng, phách lối, chẳng chịu thua ai. Đã có lúc, Tôn Ngộ Không tưởng mình to ngang với Trời và tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh, đã lên trời xuống biển, quậy phá không kiêng dè một ai. Đứng trước Ngọc Hoàng, Tôn Ngộ Không vẫn tự xưng là “lão Tôn” đầy kiêu căng, nghênh ngang không chịu quỳ, ăn nói bất kể tôn ti trật tự. Vì vậy, Tôn Ngộ Không cần phải được uốn nắn cho hợp kỷ cương, khuôn phép và phải đội vòng kim cô. Sau này, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô cũng tự biến mất.

– Trong văn hóa Ấn Độ, thần khỉ Hanuman là một nhân vật thần thoại của đạo Hindu, được kể lại trong sử thi Ramayana. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Các đền thờ trên khắp đất nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana), và cũng được Rama rất thương yêu, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực. Rama được coi là hóa thân của vị thần Vishnu, là một trong ba vị thần tạo nên bộ tam thần trong văn hóa Ấn Độ. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì thần khỉ Hanuman là người phụng sự vua đắc lực nhất, trung thành nhất. Thần thoại Ấn Độ qua mấy ngàn năm không ngừng truyền tụng các kỳ tích của thần khỉ Hanuman, vì vậy, Hanuman sớm trở thành một hình ảnh quen thuộc, phổ biến trong mỹ thuật Ấn Độ. Tất cả những điều này đã củng cố đức tin của người Ấn Độ rằng sùng kính thờ phụng thần khỉ Hanuman thì sẽ được thần phù hộ khỏi bị tà ma quấy phá. Ngày thứ ba hàng tuần là ngày vía của thần khỉ Hanuman, và hàng triệu tín đồ ở Ấn Độ thường dâng lễ cầu nguyện thần khỉ phù hộ cho họ được khỏe mạnh, sung túc.